Đức Phật khuyên A-la-hán hành Bồ-tát đạo, cầu Vô thượng giác

3/05/2021 8:10
Có thể nói các vị Bồ-tát lớn thọ sanh đều có chủ ý, vì các Ngài đã chứng Vô sanh, được giải thoát rồi, nhưng hiện lại sinh tử để có điều kiện thực tập pháp Phật giúp trí tuệ tăng thêm và làm thêm việc phước đức.


Đó là hàng A-la-hán trở lên chọn được chỗ tái sanh và chỗ để hành Bồ-tát đạo. Kinh Pháp hoa ghi nhận như vậy.


Các vị A-la-hán tái sanh với điều kiện phải có Phật, Bồ-tát hướng dẫn và có Thánh Tăng đồng tu. Vì ra đời không gặp Phật pháp dễ bị lạc như ba anh em Ca Diếp đã tu nhiều đời, nên hiện đời cũng muốn tiếp tục tu, nhưng không gặp Đạo sư, họ phải theo đạo bái quả là truyền thống của dòng họ Aryan theo Bà-la-môn giáo ở Ấn Độ.


Các A-la-hán nguyện sanh ra phải gặp Phật và các Bồ-tát cùng sanh, vì Phật và Bồ-tát hoàn toàn thánh thiện không có sai lầm, nên hợp tác với các Ngài mới thành tựu phước đức. Thí dụ chúng ta muốn làm phước nhưng bị bạn ác xấu lợi dụng khiến cho sạt nghiệp, thậm chí vào tù. Gặp được thầy hiền bạn tốt chắc chắn việc làm dễ thành công; nếu không có họ giúp đỡ, chúng ta khó làm được việc.


Điển hình như Đức Phật sanh ở đâu cũng có Bồ-tát vô hình và hữu hình cùng các Thánh Tăng đến trợ hóa. Cốt lõi của các Ngài là Thánh, tuy mang thân phàm nhưng khác phàm phu. Phật nói Bồ-tát hay A-la-hán mang thân tứ đại có thân khổ nhưng tâm các Ngài không khổ. Điều này chúng ta thấy rõ trong đời thường, những người con có cùng cha mẹ, nhưng có người con không tốt vì tâm họ không tốt mà cũng có người con thích làm phước vì tâm họ tốt. Vì vậy, thân vật chất giống nhau nhưng tâm chủ động của mỗi người hoàn toàn khác nhau.


Tu hành chúng ta lắng lòng nhìn người để quan sát tâm họ thiện hay ác, nếu thấy tâm tốt thì làm bạn được. Nhưng chúng ta không biết động cơ nội tâm sẽ dễ mắc lầm. Thật vậy, có người nói hay khiến mình tưởng họ tốt, nhưng lắng lòng thấy không phải vậy thì tôi tránh tiếp xúc. Tâm họ lợi dụng là ác ma. Con người bên trong là tâm mới quan trọng.


Mang thân người giống nhau nhưng tâm linh khác nhau. Có người là Phật, Bồ-tát sanh lại, hay có người xấu ác sanh lại, nhưng vị Thánh có cung cách của Thánh, ác ma có biểu hiện của ác ma. Quan sát từng người, tôi thấy điều này. Tôi quen thầy Thông Lạc là thiền sư, thầy tịch rồi. Thầy này có thể ngồi thiền liên tục 49 ngày không ăn ngủ vì cốt lõi bên trong là thiền sư.


Gặp thầy này, tôi chia sẻ vấn đề tu chứng là thầy mới được hình thức của thiền, tức có cấu trúc cơ thể nhịn đói khát đến 49 ngày là việc khó mà ít người làm được. Nhưng quan trọng phải phát huy bộ não bên trong, nghĩa là phải kiểm chứng xem mình được Sơ thiền cho đến Tứ thiền chưa. Xem mình đắc quả nào trong tứ quả của Thanh văn hay chưa. Khi thân ngồi yên được thì tâm phải kiểm tra những điều này. Thầy Thông Lạc nói với tôi rằng thầy mới thực tập được giai đoạn thứ nhất là ngồi thiền suốt 49 ngày. Và giai đoạn hai, thầy sẽ thực hiện những pháp như tôi nhắc nhở.


