Chẳng hạn ngày hôm qua chúng ta làm công đức giúp cho viện mồ côi, chúng ta đem tặng các phần quà đến các em bằng một tấm lòng giống như người mẹ, người cha tặng cho những đứa con của mình. Dĩ nhiên, sau hành động đó chúng ta có được an vui, tối về nghĩ lại và mỉm cười hoan hỷ. Tuy nhiên, nếu cứ giữ niềm vui của ngày hôm qua, để nó tác hưởng lên tâm trí và lòng tự hào bản thân mà không màng đến việc dấn thân, đóng góp của ngày hôm nay cần được thực hiện, thì như vậy chúng ta đánh mất giá trị và cơ hội làm việc tốt ở hiện tại, điều đó tạm gọi là “ngủ quên trên thành công công đức của quá khứ là giết chết mình trong hiện tại”.
Truyện “Rùa và Thỏ” là một bài học điển hình, con rùa chậm chạp và con thỏ nhanh nhẹn, có thể được hiểu là những người đang dấn thân làm công đức để tạo chất liệu an vui hạnh phúc. Con thỏ nhảy một bước bằng con rùa đi hai phút. Vì thế mà thỏ ỷ lại quá nhiều vào thành tựu công đức của mình. Đi một chút thỏ lại nghỉ ngơi, ham vui thưởng thức những cảnh đẹp bên đường, ngủ quên luôn trên công đức chiến thắng của mình.
Bấy giờ con rùa công đức như những người thiếu khả năng hơn, nhưng với tâm lượng lớn và lòng kiên nhẫn sẽ vượt qua mặt con thỏ một cách nhanh chóng. Cho nên đi theo tinh thần nhà Phật, chúng ta không được phép dừng lại trong những thành quả công đức đang làm, nhất là những niềm vui mà chúng ta đạt được từ đó, nghĩa là buông xả những giá trị công đức mình đã làm, buông xả nó để dấn thân được nhiều hơn.
Thái độ không buông xả có thể ví như cái ly đậy nắp. Nếu không chịu mở nắp ly thì có đem đến cả chục lít nước cũng không thể rót thêm một giọt nước nào vào ly được, vì cái nắp là một cản lực rất lớn. Không buông xả công đức làm cho con người trở nên hãnh diện, tự hào về những gì mình đã làm; còn nếu nói về sự dấn thân trong mọi sự nghiệp, chức nghiệp xã hội nó cũng làm cho con người không bao giờ vươn lên được nữa.
Đức Phật dạy đừng bao giờ hãnh diện, tự hào về những gì mà mình thành tựu. Hãy khiêm hạ để có thể tiếp tục vươn lên, đức khiêm hạ giúp rút ngắn khoảng cách trong giao lưu, tiếp xúc với những người khác, nhờ đó mà giá trị của bản thân ngày càng gia tăng. Người thành công bước đầu đã vội nghênh mặt thường được gọi là “những người sống ở cõi trên”, người tự ti mặc cảm được gọi là “những người sống ở cõi dưới”, trong khi đó những con người bình thường hiểu đạo lý nhà Phật phải sống giữa hai ranh giới này, tức là trung đạo vượt lên trên, nhìn thẳng vào vấn đề, đi một cách mạnh dạn, làm một cách tích cực, dấn thân tất cả nhưng không lưu giữ lại cái gì cho bản thân. Có như vậy khi gặp những thách thức trong cuộc đời, giúp đỡ người khác nhưng lại bị người đó trách móc, nói xấu, hãm hại, chúng ta cũng không bao giờ cảm thấy phiền não khổ đau xuất hiện, vì hiểu rằng những công đức tu tập vừa qua là để tô bồi hạt giống đạo đức lương tâm của mình được trưởng thành tuyệt đối. Ngoài ra, thông qua sự tô bồi đó, chúng ta mang lại giá trị an vui hạnh phúc cho người, nếu họ không hoan hỷ đón nhận thì chúng ta cũng không mất gì, chỉ có họ bị thiệt thòi thôi. Còn nghĩ rằng công đức mình đã làm hôm qua phải được đền ơn đáp nghĩa, không đền đáp, chúng ta sinh phiền não, trách móc, khổ đau đó là vì mình không buông xả công đức.
Sự buông xả công đức và tất cả những thành tựu là chất liệu để công đức và thành tựu được gia tăng, bỏ một để được mười, ai có lòng bám víu vào thành quả sẽ khó có được những giá trị cao hơn.
