Nói thêm về địa ngục

25/02/2022 1:01
Vì sao con người phải bị đày vào ngục, có vô số nguyên nhân khác nhau. Nơi thì do không có niềm tin và bất kính với Thượng đế, nơi thì do tạo các nghiệp ác trong cuộc sống...

Có cực lạc, địa ngục hay không?

Cần chấn chỉnh các giảng sư nói không có địa ngục

Chùm ảnh 18 tầng địa ngục

Sau khi chết cái gì bị thọ hình hành phạt đau khổ trong địa ngục vô gián?

Địa ngục nằm ở đâu trong 12 mắt xích quan trọng này là do hành nghiệp tạo tác nhân quả.

Dù khác nhau về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo nhưng cả phương Đông và phương Tây đều đề cập đến địa ngục và có một điểm chung địa ngục là nơi giam cầm hành hạ tội nhân đầy đau đớn khổ não.

Vì sao con người phải bị đày vào ngục, có vô số nguyên nhân khác nhau. Nơi thì do không có niềm tin và bất kính với Thượng đế, nơi thì do tạo các nghiệp ác trong cuộc sống...

Vậy địa ngục như thế nào và nó tồn tại ở đâu?Trả lời câu hỏi này thật không dễ dàng, vì địa ngục luôn được hiểu là thuộc về thế giới sau khi chết. Do đó nó hoàn toàn thuộc vấn đề của tư biện, không ai có thể chết rồi trở về cõi sống hiện tại để miêu tả về địa ngục mà họ thấy. Nếu có thể trở về thì nói ra cũng khó có ai tin, vì có thể do tâm cảnh hiện tại phóng chiếu màu mè thêm sức cho điều đó...

Trả lời câu hỏi địa ngục tồn tại ở đâu cần phải dựa trên tư duy đối lập phân khoảng của con người. Bản thân từ “địa” đã chỉ cho ý nghĩa của đất. Trái với trời ở trên cao, trên bầu trời, địa ngục ở dưới lòng đất, vì nó thuộc về cõi giới sau khi chết. Đó là logic trong tư duy phân lập kể trên. Nó chỉ trở nên hoài nghi khi người ta (có uy tín tôn giáo) thừa nhận không có thiên đường trên chín tầng mây, và dĩ nhiên theo đó sẽ không có địa ngục ở dưới lòng đất.

Vậy thì không hiện hữu bằng một nơi “sinh sống” vật chất như cõi người thì phải chăng địa ngục không thể tồn tại?

Đây là điểm mấu chốt cho người ta nói “không có địa ngục”, địa ngục là “sản phẩm của trí tưởng tượng”. Nhưng đã là “sản phẩm” của con người thì cũng đã là “có” rồi. Cái “có” này không (hoặc chưa) trải nghiệm, nó tồn tại mơ hồ bằng một cái thấy như tâm thức ghi nhớ, tưởng tượng, tin theo kinh sách, truyền thống tín ngưỡng văn hoá...

Vấn đề mấu chốt là người ta không thoát ra khỏi “địa ngục” của các định nghĩa và định kiến, biên kiến...Đức Phật nói có 6 cõi luân hồi: Trời, A tu la, Người, Địa ngục, Ngã qủy, Súc sinh.

Xin lưu ý luân hồi là sự trôi lăn xoay vần không dừng nghỉ. Ngay cả loài trời có phước báo cũng không thoát khỏi luân hồi. Riêng về loài trời đã có 33 “tầng cõi”, chia ra làm tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

Theo đạo Phật loài trời nào còn tranh thắng, chiến đấu với loài khác, quyết định sinh mệnh loài này, trừng phạt loài kia...chỉ mới nằm ở dục giới (lấy tham muốn làm căn bản sống).Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, nên cả thảy có 54 tâm dục giới, 15 tâm sắc giới và 12 tâm vô sắc giới. Ngoài tam giới có 40 tâm siêu thế của bậc giác ngộ (xin đề cập ở một dịp khác).

Trở lại với địa ngục, nó nằm trong 6 cõi luân hồi (trôi lăn không dừng nghỉ). Mỗi một kiếp sống được tính khởi đầu bằng sinh và kết thúc bằng tử theo một chu trình nhân quả rõ ràng. Nhưng chu trình sinh tử này chỉ mới nằm trong một chuỗi nhân quả luân hồi trùng điệp của vô số kiếp trôi lăn trong 12 mắt xích kết nối (thập nhị duyên khởi).