Lần thứ nhất vào thiền điều hòa cơ thể và cuộc sống ăn uống ngủ nghỉ. Lần thứ hai phải điều tâm xem chúng ta đi vào thiền tới Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền hay Tứ thiền. Và kiểm tra coi tâm mình lên Ngũ tịnh cư thiên chưa. Coi ở trong định, chúng ta nhập định thấy thế giới nào rõ ràng. Còn Phật nhập định thấy tất cả muôn vật, thấy cả Pháp giới không sót giống như thấy quả cam để trên lòng bàn tay.


Giai đoạn một điều chỉnh thân chịu đựng được 49 ngày không hoại là tốt. Và giai đoạn hai thực tập những pháp như trên, rồi lần lần theo Phật dạy chúng ta kiểm tra quá khứ một kiếp cho đến nhiều kiếp trước của mình.


Nếu đời trước ta chứng Sơ quả không lệ thuộc vật chất ăn mặc ngủ nghỉ, không lệ thuộc tình cảm và thiên nhiên thì tái sanh cuộc đời này mang thân người cũng còn ít nhiều bị cơ thể vật chất chi phối. Như vậy, Phật dạy tuy thân bị chi phối, nhưng tâm không bị chi phối thì người này có căn lành tu được vì đời trước đã được Sơ quả Ly sanh rồi. Phật nói người này tu thêm 7 đời nữa sẽ chứng Vô sanh.


Ảnh tác giả

Phật bảo các ông bỏ lòng tham lam, ích kỷ, không phải bỏ sự nghiệp. Bỏ hết sự nghiệp là sai. Bỏ lòng tham của con người là tham tiền, tham địa vị, tham danh, tham sắc, tham ăn, tham ngủ, những thứ này chỉ làm con người bệ rạc thôi.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nếu ta quan sát biết mình chứng được Ly sanh thì thân không chi phối được tâm, đói khát không làm khổ tâm. Như đã nói Hòa thượng Thanh Kiểm thấy thân đói, Ngài uống nước lên thiền sàng nhập thiền không đói nữa. Nghĩa là đời trước có tu nên đời này mang thân người tuy phải theo quy luật của tứ đại là có đói nhưng không để cái đói hành hạ tâm. Người như thế ta nên tiếp cận, học hỏi, làm bạn.


Cao hơn một bước, nếu là A-la-hán đương nhiên có thân giống ta, nhưng họ sẽ hiện thân thánh thiện. Và Thánh La-hán mang thân người tu chứng A-la-hán rất đơn giản, dễ dàng. Điển hình thời Phật tại thế, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên thấy Phật là chứng La-hán liền, khỏi tu, vì các Ngài đã là A-la-hán từ đời trước.


Vì vậy, ta quan sát kỹ nhận thấy một năm đầu sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài độ 1.250 người đắc La-hán, nhưng về sau, hơn 40 năm mà không có người đắc La-hán nữa. Thiết nghĩ lúc mới đã có nhiều người được đắc Thánh quả thì về sau phải có nhiều hơn nhưng lại không có. Vì 1.250 vị này là A-la-hán tái sanh đồng thời với Phật để nương theo Phật tu lên và trợ hóa Phật.


Ngài Trí Giả chia đại chúng theo Phật có ba hạng là chúng trợ hóa, chúng đương cơ và chúng kết duyên. Chúng trợ hóa Phật sanh lại cuộc đời để tạo điều kiện cho Phật thuyết pháp.


Như vua Tần Bà Sa La, vua Ba Tư Nặc, hay trưởng giả Cấp Cô Độc. Tần Bà Sa La dám cúng thượng uyển để Phật làm tịnh xá cho 1.250 vị Thánh Tăng lưu trú tiến tu. Cấp Cô Độc dám lấy vàng đổi đất để làm Kỳ Hoàn tịnh xá cúng Phật. Chúng ta nhận thấy rõ những người này hiện hữu đồng thời với Phật để tạo duyên cho Phật thuyết pháp giáo hóa.


