Suy nghĩ về số mệnh trong Phật giáo

18/06/2021 12:07
Số mệnh của con người hay con người có số mệnh hay không; đó là vấn đề được đề cập và tranh luận khá nhiều trong triết học cũng như trong lãnh vực tôn giáo từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Theo như cách hiểu thông thường, số mệnh là cái gì có sẵn do thế lực vô hình hay do Thượng đế áp đặt mà con người phải cúi đầu gánh chịu, không thể hiểu được và cũng không thể thay đổi định mệnh ấy.

Đối với vấn đề định mệnh hay số mệnh của con người, lý giải của Phật giáo không giống như cách nghĩ nói trên; vì nếu định mệnh không thể thay đổi thì chắc chắn chúng ta không thể nào tu hành, cải thiện cuộc sống của chúng ta thăng hoa cho đến đỉnh cao là bậc toàn giác như Đức Phật.

Trên thực tế, những điều không may xảy đến cho con người ngoài ý muốn của họ, hoặc điều tốt đẹp mà người được hưởng cũng không do họ tính toán được, thì theo Phật giáo, định mệnh ấy vẫn thật có. Nhưng cái định mệnh, số mệnh ấy không nằm trong bàn tay quyết định của vị thần linh nào khác, mà nó tuỳ thuộc ở hành động và ý tưởng của chính người ấy, thường được gọi là nghiệp. Có lẽ khẳng định rằng số mệnh là hình bóng của nghiệp, số mệnh tốt hay xấu tuỳ theo nghiệp tốt hay xấu. Chính vì vậy, đạo Phật thường khuyên chúng ta tu để chuyển nghiệp, tức thay đổi số mệnh.

Thật vậy, nếu hiểu số mệnh là cái tốt hoặc xấu vĩnh viễn dành cho một người thì không ai có khả năng thay đổi. Nhưng lý giải theo căn bản chuyển nghiệp, chúng ta có thể thay đổi được số mệnh của chính mình. Nếu nghiệp nhẹ, chúng ta có thể thay đổi số mệnh ấy ngay trong đời này. Trường hợp túc nghiệp của chúng ta quá nặng, tất yếu phải đời sau hay nhiều đời sau nữa mới đổi được. Ví dụ phải mang những dị tật bẩm sinh trong hiện đời, dù có cố gắng mấy, hình tướng bất toàn ấy cũng không thể thay đổi hoàn toàn, trở thành bình thường trong hiện đời.

Đức Phật dạy rằng nhìn số mệnh của chúng ta trong đời này sẽ suy ra được nghiệp nhân đời trước của mình. Nếu nghiệp nhân đời trước hay tiền nghiệp tội lỗi đã tạo, kết quả dẫn đến hiện nghiệp không tốt, chẳng hạn như đời này phải gánh chịu số phận đói khát, nhục nhã của người dân một nước bị nô lệ, lạc hậu hoặc phải sanh vào gia đình thật nghèo khổ, không đủ cơm ăn áo mặc sống lang thang …

Ý thức được khả năng chuyển nghiệp theo lời Phật dạy, chúng ta có thể từng bước cải thiện cuộc sống thành tốt đẹp. Từ nghèo khó, nhưng biết đầu tư kiến thức, công sức vào công việc, cũng có thể đạt được cuộc sống sung túc, từ ốm yếu bệnh hoạn biết điều chỉnh thể xác và tinh thần thành khỏe mạnh, từ không giỏi, nhưng siêng năng học hành cũng có thể đỗ đạt, tăng trưởng hiểu biết, đạt được vị trí cao trong xã hội, hoặc biết sửa đổi tánh tham lam hung dữ, lười biếng thành siêng năng, hiền dịu, ngay thẳng thì chắc chắn sẽ được người khác tin cậy, quý mến, hợp tác và gầy dựng được cuộc sống giàu sang.

Như vậy, với tiền nghiệp hay số mệnh đã có , nhưng biết thay đổi nếp suy nghĩ, lời nói, việc làm của chính chúng ta trong đời này, chúng ta sẽ thay đổi được số mệnh trở thành tốt đẹp trong tương lai gần là hiện đời hoặc xa hơn là đời sau, thậm chí có những nghiệp ác phải nhiều kiếp mới cải thiện được hoàn toàn. Ý này được Đức Phật dạy rằng muốn biết được tương lai đời sau như thế nào thì hãy xem việc làm hiện tại của chúng ta.