Trong kinh đức Phật kể một câu chuyện ngụ ngôn. Hai người tiều phu làm nghề đốn củi, cả hai cùng đi vào rừng vì một tiêu chí chung là mỗi ngày cố gắng không đi lại mé rừng mà mình đã đi ngày hôm qua, với mục đích tìm kiếm những loại gỗ quý hơn. Đi được một quãng, không thấy cây mới nên họ đã dừng lại chặt những cây củi quẩy gánh trên lưng. Một người đề nghị: “Thay vì gánh về, chúng ta nên đi rẽ một nhánh đường khác biết đâu sẽ tìm được cái gì đó giá trị hơn”. Đi tiếp một quãng, họ lại thấy cây gỗ trầm. Anh A đưa ý kiến bỏ gánh gỗ mà họ đã chặt lúc sáng để thay thế bằng loại gỗ trầm giá trị. Anh B tiếc nuối công sức đã bỏ ra để gánh bó củi từ sáng đến giờ nên quyết định bằng lòng với bó củi thường và không đổi gỗ quý mới. Họ lại tiếp tục đi. Đến một mỏ vàng, họ dừng chân và mừng rỡ khi phát hiện thấy vàng, anh A lại đề nghị: “Vàng nhỏ nhẹ nhưng giá trị của nó gấp trăm lần bó gỗ trầm của tôi và gỗ thường của anh. Chúng ta nên bỏ hết gỗ để lấy vàng”. Nhưng anh B vẫn kiên quyết từ chối: “Tôi đã mất công gánh đống củi này từ sáng đến giờ làm sao bỏ được. Thôi anh cứ lấy, tôi sống vậy thôi”.
Câu chuyện tuy không thực tế nhưng giá trị biểu tượng và triết lý chứa đựng trong đó là điều cần phải suy nghĩ. Đôi khi việc bê quá khứ vào trong tâm, quá khứ khổ đau vất vả mà không buông được, hoặc cứ giữ thù hận trong lòng, nuôi nó bằng thực phẩm của hận thù, giọt nước của tức tối phiền muộn bực dọc thì rồi cuối cùng chúng ta sẽ bị khổ đau trước tiên. Quá khứ son trẻ thành đạt nếu cứ lưu giữ mãi mà không nhìn nhận thực tại cũng làm cho con người, thay vì lạc quan tiếp tục phấn đấu sống có ích, thì lại chìm trong bóng của quá khứ. Nói chung, thái độ buông xả là nhu cầu tăng giá trị của cuộc sống, giá trị của niềm an vui.
Một vị đạo sư nổi tiếng đạo cao đức trọng đến độ vua quan chức tước thường đến xin đảnh lễ và thỉnh giáo đạo lý. Một lần nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến xin học hỏi. Cho đoàn tùy tùng đứng đằng xa, nhà vua với phục trang giải dị, chân trần đích thân đi vào rừng nghe giảng đạo. Trong lúc vị đạo sư thuyết trình và nhà vua cảm thấy hân hoan về bài thuyết trình đó thì nơi mé rừng đột nhiên phát cháy. Binh sĩ la thất thanh, người chạy tìm nước, kẻ dập lửa bằng mọi cách, những vật quý báu của nhà vua bị tổn thất nặng nề nhưng kịch tính trong trường hợp này là nhà vua vẫn trầm tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, trong khi vị đạo sư đưa mắt nhìn về hai bộ áo đang phơi gần đám cháy với tâm trạng lo sợ sẽ không còn gì để mặc.
Hình ảnh vị đạo sư thường đại diện cho tinh thần vô sản, buông bỏ không giữ lại gì, nhưng liệu đến cuối đời có buông xả thật sự hay không, hay lại chấp mắc nhiều hơn? Cho nên đừng đánh giá sự buông bỏ bằng đời sống biểu hiện thông thường mà phải đặt trên giá trị và chất lượng tâm của người đó. Sự xả bỏ nằm ở thái độ chứ không nằm ở hành động buông tài sản hay không. Do đó khi học đạo lý buông xả của nhà Phật, chúng ta vận dụng nó trong đời sống. Sử dụng một giá trị vật chất nào đó và rồi không bận tâm sau khi sử dụng. Cái bàn là phương tiện đặt để đồ vật. Nếu quy định cái bàn này vào giá trị cố định là chỉ được để ly nước chứ không được để bất kỳ vật gì khác thì chúng ta không bao giờ đặt được tượng Phật lên trên bàn này, trong khi tượng Phật có giá trị cao hơn bởi người ta cung kính đảnh lễ, nhờ đó mà giá trị của cái bàn lại càng tăng thêm.
