Cá
Chúng ta không muốn có tham ái hay ước muốn. Nhưng nếu không có ước muốn thì làm sao tu hành? Chúng ta phải có ý muốn thực hành. Ước muốn và không ước muốn đều là phiền não, cả hai đều là vấn đề si mê thiếu trí tuệ. Đức Phật cũng có ước muốn vậy. Ước muốn luôn luôn có mặt, đó chỉ là điều kiện của tâm. Những người có trí tuệ vẫn có ước muốn, nhưng họ không chấp trước, dính mắc. Ước muốn của chúng ta chẳng khác nào con cá lớn nằm trong lưới. Phải đợi cho đến khi cá mất sức thì mới có thể bắt được dễ dàng. Nhưng phải luôn luôn trông chừng đừng để cá trốn thoát.
Cá Và Ếch
Chấp trước, dính mắc vào dục lạc ngũ trần chẳng khác nào cá bị mắc câu, dầu có vùng vẫy đến đâu cũng không thoát khỏi. Thực ra bạn không bị bắt như cá, nhưng bị bắt như một con ếch. Con ếch khi đớp mồi, nó nuốt luôn cả lưỡi câu vào bụng, trong khi đó, con cá chỉ bị lưỡi câu móc vào mồm.
Cái Nơm Cá
Nếu nhìn thấy rõ ràng điều tai hại và sự lợi ích của sự vật thì bạn chẳng cần phải nhờ ai nói cho biết điều này nữa. Hãy tưởng tượng rằng người đi bắt cá trông thấy có vật gì động đậy trong nơm cá của mình. Nghe tiếng quậy, tiếng vùng vẫy trong nơm, nghĩ rằng đây là một con cá nên người bắt cá đun tay vào nơm. Lúc đụng nhằm con vật anh ta cảm thấy ngờ ngợ. Anh ta không thể nhìn thấy nó nên không biết chắc đó là con gì? Nếu là một con lươn thì anh sẽ có một bữa ăn ngon lành. Ngược lại, nếu là con rắn thì anh ta có thể bị rắn cắn. Anh không biết chắc đây là con gì. Anh phân vân chẳng biết phải làm sao, nhưng lòng tham quá mạnh anh nắm ngay lấy con vật cho rằng có thể đó là con lươn. Anh kéo con vật ra khỏi nơm và nhận ra ngay đó là con rắn. Cũng may con rắn chưa cắn tay anh ta. Không chút do dự, anh vất rắn đi ngay. Chẳng cần phải đợi ai nói cho anh biết rằng: "Hầy, rắn đó! Vất đi!" Khi nắm con rắn trong tay, anh biết rõ phải làm gì. Lời nói cũng không hiệu lực bằng. Tại sao? Bởi vì anh ta thực sự thấy được sự nguy hiểm. Rắn cắn có thể làm anh đau nhức kinh khủng và có thể chết. Chả cần phải đợi ai nhắc cho anh biết điều này. Việc thực hành cũng vậy, nếu chúng ta cứ thực hành cho đến khi thấy rõ bản chất của sự vật thì chúng ta sẽ không còn đụng đến hay nắm giữ những điều tai hại nữa.
Trích sách "Chỉ là một cội cây" - TG: Thiền sư Ajahn Chah
Các tin tức khác
- Đến khổ vì... nói lắp (12/11/2013 3:38)
- Bụt thở cho con (12/11/2013 3:10)
- Rộng lượng (11/11/2013 10:10)
- Lửa ( 8/11/2013 9:52)
- Đâu chỉ của mình trăng thôi ( 8/11/2013 5:57)
- Quỷ Cốc thử tài học trò ( 7/11/2013 11:58)
- Sanh và tử ( 7/11/2013 5:35)
- Hơi thở ( 7/11/2013 5:34)
- Đưa tâm về nhà ( 7/11/2013 4:39)
- Giải thoát là kết quả của quá trình tu tập ( 6/11/2013 3:06)