Và những người ở giai cấp khác như Sunita là Bồ-tát sanh lại, không phải người thường sanh lại. Nếu tu bình đẳng thì tất cả người tu phải đắc La-hán, nhưng tại sao chỉ có một Sunita ngoại cấp qua một đêm thiền định đắc La-hán. Còn bao người trí thức không đắc La-hán, cũng không có người nào thuộc ngoại cấp đắc La-hán. Vì những người ngoại cấp khác là người cùng đinh thực sư, nên họ chỉ có thể làm bằng với khả năng kém cỏi của họ thôi. Trong khi Sunita bên trong là La-hán, nhưng mang thân người hốt phân. Với Phật huệ mới thấy ông là La-hán, không phải người hốt phân. Vị La-hán này đóng vai thấp nhất trong xã hội để Đức Phật nói pháp bình đẳng không có giai cấp, nhằm bác bỏ truyền thống phân chia giai cấp và kỳ thị giai cấp một cách khắc nghiệt có từ lâu đời ở Ấn Độ.


Hạng thứ hai là chúng đương cơ, trình độ họ tới chỗ nào Phật dạy đến đó. Với người đắc Sơ quả, Phật nâng lên Nhị quả. Với người ở Tam quả, Phật dạy họ tiến lên Tứ quả. Người đã qua giai đoạn Thập tín, Phật dạy trụ tâm lại là tu Thập trụ, đừng để mất tín tâm thanh tịnh và nỗ lực phát triển lên, vì bất cứ cái gì có được mà không giữ gìn thì làm sao còn. Ví như người ít tiền mà tiêu xài phung phí phải nghèo khổ.


Vì vậy, với chúng đương cơ, Phật gặp người hữu duyên nào, Ngài dạy pháp tương ưng với khả năng, hoàn cảnh, tâm nguyện của họ. Nói cách khác, Phật dạy đúng người, đúng chỗ, đúng việc. Như đã nói, 50 thanh niên là con của các ông Da Xá, họ phát tâm xuất gia, Phật chấp nhận liền và họ tu cũng chứng quả La-hán rất nhanh. Còn các ông Da Xá thấy con họ được như vậy, nên cũng xin tu, Phật bảo chưa được. Họ phải làm cư sĩ giữ năm giới và làm việc phước để chuẩn bị sau này đủ điều kiện mới được xuất gia. Tu bắt chước thì nguy hiểm.


Có một anh đến chùa Huê Nghiêm xin tu. Tôi nói anh này chưa đủ điều kiện xuất gia, hãy về tập tu theo cư sĩ tại gia. Có người cho tu một ngày thì tốt, nhưng đến ngày thứ tư là không được rồi. Những người này chỉ là chúng kết duyên. Họ thấy La-hán sống giải thoát cũng muốn tu, nhưng ta chỉ cho họ tập sự tu kết duyên thôi.


Với La-hán sanh lại, Phật khuyên phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo để cầu Vô thượng giác. Các Ngài thích nhập định vì vào định là ở Ngũ tịnh cư thiên rất an lạc, không bao giờ lo sợ và thấy vật chính xác hoàn toàn, khởi niệm gì thì cái đó hiện ra. Còn nhập trần lao có đủ thứ chuyện phiền toái, nên các Ngài thích ở Ngũ tịnh cư thiên hơn.


La-hán phần nhiều nhập Diệt tận định. Họ an trụ thiền định được an lạc, không bị phiền não quấy rầy. Chúng ta áp dụng pháp này để dễ tu. Thật vậy, các Tỳ-kheo an trụ trong định không bị thế tục làm phiền. Đầu tiên họ ở núi rừng trong hang đá tu, không thấy, không nghe, không suy nghĩ việc bên ngoài, tâm liền đứng yên thì thế giới tâm đứng yên này hiện ra là thế giới của định; nhưng họ xả định vẫn bị lệ thuộc xã hội. Vì vậy, các Ngài đắc định không thích tiếp xúc với loài người vì sợ chúng sanh quấy rầy họ. Tôi gặp các vị chân tu nói với tôi như vậy và tôi nghiệm điều này đúng.


Khi mình chưa thành Phật thường lấy tâm chúng sanh làm tâm mình. Tâm người đời là tâm tham lam, ghét ganh, buồn khổ, oán hận… Vì vậy, nếu thấy họ, nghe họ, thiền sư sợ bị tác động. Trên bước đường tu, muốn được hỷ lạc phải không để tình cảm xã hội tác động. Để tác động thì mất Chánh niệm, Chánh định bị đọa. Phải biết rằng tu thì khó mà đọa thì dễ. Thực tế cho thấy nhiều người nhập định có thần thông nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà vọng niệm khởi lên liền mất thần thông.


