Từ “Sắc” trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng màu sắc. Chữ “Không” được nhắc đến trong đạo Phật không phải là “Ngoan Không” như lông rùa sừng thỏ, cái mà không bao giờ xẩy ra. Chữ Không được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chơn Không Diệu Hữu”. Như vậy, sắc tức thị không là nói đến thật tướng của vạn pháp và đấy chính là vô tướng, cái tướng không của vạn pháp. Đến đây chắc có người thắc mắc sao lại là Vô Tướng, rõ ràng tôi thấy có nhà cửa, xe cộ, sông núi tại sao lại bảo là không? Xin thưa, nếu nhìn bằng nhục nhãn là như thế. Tuy nhiên, nếu truy nguyên ra nguồn gốc thì chẳng có cái gì là nhà cửa hay xe cộ gì cả. Vì sao thế? Vì những cái có hình tướng đó không có tự tánh chơn thật. Tất cả cũng do nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Không có gì là tự thân riêng biệt của chính nó cả.
Vậy, nếu có vị nào hiểu được từ cái không mà do nhân duyên nương gá nhau để hợp lại thành cái có (ví dụ như là thân này, nhà cửa, xe cộ, sông núi) khi hết duyên mọi thứ tan rã, và từ cái có lại trở về với không, mỗi giây phút chúng ta đang sống thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang dần dần chết.... thì quý vị đã hiểu được ý nghĩa sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc. Câu nói “phiền não tức bồ đề” cũng là từ ý này.