Niềm tin luân hồi trong đạo Phật

18/07/2021 12:35
Đức Phật đã dạy hãy nhìn cây chuối ngã theo chiều gió thì biết rằng lúc chết chuối sẽ nằm về hướng nào. Con người cũng vậy, chúng ta cũng biết lúc lâm chung ta sẽ đi về đâu bằng cách nhìn vào những gì ta đang làm ở kiếp nầy.

Có người bảo rằng làm gì có tái sanh, làm gì có phước báo, làm gì có luân hồi. Thậm chí có một số người bảo rằng nhà Phật nói luân hồi là để ru ngủ con người trong mê tín. Như vậy thực sự luân hồi là mê tín hay chánh tín?

Trước hết chúng ta phải biết rằng thuyết luân hồi là một thuyết rất quan trọng trong đạo Phật, nếu nói luân hồi là mê tín thì đạo Phật cũng là mê tín. Luân hồi bao gồm nhơn quả và nghiệp báo, luân hồi là xoay vần, cứ đảo lên lộn xuống mãi trong một khuôn khổ cố định; tuy nhiên từ trạng thái nầy sang trạng thái khác; từ hình tướng nầy sang hình tướng khác. Khi nói đến luân hồi là ta muốn nói vạn vật luân hồi chứ không riêng gì con người. 

Thí dụ quả đất quay xung quanh mặt trời và có ngày nó trở về cái vị trí cũ của nó; nó tự xoay quanh nó để có bên tối bên sáng và cứ thế xoay vần mãi. Mọi vật từ thực vật đến sinh vật đều nẩy mầm, đẻ trứng... lớn lên và bị hoại diệt và rồi tiếp tục mãi không ngừng. Lấy thau nước đầy đem ra nắng một ngày, nước sẽ vơi đi phân nữa. Số nước ấy đi đâu? mất chăng? Xin thưa, nước không đi đâu, không mất đâu, chẳng qua nước biến từ thể lỏng qua thể hơi, nước đi từ trạng thái nầy qua trạng thái khác chứ có mất đi đâu. Con người cũng vậy, phần vật chất do đất, nước, lửa, gió mà duyên hợp lại; đến một lúc nào đó (khoảng bảy tám chục năm ), hết duyên thì những phần ấy cũng bị hoại diệt đi. 

Tóm lại, tứ đại tụ họp quân bình nhau là con người sống khoẻ mạnh, nếu thiếu quân bình là ốm đau, nếu chúng phân tán là tử vong. Con người từ lúc sanh ra đến lúc chết, phần vật chất đâu có mất đi đâu, chúng chỉ thay đổi trạng thái. Nếu ai nói mất là người ấy đã nhìn với con mắt không khoa học. Thực tế là chúng đã "biến thiên mà bất diệt." Phần tinh thần của con người cũng vậy luôn luôn thay đổi bất thường, không bao giờ đứng yên một vị trí. Những thứ buồn vui, thương ghét, giận hờn, tham, sân si, thị, phi... đến và đi qua trong ta từng sát na. Có khi chúng ta ác độc như ma vương. Nhiều lúc ta vui vẻ yêu thương, nhưng lắm lúc ta bực bội thù địch. 

Tóm lại, từ vật chất đến tinh thần của ta "biến thiên mà bất diệt." Cứ tụ lại rồi tan đi, tan đi rồi tụ lại... không phải là luân hồi chứ là gì. Mọi sự tụ tán đều do duyên mà khiến cho hình tướng đổi thay. Thí dụ, duyên nóng khiến nước bốc hơi, duyên lạnh khiến nước đông thành khối. Riêng đối với sự luân hồi của con người, duyên quyết định là nghiệp. Nghiệp là động cơ chính trong cuộc luân hồi của chúng ta, nghĩa là hết nghiệp là hết luân hồi. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sanh, trừ những bậc đã giải thoát như A la Hán hoặc Bồ tát, đều ở trong vòng sinh tử. Phạm vi luân hồi bao gồm sáu cõi: Trời, Người, A Tu La, Súc sanh, Ngạ quỷ và Điạ ngục. Phật giáo còn tin rằng khi lâm chung mà có tâm ác như tham lam, giận dữ... thì khó tránh được tái sanh vào cõi ác.

Khi đã hiểu rõ về luật luân hồi của nhà Phật là chánh tín không thể nghĩ bàn thì chúng ta thấy rằng chính ta có đủ thẩm quyền quyết định đời mình ở hiện tại và vị lai. Chính chúng ta là người phán quyết bản án tốt hay xấu trong đời sống mai sau của mình. Đừng cầu khẩn van xin bất cứ một năng lực nào ngoài chúng ta. Nghiệp và chúng ta chính là một, nếu chúng ta khôn khéo tạo nghiệp lành thì cuộc đời kế tiếp của chúng ta là cái gì chúng ta biết. Đức Phật đã thị hiện ra nơi đời để chỉ cho chúng ta, nếu khổ được thoát khỏi khổ, nếu phiền não được thoát khỏi phiền não. Nói cho rõ ra, đức Phật chỉ cho chúng ta thấy cái vòng luân hồi sanh tử, rồi Ngài lại chỉ cho chúng ta tu cách làm sao cho thoát khỏi cái vòng ấy. Giống như những khoa học gia biết rõ được sức hút của quả đất rồi sau đó chế ra phi thuyền có khả năng vọt ra ngoài sức hút ấy để bay vào vũ trụ.

Tóm lại, chúng ta biết được lý của luân hồi, lẽ công bằng của con người... tự nhiên mọi mê tín và ỷ lại trong ta đều tiêu tan. Do biết ta là người quyết định cho thân phận của mình, ta biết ta phải làm gì để không chuốc lấy phiền não và không gây đau khổ cho kẻ khác. Có như thế, cho dù chưa được giải thoát, chúng ta cũng sáng suốt và an ổn ngay trong đời sống này. Mọi tương lai đều nằm trong tay chúng ta, hãy sớm thức tỉnh để chọn lấy cho mình một tương lai theo sở thích của mình.

Trích "Đạo Phật trong đời sống"


Các tin tức khác

Back to top