Vào định ví như bướm bay rất đẹp, nhưng xả định giống như bướm rụng cánh. Vì vậy, những gì chúng ta được đừng nói, vì nói là mất, không kiếm được. Tôi có bạn đồng tu chia sẻ điều này rằng nhờ tu mà có được mầu nhiệm, nhưng mất rồi không tìm lại được.


Đối với A-la-hán, trong kinh Pháp hoa, Phật bảo họ có điều kiện thăng hoa trí tuệ và phước đức thì nên tu tạo phước trí nhiều hơn để làm hành trang tiến lên quả vị Phật.


Thực sự A-la-hán ở thiền định giải thoát, nhưng xả định các Ngài không có gì. Phật ra đời để các Ngài thấy Phật khác với La-hán là ở trong định, Phật có đầy đủ và xả định Phật cũng có đủ.


Thật vậy, Đức Phật an trụ giải thoát, nên tâm Ngài hoàn toàn trống vắng, không có nghiệp và phiền não. Tâm thức của Phật hoàn toàn trong sạch. Vì vậy, Phật nhập định để quan sát vật nào thì vật đó hiện ra trong tâm thức Phật. Một vị thiền sư ngộ đạo nói lý này như sau:


Nhạn quá trường không


Ảnh trầm hàn thủy


Nhạn vô di tích chi ý


Thủy vô di ảnh chi tâm.


Con chim bay ngang hồ nước, bóng nó hiện trên mặt hồ. Chim không muốn lưu ảnh nó trên mặt nước và hồ nước cũng không có ý giữ lại hình ảnh của chim, nhưng hồ nước có ảnh của chim.


Phật nhập định Vô lượng nghĩa tương ưng với loại hình thế giới nào chúng sanh nào thì thế giới đó chúng sanh đó hiện ra trong tâm Phật. Và Phật xả định, thế giới đó chúng sanh đó tự mất, nên Phật giải thoát.


Còn đối với chúng ta là phàm phu, tất cả mọi việc tốt xấu đều lưu vào tiềm thức mà mình không bao giờ quên. Và thường cái xấu luôn được mình nhớ dai và thù oán mình khó quên, nên ác nghiệp cứ tạo thêm hoài.


Với Phật, cái gì qua rồi, không cần thiết thì tự mất. Cái gì Ngài cần, nó xuất hiện. Đức Phật khác La-hán ở điểm này.


Trở lại việc trước kia A-la-hán không phát tâm hành Bồ-tát đạo vì còn bị vướng mắc trần sa hoặc, tức thấy cuộc đời là biển khổ nên các Ngài không muốn dấn thân vào.


Thực tế ta gặp người đời ngang ngược sẵn sàng làm bất kể việc sai trái nào. Tu quen thì thấy người đời làm những điều mình ngán vô cùng. Tôi thấy hai người đàn ông nói chuyện mà cảm giác như họ đang mắng nhiếc nhau, sắp đánh nhau. Ở chùa không thấy việc này, nên ra đời thấy lạ lẫm trước việc ác mà người đời coi là bình thường. Các vị La-hán sợ bị lây nhiễm những ác xấu tội lỗi này, nên các Ngài cố tránh. Nhưng Phật bảo La-hán phải dấn thân cứu đời, giúp đời mới có trí tuệ viên mãn và tạo thành thế giới Phật.


Nói đến việc làm của người đời, nếu quan sát thực tế cuộc sống, có người nói rằng tất cả mọi người đều xấu, các quốc gia trên thế giới cũng xấu. Thật vậy, ta nhìn kỹ thấy các quốc gia đua nhau trang bị vũ khí giết hại nhau. Họ chế tạo vũ khí giết người mỗi ngày nguy hiểm hơn, tinh vi hơn, giết được càng nhiều người trong thời gian nhanh nhất càng tốt. Chế tạo và thí nghiệm vũ khí như vậy, họ đưa vào không khí vô số chất độc hại gây ô nhiễm môi sinh. Và chất độc hại qua không khí, thực phẩm, dòng nước, đất đai… sẽ thâm nhập vào con người, biến con người chúng ta trở thành ổ siêu vi, rồi những siêu vi này lại được con người thải ra thì gây thêm độc hại khác nữa. Bấy giờ, không khí, đất, nước bị ô nhiễm trầm trọng, lại thêm tất cả mọi người mang đủ thứ bệnh truyền nhiễm chắc chắn chúng ta cũng không thể sống yên ổn.


