Trong đó, câu nói “người ngu nói những gì mình biết và người trí biết những gì mình nói” là một ví dụ điển hình bàn về sự khác biệt giữa bậc trí và kẻ ngu. Câu nói này làm cho người đọc hiểu rõ ràng hơn về bản chất của một con người. Thế nào là một kẻ ngu, sao gọi là một bậc trí?
Người ngu theo nghĩa thông thường là người không có khả năng rút ra những kết luận đúng đắn từ các cảm nhận, tri giác của mình. Biểu hiện của sự ngu ngốc gần như luôn được coi là sự thiếu hoặc giảm sút về trí tuệ và được đo bằng chỉ số thông minh. Triết gia La Rochefoucauld đã nói: “Có ba thứ ngu dốt: không biết điều phải biết, biết không đúng điều đáng biết, và biết điều không nên biết”. Trong kinh điển Phật giáo cũng có đề cập về người ngu. “Này các Tỳ-kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng, và đặc ấn này của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người ngu tư duy ác, nói lời ác và làm các điều ác”. Người tư duy ác là người chuyên nghĩ đến điều ác, gây đau khổ, tai họa cho người khác như: nghĩ đến việc hãm hại người, nghĩ đến việc trả thù người, nghĩ đến việc cạnh tranh hơn thua, nghĩ đến việc những khát khao ái dục... Người nói lời ác là nói những lời lẽ gây đau khổ, tai họa cho người khác như: mắng chửi, nói lời hận thù, nói lời dua nịnh, nói lời gây rối, nói lời tục tĩu, nói lời khiêu khích... Người làm ác là người làm những việc gây đau khổ, tai họa cho người khác như: dùng vũ lực đánh người, hãm hại người yếu hơn mình, dùng sức mạnh để cưỡng đoạt, trộm cướp của người...”
Còn người trí thì hoàn toàn đối lập với người ngu, họ tư duy thiện, nói lời thiện và có những hành động thiện. Là người có khả năng hướng thượng, biết rút ra những kết luận đúng đắn từ các cảm nhận về con người và cảnh vật. Là người có khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán… đúng đắn, chính xác về các phương diện trong đời sống xã hội. Theo Phật giáo, người trí là người biết phát huy tuệ giác, biết rõ thiện và ác cùng nguyên nhân của nó; biết rõ nhân quả, biết rõ bốn sự thật khổ, tập, diệt, đạo; biết rõ duyên khởi. Tóm lại, người trí ba nghiệp của thân miệng ý đều hiền thiện.
Trở lại hai câu trên chúng ta thấy có hai chữ được lặp lại trong cả hai vế đó là “nói” và “biết”. Cách sử dụng hai từ này trong hai câu, giống như là một hình thức chơi chữ, cũng là vai trò bổ trợ cho các mệnh đề nhưng khi đảo ngược chúng lại thì ý nghĩa lại hoàn toàn khác biệt. Mệnh đề một là người ngu nói những gì mình biết, nghĩa là họ biết điều gì thì họ nói cái đó, không cần quan tâm người tiếp nhận nó hay hoàn cảnh đó ra sao. Mệnh đề hai nói về người trí biết những gì mình nói, nghĩa là khi nói ra điều gì thì họ biết được tầm ảnh hưởng của lời nói đó như thế nào, người nghe là ai, hoàn cảnh có phù hợp hay không?
Trong ba lượng (Hiện lượng, Tỷ lượng và Phi lượng) thuộc về tàng thức. Trong đó Tỷ lượng là sự nhận thức phân biệt gián tiếp hay dùng đến suy luận để nhận diện một đối tượng nào đó. Tỉ dụ đứng bên này đồi ta thấy bên kia đồi có một làn khói, ta suy luận có khói tức có lửa. Cũng vậy, hai câu trên cho người đọc mường tượng về một hình ảnh, một người thường hay ba hoa, khoe khoang kiến thức, bụng rỗng kêu to, lúc nào cũng cho ta đây là hơn, là giỏi. Chuyện gì cũng có mặt, vấn đề nào cũng chen ngang, nói những gì họ biết một cách vô tội vạ thì đích thị họ là một kẻ ngu. Người còn lại, họ luôn ý thức được những hành động, lời nói, ý nghĩ của bản thân mình. Nhận chân được những giá trị chân thiện mỹ, thấm nhuần được tinh thần “cái gì là cốt lõi cái đó tồn tại lâu dài”. Thì ta biết rằng họ đích thị là một người trí.