Trong việc chuyển hoá nghiệp của tự thân mỗi người muốn được tốt đẹp, dễ dàng, có thể nói sự trợ duyên của thầy hiền bạn tốt đóng một vai trò quan trọng đáng kể.

Đọc lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy có những người có phước duyên được gặp Phật hay Thánh tăng khai ngộ, họ liền đắc quả dễ dàng. Thiết nghĩ trên bước đường tu hành, chúng ta đều nhận chân được công ơn tế độ của minh sư và sự trợ lực của thiện hữu tri thức lớn lao như thế nào. Nhờ nương theo thầy hiền bạn tốt, tâm chúng ta trong sáng, có được nhận thức đúng để từng bước chúng ta sửa đổi tư duy và việc làm thăng hoa trên con đường thánh thiện. Trái lại, gặp ác duyên là thầy tà bạn ác xúi dại, dẫn chúng ta đi vào con đường tội lỗi, thì số phận chúng ta càng tệ hại thêm nữa.

Theo Phật giáo trong sáu nẻo luân hồi có hai thế giới vật chất mà chúng ta thấy được là thế giới của loài người và súc sanh. Bốn thế giới tinh thần, chúng ta không thể thấy gồm hai thế giới cực ác là địa ngục và ngạ quỷ, và hai thế giới thiện là chư thiên và chư thần (A tu la).

Khi tâm hồn lắng yên hay bằng trực giác, chúng ta có thể cảm nhận được lực tác động vô hình của bốn loại hình thế giới: Chư thiên, chư thần, địa ngục và ngạ qủy vào sinh hoạt của hai thế giới hữu hình là loài người và súc sanh.

Thực tế cho thấy những người tự tử được cứu sống, thường nói rằng họ cảm nhận sự thúc đẩy vô hình một cách mãnh liệt , xúi giục họ tự động chui vô gầm xe hay nhảy xuống sông. Họ đã lao vào cái chết một cách vô ý thức và tuân theo áp lực vô hình, không cưỡng lại được. Có thể hiểu đó là thế lực ác của hai thế giới vô hình đã tác động họ. Hoặc trong đời, ít nhất một lần chúng ta đã từng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc cũng có cảm giác như được chư thiên, chư thần che chở. Vì vậy, trong thời kinh hằng ngày, chúng ta cũng tụng bài mời thỉnh Trời, A tu la, Dược xoa đến nghe kinh và kết làm quyến thuộc với chúng ta để cùng nhau xây dựng một xã hội, tốt đẹp, an vui, hài hoà.

Trong mối tương quan tương duyên mật thiết của các loài trong sáu nẻo luân hồi theo Phật dạy, tất yếu các loài chịu sự chi phối của nhau theo vòng quay của nhân duyên mà có nhiều sự việc không thể thấy bằng mắt thường, nhưng không phải là không có. Chỉ có tuệ giác vô thượng của Đức Phật mới thấu suốt ngọn ngành của nhân duyên, nhân quả và tuỳ theo đó ứng xử mới đạt kết quả đúng đắn, lợi lạc cho tự thân và mọi loài trong pháp giới một cách trọn vẹn.

Tóm lại, chúng ta nối gót theo Phật, ý thức sâu sắc về sự chuyển đổi cách nghĩ, cách sống theo chiều hướng thánh thiện, tất yếu sẽ mang lại an vui lợi lạc cho chính chúng ta và người thân hay đoàn thể, xã hội trong hiện đời và trong tương lai.

Trên bước đường tu, ngoài việc nỗ lực tự tịnh hoá thân tâm, làm việc thiện, chúng ta cũng cầu thầy hiền bạn tốt trợ lực, chỉ dạy cho ta tiến thân theo hiền thánh. Bên cạnh sự hỗ trợ của minh sư và thiện hữu trong sinh hoạt thực tế, đối với thế lực vô hình, chúng ta hướng tâm cầu nguyện chư Phật, Bồ tát, hiền thánh, chư thiên, chư thần đồng thời gia bị cho chúng ta sáng suốt, thanh tịnh, tăng trưởng lòng từ đối với muôn loài; vì đó là những điều kiện cần thiết để thăng hoa trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.

Kết hợp được hai phần tự lực và tha lực trong nếp sống tu hành, chúng ta sẽ thành tựu được công đức lành, có được thân tướng trang nghiêm, làm được việc lợi ích cho người, được người quý mến. Đó là hình ảnh cao quý của hàng đệ tử Phật trong hiện đời và muôn kiếp về sau.


Các tin tức khác

Back to top