Nhận diện thói quen thế tục

4/05/2021 12:36
Thói quen thế tục luôn ảnh hưởng đến sự xuất gia. Thói quen này đòi hỏi sự hưởng thụ đời sống vật dục như: quần áo, thực phẩm, giải trí, hoàn cảnh sinh hoạt v.v… Nếu không có những thứ này, cuộc sống sẽ trở nên vô vị.

Các hình thức sinh hoạt, giải trí, phục vụ đời sống là cần thiết, nhưng nếu chạy theo những khuynh hướng này một cách cực đoan, con người sẽ bị biến thành kẻ nô lệ. Thói quen đó được nhận định như một dòng chảy ngấm ngầm, vô hình không thấy được, nhưng bên trong có tác động chi phối, buộc chúng ta phải ứng xử theo hình thức này mà không phải hình thức khác. Chúng ta bị sai sử theo cách này hay cách khác. Từ đó, nó tạo cho ta một phong cách riêng, làm cho ta khác biệt hơn những người khác. Khi một ai đó chạm đến sự khác biệt này, ta thường có sự biện hộ rằng: “Tính của tôi như thế, ai không chịu được thì thôi..!”. Vì suy nghĩ sai như thế, ta sẽ khó thực hiện được việc sửa đổi, cho dù những điều này liên hệ đến hạnh phúc của bản thân.

Chúng tôi từng gặp một số tình huống, các cô thiếu nữ muốn xuất gia, khi được sự khuyến khích, đã trả lời rằng: “Thưa thầy, con rất thích đi tu nhưng tu không được. Vì con rất yêu mái tóc đẹp của con. Nếu xuất gia sẽ bị cạo đầu trọc, con cảm thấy nó làm sao ấy!” Hoặc nhiều người có thói quen trang điểm son phấn, đồ nữ trang v.v… Họ cảm thấy nếu đi tu mà thiếu những thứ này thì giá trị con người sẽ bị giảm xuống.

Thực ra, giá trị nhà Phật không dựa trên những nền tảng này, vì nó là những giá trị ảo, liên hệ đến sự nhận thức về bản ngã, tầm quan trọng của mình đối với người khác. Khi ăn mặc những bộ quần áo thời trang và nữ trang đắt tiền, ta nhầm tưởng nó làm tăng giá trị đẹp cho bản thân mình, ta sẽ được nhiều người ca ngợi, nhưng thực tế không có ai quan tâm. Sĩ diện này làm cho một số người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những thứ đắt tiền và sang trọng.

Thói quen vật dục sẽ chi phối con người lớn đến độ làm cho ta mất tất cả sự tự do. Về lâu dài, có thể làm cho con người bị trói buộc, chạy theo những gì mà ta muốn, thay vì nó phải phục vụ cho những gì mà ta cần làm.

Trong Kinh Phật có câu chuyện ngụ ngôn như sau. Có một chàng thanh niên vào rừng thưởng ngoạn cảnh đẹp. Không may anh ta đã gặp cọp. Anh hoảng hốt chạy bán sống, bán chết về phía trước, nhưng càng chạy anh lại càng bị lạc sâu hơn vào rừng. Cuối cùng, anh ta không thể tìm thấy con đường phía trước. Trước mắt anh chỉ là một vực thẳm. Khi anh quay đầu nhìn lại, con cọp đã tới gần và nó sắp sửa chực vồ lấy anh. Nếu anh không có một phản ứng nhanh bằng cách nhào xuống vực sâu, chắc chắn anh đã trở thành con mồi cho cọp. May mắn thay, ở dưới vực sâu có một chùm dây tầm gửi, và anh đã vội chụp lấy chùm dây này. Chùm dây đã đánh đong đưa qua lại làm cho thân thể của anh cũng bị va vào trong vách núi, khiến anh ta bị đau nhức vô cùng, và tim anh đập thình thịch. Nỗi sợ hãi lúc đó đã chiếm hết tâm trí của anh. Một lát sau, ngước nhìn lên trên, anh thấy con cọp đang nhìn xuống. Ở phía trên của vực sâu có hai con chuột đang gặm nhấm chùm dây tầm gửi này, anh đã chợt nghĩ không biết nó sẽ đứt vào lúc nào?

Bi kịch của câu chuyện, thay vì phải tìm cách leo lên khỏi vực sâu để tránh cái chết đang gần kề, làm mồi cho cọp. Anh lại nhìn một chùm nho lơ lửng trước mặt, anh đã nở nụ cười rất tươi, với tay hái lấy nó, mà quên đi sự nguy hiểm ở gần kề. Anh đã ăn những trái nho đó một cách ngon lành, không còn nhớ đến mọi khổ đau đang có mặt với anh. Bi kịch này gợi lên một số suy nghĩ

Thứ nhất, nếu đứng trên phương diện kinh Phật, ta phải biết tận dụng đời sống hiện tại, sống với những gì mà ta đang có và những gì ta cần phải sống, không nên để cho những nỗi sợ hãi, khó khăn chi phối mình. Ta vẫn có thể biến nỗi khổ đau thành niềm vui. Một khuynh hướng thông thường khác mà bài kinh muốn phản ánh là thái độ, thói quen thường chi phối con người. Đó là góc độ của sự hưởng thụ, thay vì phải tìm cách thoát khỏi vực thẳm và cái chết, thì anh ta lại quay sang hưởng thụ những trái nho.

Thứ hai, nó phản ánh được rằng trong cuộc sống luôn có nhiều nỗi khổ, niềm đau. Nhiều người trong chúng ta lại không quan tâm, chăm sóc và chữa trị nó. Ta chỉ quan tâm tìm đến những nguồn vui nhất thời. Do vậy, nỗi khổ niềm đau sẽ bị tăng trưởng theo thời gian. Khi để cho các thói quen hưởng thụ chi phối cuộc đời mình, ta sẽ trở thành những cái máy. Phản ứng của ta thể hiện qua lời nói hoặc việc làm hoàn toàn sẽ không phụ thuộc vào nhận thức, mà phụ thuộc vào quán tính, thay vì ta phải ứng xử, lời nói, việc làm theo cách khác có lợi cho mình và cho người.

Chướng duyên trong đời sống vật dục làm cho nhiều người nhận thấy rằng mình không thoải mái, an lạc, hạnh phúc trong đời sống rất thanh cao và giản dị của người tu. Nghịch cảnh về thói quen trong trường hợp này liên hệ đến yếu tố nhận thức, tâm lý, vốn có khả năng chi phối tác động những hành vi trong cuộc sống. Vì lẽ đó một số người họ có nguyện vọng chính đáng, có chí nguyện xuất gia nhưng lại không dám nghĩ, vì sợ nó sẽ làm cho họ mất hết tất cả.


Các tin tức khác

Back to top