Như vậy, sự buông xả về chức năng công dụng của vật chất, những sự kiện trong cuộc đời sẽ làm tăng giá trị vật chất, sự kiện đó. Bàn tay này tại sao được gọi là “đa dụng”, bởi vì nó không nắm giữ bất cứ thứ gì. Giả sử chúng ta cầm ly nước đưa vào miệng uống thì khi đó, chức năng khác của bàn tay chúng ta không được sử dụng. Chúng ta bám vào cái gì thường vướng ngay vào cái đó. Nên buông xả là thái độ chặt đứt những vướng víu trong cuộc đời. Chúng ta buông xả thái độ hơn là buông bàn tay. Để tay trống không làm gì thì thật uổng phí. Phải làm Phật sự, phải dấn thân, làm tất cả những công việc một cách hiệu quả, có phương pháp, tinh tấn, niềm tin, nỗ lực. Sau đó thì buông. Có như vậy, cuộc sống rất thoải mái, thong dong.
Một con cáo đi qua vườn nho sai quả. Nó nhón chân với tay lên mà không hái được, nhảy lên chộp vẫn không xong, làm suốt cả buổi sáng nhưng không hái được quả nào. Trong lúc đang buồn rầu tìm cách thì đàn thỏ đi lại, cáo ta đứng dậy bảnh bao đi tới đi lui. Đàn thỏ hỏi: “Anh cáo ơi! Sao hôm nay không thấy anh ăn nho như thường lệ?”. Cáo nhún vai lắc đầu: “Mấy chùm nho đó chua lòm, tôi chẳng thèm ăn”.
Trong trường hợp này, cáo không buông bỏ, anh ta bám sự tiếc nuối về chùm nho ăn không được nhưng vì bản ngã, anh ta phải chứng tỏ mình không màng đến nó.
Thực tế, chúng ta có thể tiếc rất nhiều chùm nho của sự thành công, hạnh phúc trong quá khứ, và khi ai hỏi tới chúng ta nói một cách rất bất cần rằng “ôi tôi chẳng màng”. Đó cũng là một sự buông xả nhưng buông xả của trạng thái ức chế bất đắc dĩ chứ không phải bằng nhận thức sáng suốt. Đôi khi nỗ lực làm hoài mà không thành công, chúng ta phải buông. Cái buông đó để lại tiếc nuối rất nhiều và trạng thái ức chế đó chính là một sự chấp thủ, chấp thủ về chùm nho không ăn được nhưng nhìn vẻ bên ngoài nó biểu hiện như chúng ta đang buông xả chùm nho.
Trong cuộc sống, ai cũng ấp ủ nhiều dự kiến khác nhau từ khi ngồi ghế nhà trường. Chúng ta đầu tư học một ngành nào đó suốt năm năm, mong rằng sẽ có chức nghiệp thích hợp chuyên ngành mình đã học, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng ta lại phải gắn với nghề mà mình không hề học qua. Khổ đau xuất hiện khi phải bỏ đi những kiến thức đã đầu tư, bồi đắp. Cũng là buông, nhưng là buông bất đắc dĩ. Nhà Phật dạy rằng giá trị của các chức nghiệp ngang nhau: “Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”. “Pháp” ở đây có thể hiểu là pháp môn, con đường đi, hay những cách thức chúng ta muốn trong cuộc đời. Hoặc có thể hiểu “pháp” như nghĩa triết lý là mọi sự vật hiện tượng có chức nghiệp nghề nghiệp chúng ta đang theo đuổi, giá trị của nó bình đẳng với nhau, không có cái nào cao hay thấp. Tùy thuộc vào cách sử dụng của chúng ta mà nó trở thành cao hay thấp mà thôi. Mục đích sử dụng phân định giá trị mặc định của xã hội loài người với nhau.
Nhà Phật dạy, trong mọi tình huống để được an vui, chúng ta phải thích ứng, muốn thích ứng thì phải buông xả, buông xả bằng nhận thức sáng suốt, còn buông bỏ một cách bất đắc dĩ thì hoàn toàn không giá trị.
St
Các tin tức khác
- Không sợ hãi ( 1/11/2021 1:16)
- Lòng tham ( 1/11/2021 1:09)
- Chăm sóc tâm (31/10/2021 1:23)
- Bệnh dạy cho chúng ta về vô thường (31/10/2021 1:22)
- Tình nguyện viên Phật giáo hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (31/10/2021 1:20)
- Phước báo chi phối rất nhiều đến thành bại trong làm ăn (31/10/2021 1:17)
- Để lại cho đời (30/10/2021 8:32)
- Học cách buông xuống (30/10/2021 8:17)
- Kinh Phật dạy về đối trị bệnh tật (30/10/2021 8:12)
- Tìm Pháp ở đâu? (30/10/2021 8:09)