Phật nói nếu tam tai xảy ra sẽ phá vỡ từ cõi nhân gian đến cõi trời Dục, cõi trời Sắc, cho đến cõi trời Vô sắc. Tình trạng tệ hại này nếu không ngăn chặn kịp thời, chẳng bao lâu thế giới này sẽ bị hủy diệt.


Vì vậy, Phật khuyên các La-hán hành Bồ-tát đạo để ngăn chặn bớt những gì độc hại mà con người gây ra cho môi sinh. Những gì cần thiết cho sự sống con người thì mới nên chế tạo, không cần mà sản xuất chỉ để thỏa mãn lòng tham vô độ và tâm ích kỷ làm tác hại cho sự sống của tất cả sinh vật trên trái đất này thì dứt khoát phải loại bỏ ngay.


Ngày nay có hai khuynh hướng là giải trừ quân bị và tăng cường quân bị. Giải trừ quân bị thì ít, mà tăng cường quân bị luôn luôn nhiều hơn, hễ nước này tăng vũ khí hạt nhân liền kéo theo nước kia cũng tăng cho bằng hay hơn mới thỏa mãn.


Người tham lam cho đến phe nhóm, quốc gia tham lam ích kỷ luôn luôn khai thác cạn kiệt tài nguyên của trái đất này làm hủy hoại sự sống của chính loài người và muôn loài.


Ngược lại, Phật dạy hành Bồ-tát đạo đi vào cuộc đời không phải chỉ khai thác mà còn phải bồi đắp để bầu khí quyển được trong lành, dòng nước được tinh sạch, Trái đất giữ được màu xanh tươi đẹp, không biến nó trở thành sa mạc. Tôi cũng mong các vị Bồ-tát xuất hiện trên cuộc đời này để nhờ uy lực thánh thiện của các Ngài tác động cho con người biết thực hiện những việc cần thiết để giữ gìn Trái đất được thọ mạng lâu dài, con người được khỏe mạnh, bình an.


Sở dĩ Đức Phật khuyên các La-hán phát tâm Bồ-đề vì họ là người tốt dấn thân vào đời có điều kiện làm tốt, nhưng nếu sợ, bỏ trốn để người xấu ác quản lý thì trái đất này sẽ nguy hiểm đến dường nào.


Phật dạy La-hán phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo mà kinh Pháp hoa gọi là thọ ký thành Phật. Phật dạy họ phát tâm bằng cách triệu tập các Bồ-tát tới. La-hán lấy giải thoát làm chính. Bồ-tát cũng lấy giải thoát làm chính. Hai giải thoát này ngang nhau, nhưng Bồ-tát hơn La-hán vì làm được nhiều việc lợi lạc cho đời, trong khi La-hán không làm được.


Vì vậy, tới kinh Dược Sư có 36.000 Bồ-tát tới, nhưng đến kinh Pháp hoa, Phật điều động 80.000 Bồ-tát tới. Thanh văn cũng tới để Thanh văn thấy đạo lực của Bồ-tát mà phát tâm hành Bồ-tát đạo. Đến đây hội chúng gồm có phàm phu, hàng Sơ quả cho đến Tứ quả và hàng Bồ-tát phát tâm tu Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Đẳng giác. Đó là đối tượng để các La-hán phát tâm làm theo.


Các La-hán hỏi Phật làm sao được như Bồ-tát. Phật dạy rằng ai làm cũng được, chỉ cần phát tâm hành Bồ-tát đạo. Họ nói trước kia Phật khuyên họ bỏ sự nghiệp để đi tu, chỉ còn một bát một ca-sa. Nhưng bây giờ Phật bảo cứu đời giúp người, mà nay quyền uy không có, tài sản cũng không thì làm gì được.


Ngày nay chúng ta cũng phạm sai lầm này nên không đạt kết quả. Nghe nói bỏ là bỏ hết để tu, nhưng làm như vậy không đúng.


Phật bảo các ông bỏ lòng tham lam, ích kỷ, không phải bỏ sự nghiệp. Bỏ hết sự nghiệp là sai. Bỏ lòng tham của con người là tham tiền, tham địa vị, tham danh, tham sắc, tham ăn, tham ngủ, những thứ này chỉ làm con người bệ rạc thôi.