Người ngu biết mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.
(Phẩm ngu, Pháp cú 63)
Đức thế Tôn thường hay khuyên dạy các đệ tử nên lấy trí tuệ làm sự nghiệp, bởi vì chính nó sẽ giúp cho hành giả nhận chân một cách rõ ràng về con đường mình đang thực tập, biết rõ đâu là chánh, thế nào là tà, nhờ có nó hành giả sẽ thực tập một cách chất lượng hơn và không có một chướng ngại nào có thể làm họ gục ngã. Đức Phật dạy, hương thơm các loài hoa/ không thể bay ngược gió/ hương của người đức hạnh/ngược gió khắp tung bay. Cũng vậy, nếu ta có giới đức, trí tuệ thì “thanh giả tự thanh, trọc giả tự trọc”. Dù ta ở bất kỳ nơi đâu cũng đều mang đến những giá trị bất diệt và sẽ luôn tồn tại mãi với thời gian.
Có người từng cho rằng: “Vạn vật đều rất sợ thời gian vì thời gian sẽ làm phai mờ tất cả, sẽ phủ một lớp bụi lên những dĩ vãng, lên những gì đã qua. Nhưng thời gian lại “rất sợ” những bậc vĩ nhân, người thức tỉnh. Vì nó không những không làm lu mờ hình ảnh của họ, trái lại thời gian càng dài càng khẳng định thêm giá trị vốn rất sáng trong họ, lưu truyền muôn đời”. Vì thế, nếu như chúng ta có nội lực về đạo hạnh và trí tuệ một cách chân thật thì không nhất thiết phải phô trương, khoe bày kiến thức của mình cho người khác biết. Còn nếu như những sự hiểu biết của mình chỉ để che đậy sự thật dốt nát, như câu nói người ngu nói những gì họ biết một cách không suy nghĩ thì trước sau gì cũng khiến cho mình rơi xuống vực thẳm. Còn người trí họ biết suy nghĩ trước sau, biết lúc nào nên nói, lúc nào không nên. Người trí biết những gì họ nói là một minh chứng rõ ràng chỉ cho sự khác biết một trời vực giữa ngu và trí.
Là một người hành giả tu theo dấu chân của bậc tỉnh thức, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là một bậc toàn tri toàn giác, chúng ta không thể nào chấp nhận những kẻ ngu si mê muội, bị vô minh che đậy, xuất hiện trong hàng ngũ của Tăng bảo, trong các hàng Phật tử. Giáo lý của Ngài là đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, an lạc tức thì trong giờ phút hiện tại. Trong hai câu trên chỉ là một hệ quả tất yếu, là một biểu hiện về một khía cạnh nhỏ của kẻ ngu si và bậc trí giả. Nhưng cũng thông qua đó, để cho chúng ta biết được tướng tự tâm mà sinh ra, biểu hiện ra bên ngoài, trước sau gì, dù có che đậy kín đáo đến cỡ nào cũng có ngày lộ diện sự thật.
Đồng thời thông qua hai câu nói này cũng để cảnh tỉnh chúng ta, làm bất cứ điều gì cũng phải có trí tuệ, sự hiểu biết. Dù làm bất kỳ ngành nghề nào, trong thời gian, địa điểm nào cũng cần đến chúng. Người Phật tử luôn lấy phương châm Duy Tuệ Thị Nghiệp, Từ bi phải song hành với Trí tuệ. Chỉ có Trí tuệ mới dám chắc con đường tu hành của mình thành công, viên mãn. Để có được vậy, chúng ta phải không ngừng trau dồi kiến thức lẫn tu tập về trí tuệ bằng cách thường xuyên thực tập lắng nghe, suy nghĩ và thực hành lời Phật dạy, siêng năng giữ gìn các học giới, công phu thiền định để có khả năng thấu suốt bản chất vận hành của vạn sự vạn vật. Như vậy, mới hầu mong được chư thiên nhân ca tụng là bậc trí giả.
“Người sáng suốt lên tiếng khi họ có điều cần nói, kẻ khờ lên tiếng bởi vì họ phải nói điều gì”.
Minh Thiện