Diệt khổ theo tinh thần Phật giáo - không khổ chút nào

3/12/2021 8:28
Với một vị Bồ-tát đích thực, chẳng nơi nào là khổ cũng chẳng có nơi nào không khổ vì họ biết rất rõ các nguyên nhân dẫn đến đau khổ của chúng sinh. Một khi hiểu rõ nguyên nhân của khổ sẽ không cho như thế là khổ nữa.

Diệt khổ theo tinh thần Phật giáo có hai tầng ý nghĩa: thứ nhất là sau khi chúng ta diệt hết khổ thì không còn tái sinh vào cõi đời này để chịu luân hồi, khổ báo nữa; thứ hai là sau khi diệt khổ, không những không lìa cõi đời đau khổ này mà ngược lại còn tiếp tục đầu thai vào cõi ta bà để cứu khổ cứu nạn cho những người còn lại, đây chính là tinh thần của người thực hành hạnh nguyện của một vị Bồ-tát. Thực ra chỉ cần chúng ta biết thay đổi quan niệm, thái độ nhìn nhận và cảm thụ thì sẽ không còn khổ nữa. Tuy nhiên, vì còn tấm thân tứ đại này nên dù về quan niệm, về tinh thần đã hiểu rất rõ thế nào là khổ, nhưng trong trường hợp nào đó sẽ mang lại những cảm giác về khổ. Chính vì nguyên nhân này mà một số vị tu hành tuy đã lìa khổ nhưng không có cách nào bảo đảm rằng bản thân mãi mãi không còn đau khổ nữa, nên cứ mong ước rằng mình sẽ không trở lại cõi đời này nữa.

Với một vị Bồ-tát đích thực, chẳng nơi nào là khổ cũng chẳng có nơi nào không khổ vì họ biết rất rõ các nguyên nhân dẫn đến đau khổ của chúng sinh. Một khi hiểu rõ nguyên nhân của khổ sẽ không cho như thế là khổ nữa. Ví dụ, tôi thường nói với người học thiền với tôi rằng việc mỏi chân khi ngồi thiền là lẽ tất nhiên. Đây là điều không thể tránh, không thể thiếu của một người học thiền, tham thiền, vì cực kì hiếm có người ngồi thiền mà không mỏi chân. Nếu khi ngồi thiền, hễ chân mỏi là xả thiền đứng dậy đi lại thì bạn mãi mãi không bao giờ cảm nhận được niềm vui sướng khi chân không bị mỏi! Vì thế, tôi thường khuyên các học trò rằng nếu còn có thể chịu đau thì hãy cố chịu, khi đó việc đau chân sẽ không còn là “đau thật” nữa, chỉ cần giữ thân và hai chân thật vững, thật yên, đợi lát sau khi cơn đau đi qua sẽ không còn thấy đau, ngược lại sẽ có một cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Nếu bạn muốn thử cảm giác đó, trước tiên bạn phải vượt qua cảm giác cực kì đau đớn của thân thể. Có nhiều người chịu khổ, chịu nhọc rất tốt, dù sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt họ vẫn thấy thư thái thoải mái. Ví như thầy Nhan Hồi, vị cao đệ của Khổng Tử, sống trong ngõ nhỏ quê nghèo, sống đời sống “lấy giỏ tre làm bát ăn, lấy vỏ trái bầu làm ca đựng nước uống”, chịu cái khổ mà người khác không thể chịu được nhưng niềm vui trong lòng thầy vẫn không thay đổi vì hoàn cảnh khó khăn kia. Sở dĩ niềm vui của thầy Nhan Hổi vẫn trọn vẹn vì lòng mình đã đủ hạnh phúc, dù hoàn cảnh có nghèo hơn cũng không thể nghèo được nữa. Thầy Nhan Hồi được người đời tôn xưng là người Hiền. Thầy có thể chịu được những điều mà người khác không kham nổi, nhưng trong khi chịu khổ, thầy không cho đó là khổ, vì thầy đã cam tâm tình nguyện, vui với cuộc sống thiếu thốn vật chất kia để lòng mình được sung túc.

Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, tôi vào quân ngũ của quân đội Trung Quốc đến Đài Loan, lúc đó mỗi người lính chỉ có một bộ áo quần nên có muốn giặt giũ cũng không thể giặt, chỉ đợi khi nào có dip đi tắm sông mới giặt được. Mỗi khi mặc quần áo trở về quân ngũ đều cảm thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn.

Người thường ít phải chịu khổ như thế sẽ thấy rằng cuộc sống như thế quá ư cực khổ, nhưng lúc đó cả chúng tôi và người khác đều cảm nhận hoàn toàn khác, chẳng thấy khổ tí nào. Đây chính là ví dụ điển hình về việc đi sâu vào khổ sẽ không còn cảm thấy khổ nữa. Với những người đã sống với khổ, khi họ đã thoát khổ, nếu bảo họ vào trong đau khổ thì họ cũng không còn cảm thấy sợ khổ nữa, vì họ đã không còn xem khổ là điều không thể chịu được. Thế nên, một thế giới tiêu cực không thể mang lại cảm giác hạnh phúc mà chỉ có người hiểu khổ một cách tích cực, thể nghiệm khổ, trưởng thành trong khổ mới có khả năng lìa khổ được vui một cách thực thụ.

Khi dần dần thoát khỏi đau khổ, đến bờ hạnh phúc, chúng ta mới có thể hiểu được niềm vui trong đau khổ, đấy mới chính là sự “diệt khổ” đích thực.


Các tin tức khác

Back to top