Trong Tâm Kinh Bát Nhã, Bồ Tát Quán Tự Tại thiền định thực hành trí tuệ Bát Nhã để quán chiếu năm uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) thì thấy tất cả chúng đều là ‘Không’. ‘Không’ không có nghĩa là không có, mà là không thường hằng (vô thường) và không có tự ngã riêng biệt (vô ngã). Chính vì thấy rõ năm uẩn là Không nên Bồ Tát không chấp vào ngã tướng, vì không chấp vào ngã tướng nên Bồ Tát không bị ngăn ngại bởi bất kỳ khổ nạn nào.
Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật cũng dạy quán chiếu bốn mặt Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Phép quán Tứ Niệm Xứ cũng tương tự như phép quán ngũ uẩn vì Thân và Pháp chính là Sắc, còn Thọ, Tưởng, Hành và Thức chính là Tâm. Dưới trí tuệ Bát Nhã, Thân, Thọ, Tâm, Pháp (Tứ Niệm Xứ) cũng như nhau, cũng đều là Không.
Trong Tám Con Đường Giải Thoát (Bát Chánh Đạo) Đức Phật dạy thì Chánh Kiến được nêu lên đầu tiên. Chánh kiến tức là không còn mê lầm, vọng chấp, tức là trí tuệ Bát Nhã của Chư Phật. Khi ta thực hành trí tuệ này để quán chiếu ngũ uẩn, tứ niệm xứ, hay bất kể pháp gì đi nữa thì sẽ thấy tất cả chúng cũng đều là Không, tất cả đều vô thường và vô ngã.
Tu hành là học và hành cách nhìn vạn pháp theo ‘con mắt’ của Chư Phật thay vì theo con mắt của đời thường thế tục. Nếu ta theo con mắt thế tục thì cuộc đời này là đầy rẫy khổ đau của sự sinh diệt. Nhưng nếu ta biết thay vào đó ‘con mắt’ của Chư Phật, thì vạn pháp là Không, không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không hạnh phúc, không đau khổ...