Mỗi bước chân là pháp thoại, mỗi bước chân là tình thương. Người thầy nào cũng muốn đệ tử của mình đi được những bước chân như vậy. Nếu thương thầy thì ta phải đi như vậy. Và đại chúng cũng muốn ta đi như vậy. Thầy và đại chúng trông chờ ta đi những bước chân như là pháp thoại, đầy đủ tình thương.
Vì thương thầy nên ta đi như vậy và đi như vậy thì tự nhiên ta thương luôn cả mình, thương cả Bụt, thương cả cha mẹ. Cha mẹ để ta đi tu nên ta phải biết ơn. Nếu không thành công được trong những bước chân thì ta không có hiếu với cha mẹ.
Trong mỗi bước chân có tình thương, có sự hiếu đễ, có ân nghĩa. Tôi nhớ có lần người ta dành cho tăng thân một đại lộ vinh dự nhất trong buổi thiền hành ở New Dehli. Tôi đã đi cho Sư Ông, cho Sư Cố, mỗi bước chân tràn đầy tình thương và Sư Ông đã đi bằng hai chân của tôi trên đại lộ Maharaja ấy. Rồi tôi đi cho mẹ. Mẹ của tôi đã đi bằng hai chân của tôi. Tôi cũng đã đi cho cha, đi cho tổ tiên và đi cho các vị đệ tử. Mỗi bước chân tràn đầy tình thương. Mỗi bước chân tràn đầy nuôi dưỡng. Chuyện này không khó.
Khi nghĩ tới mẹ suốt đời tất tả ngược xuôi, không có những giờ phút thảnh thơi, lo cho chồng, lo cho con những lúc con ốm không có thuốc, ta thấy thương quá. “Mẹ ơi, con đang đi cho mẹ. Mời mẹ đi với con, mẹ đi cho thảnh thơi”.
Sự thật rất rõ ràng là mẹ đang có trong từng tế bào cơ thể của mỗi chúng ta. Chúng ta tưởng mẹ đã qua đời, nhưng kỳ thực mẹ đang còn sống trong từng tế bào cơ thể ta. Vì vậy mỗi bước chân là đi cho mẹ, cho cha. Lúc thực tập, ta có thể thấy mẹ mỉm cười trong mỗi tế bào của ta. Mẹ được đi thiền. Trong khung cảnh mầu nhiệm đó, ta trở thành một đứa con có hiếu nhất trong những đứa con có hiếu. Ban đầu vì thương thầy mà đi, nhưng sau một lúc thì tình thương lớn lên và ta ôm được cả tổ tiên, cha mẹ cùng các thế hệ tương lai trong mỗi bước chân của ta.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh