Tình người trong tâm dịch

9/07/2021 12:35
Rời Sài Gòn vào những ngày đỉnh điểm của đợt dịch, tôi mang trong mình chút lo lắng lẫn hoang mang, thoảng đâu đó là chút tiếc nuối khi không còn được tiếp tục cùng anh em tu học trong mùa An Cư, không được cùng đại chúng tu tập.

Đi được vài ngày thì hay tin chùa bị phong tỏa, vậy là nỗi lo sợ đã trở thành hiện thực, tâm dịch đã lan đến vùng ngoại ô Sài Gòn, ngấp nghé ngoài cổng chùa đang đóng kín.

tinh-nguoi-trong-tam-dich_full_02312021_073100

Theo dõi tin tức hằng ngày về tình hình dịch bệnh, nhận được thông tin của chùa, hoạt động của chư Tăng bổn tự, lòng tôi như được ấm lên trong tiết trời se lạnh xứ mù sương. Huynh đệ gửi cho những hình ảnh về các chuyến đi hỗ trợ những người dân trong vùng, tận tay trao cho họ những món quà nhỏ nhưng thấm đẫm ân tình. Đó là tấm lòng của chư Tăng cũng như các Phật tử gần xa giữa tình hình căng thẳng của dịch bệnh. Trong khó khăn, con người ta càng cảm nhận rõ tình người khi cùng san sẻ với nhau những gì có thể.

Sáng nay trên đỉnh núi, hai huynh đệ chúng tôi ngồi nhìn màn sương dày bao phủ không gian mờ ảo. Sau khi ngồi thiền và rải tâm từ, cầu mong cho dịch bệnh sớm trôi qua, tôi và sư huynh cùng nhớ về sự việc vào chiều ngày hôm qua, khi thầy chúng tôi gọi điện hỏi thăm tình hình của huynh đệ trên này. Thầy kể cho chúng tôi nghe về những sự việc ở chùa, những suy tư của thầy trong mùa dịch. Vậy là, chùa đã gửi đến những người dân trong khu vực bị phong tỏa ở huyện Hóc Môn được ba mươi tấn gạo và bốn mươi tấn khoai lang. Thầy nói thương sao những nông dân trồng khoai mà không thể bán vì dịch, và những người sống ở khu vực phong tỏa thì gặp rất nhiều khó khăn vì không thể đi làm, mình làm được chút gì đó cho người thì gắng làm, các Phật tử gần xa cũng nhờ dịp này mà tạo thêm công đức. Gần đây, báo chí đăng tải những vấn đề bất ổn trong việc quyên góp từ thiện, nên người ta bắt đầu e ngại không biết tin tưởng vào đâu để ký gửi tấm lòng, chùa được mọi người tin cậy nên kêu gọi mọi người chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cũng là tạo duyên cho họ.

Qua những hoạt động hỗ trợ người dân trong đợt dịch, chúng tôi thầm biết ơn thầy và đại chúng. Tấm lòng của thầy và chư Tăng thật cao cả, những người ở phương xa như huynh đệ chúng tôi không có cơ hội sát cánh cùng đại chúng nhưng vẫn tâm niệm hoan hỷ và hướng về chùa. Sư huynh tâm sự:

Ngày xưa mình hay nghe nói câu “Đạo Phật đồng hành cùng dân tộc”. Nghe là như vậy, nhưng thật sự khi đất nước xảy ra biến cố, người dân gặp những khó khăn, mình mới nhận rõ ra những điều đó.

Đúng rồi sư huynh, như sư em nhớ những lần miền Trung bị lũ lụt, hình ảnh tấm áo nâu sòng của các thầy, các cô đến tận nơi để giúp đỡ cho bà con trong cơn lũ, thật là đẹp! Các thầy các cô cho đi không toan tính, không phân biệt, thấy người ta khổ thì thương mà giúp thôi. Mà hình như từ xưa đến nay là vậy.

Sư anh nghe kể và đọc được những câu chuyện thời xưa, chúa Nguyễn Ánh khi gặp nạn cũng từng trốn trong chùa, được một vị trụ trì cứu sống. Thời chiến tranh, chùa là nơi ẩn náu cho bao thế hệ quân nhân. Chiến tranh qua đi, cũng chính mái chùa là nơi cưu mang những phận người trôi nổi. Sư em nhớ không, Sư phụ từng kể Sư Tổ ngày xưa đã lập viện cô nhi từ Bắc vào Nam, ngài còn xây khu định cư, nhận những gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh về nương náu.

Em cũng nghe kể về những vị tôn túc ngày xưa, ở cả ba miền đất nước, các ngài âm thầm đem những phận người xấu số bị bom rơi đạn lạc về chôn cất tử tế.

Sư anh thấy có một điều rất lạ, từ xưa đến nay, có biết bao câu chuyện về những việc làm ý nghĩa mà các vị xuất gia đã làm cho cuộc đời, nhưng không nhiều trong số ấy được vinh danh, được lan tỏa và kể lại cho nhiều người được biết, còn những chuyện về một vài cá nhân xấu, làm tổn hại đến đạo Phật, làm xấu hình ảnh của Tăng Ni thì người ta lại rầm rộ chia sẻ, lên tiếng chỉ trích, chê bai.

Thôi kệ đi huynh ạ, người ta nhìn vào một tấm áo trắng có một vài vết nhơ, họ thường để ý những vết nhơ đó thay vì phần trắng còn lại, đời thường là vậy, những chuyện không vui mình bỏ qua một bên

Mấy ngày nay nghe tin chùa mình trao gửi những phần quà đến người dân trong vùng, sư anh cảm thấy vui ghê! Bình thường, một ký khoai hay vài ký gạo không có đáng gì. Bây giờ, kinh tế không quá khó khăn như thời xưa, không phải ăn độn bằng việc bỏ khoai trộn với cơm. Vì vậy mà người ta xem khoai như một món ăn chơi, ăn cho vui thay vì ăn để no. Nhưng khi nhìn hình ảnh Sư phụ và quý thầy bỏ khoai vào từng bịch, rồi đem trao tận tay từng gia đình trong những khu nhà trọ, những xóm người lao động nghèo. Sư anh thấy trong củ khoai ấy chứa cả tấm chân tình.

Ngay trong tâm dịch này, mình thấy được tình người, cảm động trước tấm lòng của những người biết nghĩ về người khác. Anh nhớ chuyện hồi nãy mình nói không? Đạo Phật đồng hành cùng dân tộc ấy. Điều đó gần gũi và thân thương lắm, không phải xa vời đâu! Phật giáo đã cùng đất nước vượt qua những thăng trầm của thời cuộc, đồng hành với những khó khăn của nhân dân. Trong cuộc sống thường nhật, chẳng có biến cố gì, khi người ta mệt mỏi với công việc, với gia đình, họ tìm đến chùa, ngồi nhìn lên tượng của đức Phật, thấy lòng bình yên. Lúc còn ở chùa, đệ thấy nhiều người vào chánh điện ngồi lặng im hàng giờ. Người ta chỉ cần ngồi dưới chân Phật, hoặc lắng lòng nghe một tiếng chuông chùa, tụng một thời kinh, ngắm một chiếc lá vàng nhẹ rơi trong gió, những thị phi và phiền não ngoài kia bỗng như tan biến. Em thấy đó cũng chính là đồng hành, cửa Phật đồng hành với con người trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh.

Bởi vậy mới có câu thơ nổi tiếng mà anh quên tác giả rồi: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời với tổ tông”.

Còn hôm nay, em lại nghĩ được mấy câu thơ:

Hạnh phúc thay, tình người trong cơn dịch

Khi khó khăn ta sẽ hướng về nhau

Nắm chặt tay dẫu đời lắm bể dâu

Lòng vẫn ấm khi tình người còn đó.

Bài thơ cũng được đó Sư em. Nắng lên rồi, chúng ta xuống núi thôi em ạ!

Tâm Biện  - Chùa Hoằng Pháp


Các tin tức khác

Back to top