Cuộc đối thoại kỳ lạ giữa phi hành gia nổi tiếng và Hoà thượng Thánh Nghiêm (II)

14/06/2021 12:37
Dưới đây phần còn lại trong cuộc đối thoại giữa phi hành gia Edgar Mitchell và Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm tại một hội thảo Khoa học năm 2008.

Đoạn trích này trong cuốn Muôn kiếp nhân sinh 1 của tác giả Nguyên Phong. 

Giáo sư Yeh chợt hỏi:

- Phải chăng cảm giác đó là thấy mình hợp nhất với vạn vật?

Phi hành gia Mitchell trả lời:

- Đúng thế, lúc đó tôi không thấy có sự khác biệt giữa mình và vạn vật nữa. Cái cảm giác hòa hợp, rung động cùng với sự chuyển động của vũ trụ, là một trải nghiệm kỳ lạ không thể diễn tả được bằng lời.

Giáo sư Yeh quay sang hỏi Hòa thượng Thánh Nghiêm:

- Bạch Hòa thượng, theo quan niệm của Phật giáo, trải nghiệm không còn thấy sự phân biệt giữa mình và vạn vật của phi hành gia Mitchell có phải là một sự chứng ngộ không?

Hòa thượng Thánh Nghiêm mỉm cười nhìn ông Mitchell:

- Trước hết tôi rất mừng cho phi hành gia Mitchell đã có một trải nghiệm đặc biệt. Trong hàng ngàn, hàng vạn người, không mấy ai có được trải nghiệm như thế. Trong cuộc sống, khi người ta trải nghiệm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, có thể thay đổi hẳn các trải nghiệm cá nhân từ trước, ta có thể coi đó như là một sự chứng ngộ. Tuy nhiên, đó cũng có thể chỉ là một cảm giác nhất thời.

Thí dụ như, cách đây không lâu, một đệ tử của tôi cũng có một trải nghiệm đặc biệt. Sau một khóa tu thiền kéo dài bảy ngày, anh ta trở về nhà. Trên đường về, anh ta thấy tất cả cây cối, hoa lá, từ những con côn trùng nhỏ bé cho đến những chiếc lá cây, ngọn cỏ đều vui mừng chào đón anh. Anh cảm nhận được một niềm an lạc tuyệt vời như hòa nhập với ngoại cảnh và tin rằng mình đã chứng ngộ. Anh vội vã trở lại kể cho tôi nghe về trải nghiệm đó. Tôi nói với anh rằng tuy đó là một khoảnh khắc trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng có thể biến đi ngay trong chốc lát. Đừng coi cảm giác đó là một sự chứng ngộ. Nếu không tin, anh hãy thử trở lại khu vườn đó để xem những cây cỏ, hoa lá, muông thú có chào đón anh như trước không.

Khi quay trở lại, anh không cảm nhận được trải nghiệm như trước nên đã hỏi: “Làm thế nào để con có thể lấy lại cái cảm giác tuyệt vời đó?”. Tôi trả lời: “Không ai có thể sở hữu mãi mãi trải nghiệm đã qua đó. Nếu muốn nắm giữ nó mãi thì anh thật tham lam. Có được trải nghiệm này chỉ là một kết quả của quá trình tu tập mà thôi. Đó không phải là sự chứng ngộ như anh kỳ vọng. Mục đích của tu tập Thiền định là để phát triển trí tuệ và xóa bỏ bản ngã. Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Vô ngã thì thế giới này còn tồn tại nữa không? Nếu chúng ta đạt đến trạng thái Tâm vô phân biệt thì làm gì còn có chúng ta hay thế giới này nữa? Đối với đa số mọi người, thế giới này thật sự hiện hữu, nhưng đối với những người đã chứng ngộ thì thế giới này chỉ là huyễn ảo, không có thật, do đó tất cả trải nghiệm dù là trải nghiệm gì đi chăng nữa, cũng chỉ là huyễn ảo chốc lát mà thôi. Chúng ta không nên để ý đến nó hay muốn nắm giữ nó mãi làm gì”.

Giáo sư Yeh hỏi thêm:

- Bạch Hòa thượng, như thế thì dù chúng ta có được những trải nghiệm gì cũng không nên bám víu vào nó hay sao?

Hòa thượng Thánh Nghiêm trả lời:

- Cho dù trải nghiệm đó diễn ra thế nào đi nữa, hãy để cho nó đến và đi một cách tự nhiên. Có thể nó chỉ là điều xuất phát từ tâm thức, sẽ thay đổi, vì tất cả mọi sự đều sẽ đổi thay. Dù nó hiện hữu như thật, vẫn hãy coi nó chỉ là những hiện tượng của tâm thức mà thôi.

Tuy nhiên, đối với những người đã trải nghiệm, rồi hoàn toàn thay đổi nhận thức của họ và luôn luôn sống với tâm thức đó, thì chúng ta có thể kết luận rằng người đó đã chứng ngộ. Theo quan niệm của Phật giáo, người này đã có một “nhân” lành từ trước và đến nay nó bắt đầu trổ “quả”.

Hòa thượng Thánh Nghiêm chia sẻ tiếp:

- Phi hành gia Mitchell là một nhà khoa học, nhưng không thể giải thích trải nghiệm đó bằng lý luận của khoa học, không thể chứng minh nó qua các cuộc thí nghiệm, hay tạo ra lý thuyết bằng phương pháp luận lý. Ông tin rằng đây là một kiến thức mới, mà khoa học cần khám phá, nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ông nên biết rằng cảm giác đó là một trải nghiệm tâm linh nằm trong phạm trù của tôn giáo mà khoa học không thể giải thích. Triết học hay luận lý học cũng không thể giải thích được, vì nó là một trải nghiệm tinh thần xảy ra cho một người duy nhất - là ông mà thôi. Trải nghiệm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của ông. Từ đó, ông cảm thấy nó trở thành một phần của ông, không thể tách rời ra được nữa. Trải nghiệm này vượt khỏi phạm trù của khoa học bởi vì những người trải nghiệm được việc này không thể diễn tả, giải thích được, không thể chứng minh được, và cũng không ai có cùng một trải nghiệm tương tự như thế, nó là một trải nghiệm có tính chất duyên căn cá nhân. Ai uống nước thì tự mình biết nóng hay lạnh. Trong trường hợp của ông, chỉ mình ông cảm nhận được sự an lạc hòa hợp cá nhân vào vũ trụ, nhập với tất cả, không còn phân biệt giữa mình và vũ trụ nữa. Lúc đó cũng có các phi hành gia khác ở trong phi thuyền. Tại sao họ không có được trải nghiệm giống như ông? Tại sao chỉ mình ông có được cảm nhận đó? Nếu nói theo khoa học thì một khi ông cảm nhận được điều gì, tất cả những người khác cũng đều phải thấy như thế. Tóm lại, đây là điều mà khoa học không thể giải thích hay chứng minh, vì nó nằm ngoài phạm trù của khoa học.


Các tin tức khác

Back to top