Bỏ tánh tham để xây dựng đời sống tốt hơn. Người làm vì lòng tham lam, ích kỷ sẽ tạo hậu quả không tốt, khác với người làm bằng lòng vị tha luôn đem lại lợi lạc cho nhiều người.


Thí dụ có nhà kinh doanh người Nhật nói với tôi rằng sự nghiệp của con là tỷ phú, ăn đến đời cháu cũng không hết. Nhưng nếu con không làm thì cả ngàn công nhân sẽ lâm vào tình trạng khó khăn, khổ sở. Ông này phát triển kinh tế nhằm giúp cuộc sống các công nhân ổn định, không phải phát triển kinh tế vì lòng tham, không khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Họ khai thác gỗ nhưng vẫn giữ màu xanh của rừng, thí dụ cây gỗ quý như cây tùng nuôi đến 80 tuổi mới khai thác và phải trồng lại các cây non khác thay thế. Nói đến con số 80 gợi tôi nhớ ngày khánh thành Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng Yoshimizu tặng tôi hai cây tùng 80 tuổi để chúc mừng tôi 80 tuổi. Người Nhật vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường, họ không khai thác bừa bãi rồi xả chất độc hại vào không khí, vào đất, vào dòng nước.


Người khai thác vô ý thức thải hóa chất vào sông, cá ăn chất độc hại, rồi người ăn cá này khiến thần kinh bị tê liệt. Thực tế cho thấy trên trái đất này có vô số chất độc hại do con người thải bỏ gây ra nhiều dịch bệnh.


Trong sinh hoạt cuộc sống, tất yếu phải có kinh doanh sản xuất cho người có việc làm và cũng cần bảo vệ môi sinh để giữ gìn Trái đất trong sạch và giữ gìn sức khỏe lành mạnh cho mọi người cùng muôn loài. Vì mục đích này, có quốc gia đã chế tạo máy chuyển khí CO2 thành phân bón cho rau cải. Người ác thì biến cái tốt thành cái xấu. Người lương thiện biến độc hại thành dinh dưỡng cho con người.


Chúng ta chưa đắc quả La-hán, chúng ta đang ở thế giới loài người trong sáu đường sinh tử. Phật dạy phải ra khỏi Nhà lửa tam giới là thế giới của vô minh, tham lam, ích kỷ làm đau khổ lẫn nhau. Tất cả phải mau ra khỏi thế giới này, phải tu giới định tuệ và có tuệ, tức chúng ta có hiểu biết. Lúc trước vì bị vô minh nên mắc lầm, bị lừa dối nên đau khổ. Nhưng nay chúng ta có trí tuệ, không gạt được chúng ta nữa.


Vì vậy, Phật bảo tu có trí tuệ là quan trọng và qua bước thứ hai, chúng ta hành Bồ-tát đạo để tạo phước đức. Có trí tuệ rồi, biết việc đáng làm, biết người nên gặp hay nên tránh thì không bị mắc lầm mới tạo được phước đức. Biết người đáng giúp, đáng độ, chúng ta mới có quyến thuộc Bồ-đề.


Giai đoạn một tu Thanh văn đạo để diệt trừ nghiệp chướng, phiền não, trần lao. Và qua Bồ-tát đạo có trí tuệ, có phước đức mới thấy thế giới Thật báo trang nghiêm Tịnh độ của Phật hiện ra là sáng mắt thấy Phật, nhưng phải có phương tiện mới đi đến thế giới Phật được. Vì vậy, tu hành phải sanh được phước đức và trí tuệ, thấy thế giới Thật báo, thấy Phật Thích Ca ở trong Thật báo. Vì thế giới này cấu tạo bằng phước đức, trí tuệ, nhưng chúng ta còn ngu dốt, nghèo đói thì làm sao đến đó. Phật mới đưa ra phương tiện để chúng ta tu đến được thế giới Thật báo của Ngài.


Trong hội Pháp hoa, Phật dạy các vị A-la-hán bước qua Bồ-tát đạo, phát huy phước trí viên mãn để đạt quả vị Vô thượng Đẳng giác giống như Phật.


Hòa thượng Thích Trí Quảng/Báo Giác Ngộ


Các tin tức khác

Back to top