Địa ngục nằm ở đâu trong 12 mắt xích quan trọng này là do hành nghiệp tạo tác nhân quả. Muốn tạo tác ra nhân quả trùng điệp thì phải y cứ trên 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức). Cho nên phá 18 tầng địa ngục là phá cảnh của 18 giới này. Lạ thay, khoa phá ngục lại chỉ rõ ra điều này. Rõ ràng lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức) cũng nằm trong vòng quay 12 nhân duyên. Tạo ra cảnh trời, cảnh a tu la, cảnh người, cảnh địa ngục, cảnh ngã qủy, cảnh súc sinh cũng không ngoài nó.

Vậy tìm địa ngục ở đâu? Tìm địa ngục ở trong nhân quả của 18 giới trong 12 mắt xích quan trọng kia, chứ đừng tìm nó ở dưới lòng đất rồi khi không thấy lại bảo không có.Địa ngục có những tên gọi khác như “vô lạc” (không có niềm an vui), “khả yếm” (chỉ cảm thấy đau khổ), “khổ khí” (không khí làm cho người ta ngột ngạt đau khổ), “khổ cụ” (hình cụ tra tấn tạo ra sự đau khổ), “hữu” (thấy cái gì cũng có mà đau khổ) và “vô” (thấy cái gì cũng không có mà đau khổ).Lạ nhất là địa ngục được định nghĩa là “hữu” và “vô”. Điều đó cho thấy địa ngục từ cảnh sắc đến tâm thức đều làm nhân quả tương tác nhau mà sinh ra đau khổ.

Từ những định nghĩa rất cụ thề này, cho thấy các hình tượng miêu tả địa ngục thông qua hội hoạ, điêu khắc, văn học đều tương ứng với hiện tại kiếp sống. Tín ngưỡng thập địa Diêm vương và hình ảnh khảo tra trong 18 tầng địa ngục, có khác gì với cảnh ngục nơi trần gian này?

Điểm gặp gỡ nhau của cả hai cảnh địa ngục trong tín ngưỡng dân gian và trong đời thực là có người bị tội và người xử tội.Điểm khác nhau căn bản ít nhiều cũng dựa trên nhân quả (kiểu giết người thì phải đền mạng), nhưng với tín ngưỡng Thập địa Diêm vương thì được đẩy lên trở thành lẽ nhân qủa tuyệt đối công bằng.

Còn “địa ngục” trong 6 cõi kia cho thấy chính nhân quả nghiệp báo của mình là “diêm vương” phán xử mình, điều đó cũng tuyệt đối công bằng. Vì dù có thoát kiếp này thì rơi vào vòng luân hồi, những thứ tích luỹ trong nghiệp thức kia sẽ phải hiện sinh thân tương ứng trong một kiếp kế tiếp để trả báo gấp lên nhiều lần.

Tín ngưỡng dân gian mượn hình ảnh Diêm Vương nhằm cùng với qủy thần 2 vai giữ cán cân công lý. Bởi có người tạo nghiệp ác hết kiếp sống mà không bị kết tội vào ngục ở trần gian. Cũng như vậy, có người không gây tội lại bị vua quan bức ép đến chết...

Hình ảnh 10 vị Diêm Vương dưới góc độ xã hội thời đại là sự bất tín với hệ thống pháp lý trần gian, là lối thoát cho những người tin vào lẽ nhân quả công bằng, vua quan cầm quyền làm sai chết xuống cũng bị diêm vương phán tội.

Địa ngục có hay không? Địa ngục trần gian đã có thì lý gì địa ngục trong cảnh giới tâm thức lại không có. Nhưng cao hơn hết là sự tạo tác các nghiệp xấu trong mối tương quan nhân quả (làm nhân quả cho nhau) của 18 giới (căn -trần-thức). Phá 18 giới này chính là phá cảnh địa ngục luân hồi.

Ai đó nói không có địa ngục không phải chỉ vì không tìm ra được một cái địa ngục nằm ngoài cái địa ngục mà cõi ngưởi đang có, mà đơn giản là không còn tin vào lý nhân quả công bằng mà thôi.

Cuối cùng, căn cứ trên các định nghĩa trên, không cần đợi sau khi chết, mỗi chúng ta trong từng giây phút hay trong mỗi giai đoạn cuộc đời đều hoàn toàn có khả năng thấy rõ “địa ngục” từng trải thông qua hành nghiệp của chính mình mà không phải để ý đến việc người khác kết luận đó là “tư biện”.

Tổ Trần Nhân Tông nói: “Cành hoa trong mộng thì không thể đem tặng ai được”!

Các tin tức khác

Back to top