Thiền im lặng

28/11/2021 12:10
Im lặng ở đây không có nghĩa là ngồi im một chỗ, ai hỏi gì mình cũng im re không trả lời gì hết. Im lặng tức là mình không có nói chuyện tầm phào, nói những gì cần nói và khi có ai hỏi thì mình vẫn trả lời bình thường nhưng không có khơi gợi một đề tài khác. Im lặng bên ngoài đã khó, im lặng bên trong còn khó hơn im lặng bên ngoài gấp mấy lần.

Người mình không thích thì mình sẽ tìm cách im lặng, không nói một lời nào hết hoặc có một người đang cư xử không đúng với mình, mình thực tập im lặng không đối khẩu lại tiếng nào nhưng ngược lại trong tâm mình không hề im lặng. Tâm mình lúc này có ý là chửi mắng lại người kia, người gì đâu mà ác quá sao không đi chết đi… Chỉ cần mình tác ý là đã tạo nghiệp rồi chứ chưa cần mình phải nói ra. Cho nên nếu không muốn tạo bất cứ nghiệp nào thì phải tập im lặng cả bên ngoài lẫn bên trong.

Mình có thể không nói lời nào, từ chối khéo mọi lời mời, nhưng trong lòng vẫn nuối tiếc, vẫn thèm muốn, vẫn mong đạt được cái dục nào đó như tài, sắc, danh, thực, thùy. Mình chờ đợi đến lúc nào đó, cái dục bùng phát ào ào như thác lũ, hừng hẫy như cuồng phong, mình chịu không nổi, mình để mặc cho cái dục đó nổi lên và mình trôi lăn trong cái dục đó. Giống như có ai đó rủ mình đi xem phim, đi ăn uống trong lúc mình đang chuẩn bị ngồi thiền tụng kinh. Mình từ chối không đi nhưng trong lòng thì đang tiếc nuối, ngày nào cũng ngồi thiền, thôi bữa nay đi chơi, chắc không có sao hoặc mong ngồi thiền đọc kinh lẹ để mà đi. Cho nên trong trường hợp này mình phải dứt khoác là không đi, tui đang ngồi thiền đó nha, tui không đi đâu.

Mình thường hay đè nén sự ham thích của mình chứ chưa biết cách chuyển hóa chúng. Giống như một người nghiện mà túy mặc dù cay nghiện đã hơn một năm nhưng trong tâm vẫn thèm muốn cảm giác lúc đang phê thuốc và chịu không nổi nữa thì cơn nghiện nó bùng phát dữ dội thì lại tiếp tục trôi theo cái chết của thế kỷ. Cái đó gọi là thân đã chữa lành bệnh mà tâm vẫn chưa hết bệnh hoặc là im lặng bên ngoài nhưng bên trong vẫn chưa thể im lặng được.

Thực tập im lặng cũng là biết kham nhẫn với sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Thông thường mình xem phim thấy cảnh vui, lãng mạn. Nếu không có niệm, mình sẽ trôi lăn theo cảnh và sẽ tìm kiếm những bộ phim tương tự để thỏa mãn cái vui, cái lãng mạn đó. Còn như thấy cảnh sầu khổ bi đát thì tự nhiên lòng cảm thấy buồn theo. Thân tâm mình đang bình thường, sau khi xem những bộ phim đó tâm cảm thấy bất an và lao xao thì mình có nên xem những bộ phim đó chăng? Một phân đoạn chém giết tạo nên sự thù hận mong muốn trả thù , một giai thoại cãi vả tạo nên sự sân giận. Tất cả những cái đó nó lôi cuốn đôi mắt mình phải xem, đôi tai của mình phải nghe mà không thể ngừng lại được cho đến khi bộ phim kết thúc. Nguyên nhân là do ý căn, mình muốn thấy nhân vật đó, muốn xem những tình tiết lãng mạn và gây cấn trong phim. Mình tìm kiếm những bộ phim đó xem để thỏa mãn đôi tai con mắt của mình. Cũng vậy đối với mũi thích ngửi những mùi dễ chịu, lưỡi thích được nếm những thức ăn ngon, thân thích được xúc chạm. Lúc này ý căn của mình lại khởi lên những ham muốn như thế để thỏa mãn năm căn còn lại. Nếu mình không có niệm thì sẽ bị nó dẫn mình đi và sự thực tập của mình cũng vì thế mà đi thục lùi.

Nói là bạc, im lặng là vàng. Im lặng cũng là cách tôn trọng người khác nói. Trong một cuộc tranh luận, im lặng còn là một nghệ thuật. Người ta nói thao thao bất tuyệt như trấn áp mình, còn mình thì im lặng chờ thờ cơ để ứng xử một cách khôn ngoan nếu không muốn bị sập bẫy.

Ngày xưa trên đường giáo hóa, một hôm vào buổi sáng, đức Phật một mình mang bát đi khất thực trong thôn. Tại thôn ấy có một người Bà-la-môn, vì đệ tử của ông đã theo Phật qui y quá đông, nên khi thấy Phật ôm bát đi khất thực, ông liền đi theo sau Phật và gọi tên Phật chửi mãi. Đức Phật vẫn im lặng đi, khi đó người ấy tức quá nhịn không nổi, hỏi Ngài có điếc không mà làm thinh thì Ngài đáp là Ngài nghe. Nhưng tại sao không cãi? Vì Ngài nghe mà không nhận, cũng như người đem quà tặng chúng ta, nếu chúng ta không nhận thì của đó đâu có dính gì với chúng ta và quà đó vẫn còn nguyên là của họ. Hay ngày xưa thầy Kính Tâm thực tập kham nhẫn trước sự bêu rếu của thế gian đến tận cùng của sự sống, bị nghi oan là giết chồng và bị Thị Mầu vu oan nhưng thầy Kính Tâm vẫn im lặng chịu đựng. Mãi cho đến khi thầy Kính Tâm mất, mọi người mới khám phá ra thầy Kính Tâm là đàn bà. Từ đó, người đời gọi thầy Kính Tâm là Quan Âm Thị Kính, để tôn vinh hạnh kham nhẫn của bà.

Tuy nhiên không phải lúc nào mình cũng im lặng. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà mình phải biết ứng phó. Một đứa con muốn dạy dỗ nên người thì phải nói ngon ngọt nó mới nghe nhưng đối với đứa khác cứng đầu nói không nghe thì phải dùng những lời nói mạnh hơn nó mới nghe. Cũng vậy đôi khi im lặng mà người khác không sợ thì mình cứ lớn tiếng, nhiều lúc cũng phải đóng vai hay hóa thân thành quan công, thành tiếng rống của sư tử.


St


Các tin tức khác

Back to top