Ý nghĩa của sự cầu nguyện

23/09/2022 7:33
Nhân mùa Vu lan, tôi gợi một số ý để Tăng Ni, Phật tử suy nghĩ, nhận ra được chân lý mà Đức Phật muốn chỉ dạy chúng ta.

Trước hết, lâu nay vào ngày lễ Vu lan, chúng ta chỉ nghĩ đến cầu siêu cho ông bà, tổ tiên quá vãng được sanh về thế giới an lành của chư Phật và ông bà, cha mẹ còn tại thế được tăng phước, tăng thọ. Đó là truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Có một số người nghĩ rằng mỗi năm chúng ta đều làm lễ cầu siêu, như vậy ông bà, tổ tiên của chúng ta đã siêu thoát rồi, chúng ta có cần cầu nguyện nữa hay không. Đây là điểm quan trọng mà Tăng Ni, Phật tử suy nghĩ và lấy đó làm đề tài lớn để suy nghĩ xa hơn mà chứng ngộ được lời Đức Phật dạy. 

Trong kinh Báo phụ mẫu ân, trên bước đường du hóa, Phật nói trong đống xương khô bên vệ đường mà Ta đảnh lễ, có người đã sanh ra Ta và cũng có người do Ta sanh ra. 

Trải qua nhiều năm suy nghĩ lời dạy này của Đức Phật, tôi phát hiện điều vô cùng quan trọng rằng những người mà chúng ta quen biết hôm nay có người đã sanh ra ta và cũng có những người do ta sanh ra. Từ đó, họ đã kết hợp thành Bồ-đề quyến thuộc của ta. 

Vì vậy, tôi có thể nói rằng Tăng Ni, Phật tử hiện diện trong đạo tràng hôm nay là người đã từng theo học với tôi từ nhiều đời nhiều kiếp và cũng có người đã sanh ra tôi, mà nay chúng ta gặp lại. Do nhân duyên sâu xa đó, chúng ta nhìn kỹ thấy rõ người thân của chúng ta trong kiếp quá khứ và người thân của chúng ta trong hiện tại. Ý này được kinh Pháp hoa dạy rằng Bồ-đề quyến thuộc thường sanh chung một cõi để dìu dắt nhau trên con đường giải thoát. 

Căn cứ trên yếu lý của kinh Pháp hoa giúp tôi nhận ra được quyến thuộc Bồ-đề, hay là quyến thuộc Bồ-đề của tôi từ kiếp quá khứ gặp lại. Vì từng quen biết trong kiếp quá khứ, từng chia sẻ kinh nghiệm tu hành cho nhau, nên hôm nay chúng ta mới dễ dàng nhìn nhau thân thương và hỗ trợ nhau tu hành. Nếu không có nhân duyên thù thắng đó thì chúng ta không gặp nhau hôm nay, không gắn bó mật thiết với nhau. 

Những người thân chúng ta gặp lại hôm nay, gợi chúng ta nhớ đến ông bà, tổ tiên mà chúng ta đã từng cầu nguyện trong kiếp quá khứ và cầu nguyện trong hiện tại, có người đã sanh về thế giới an lành của chư Phật thì hôm nay họ vẫn tiếp tục hộ niệm để chúng ta hành đạo, đạt quả vị giác ngộ, vào thế giới Phật.

Thật vậy, có người đã vào thế giới Phật, nhưng không nghĩ đến sự an lạc của riêng mình, mà còn nghĩ đến chúng sanh trong lục đạo luân hồi sanh tử. Các Ngài phát Bồ-đề tâm, sanh lại nhân gian, những người đó là thầy của chúng ta, là bạn của chúng ta, là người thân thương của chúng ta dìu dắt chúng ta trên con đường giải thoát. 

Thể hiện lý này, trong kinh Vu lan bồn, Phật dạy ngày Tự tứ của chư Tăng có sự hiện diện của chư Bồ-tát muốn gần gũi chúng sanh, nên họ hiện thân trên cuộc đời làm Tăng Ni hay cư sĩ để tiếp tục lộ trình Bồ-tát đạo. Các vị Bồ-tát vì thương nhân gian sanh lại cuộc đời, họ làm Tăng nhưng khác hơn phàm tăng. Dù mang thân người nhưng Bồ-tát đã đoạn trừ tất cả trần lao, nghiệp chướng, phiền não. 

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta nhìn kỹ thấy có hàng Tăng đức hạnh như vậy, thể hiện mẫu người tu thanh tịnh tỏa sáng đức từ bi rất dễ gần gũi và sẵn lòng giúp đỡ chúng ta. Riêng tôi được như ngày nay là nhờ Bồ-tát Thánh tăng hiện lại chỉ lối đưa đường cho tôi đi từ chùa này đến chùa khác, giúp tôi gặp được các vị cao tăng chỉ dạy tôi phát huy tuệ giác và thành tựu được một số Phật sự. Tôi rất trân trọng hàng Bồ-tát hiện thân để khai tâm mở trí cho chúng ta.

Hàng thứ hai là Duyên giác, Thanh văn đã tu chứng được bốn tòa đạo quả là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. Họ đã ra khỏi sanh tử nhưng hiện thân vào sanh tử để làm gương cho cuộc đời, dìu dắt người phát tâm đi lên, tiến xa trên con đường thánh thiện. Nương theo các bậc thanh tịnh Tăng đã sạch phiền não, trần lao là một phước duyên lớn. Tôi có những người bạn như thế, họ không bị cuộc đời chi phối, làm ô nhiễm. Đó là pháp lữ đồng hành cần thiết cho chúng ta trên bước đường tu. 

Ở đây quy tụ hơn 1.200 Tăng Ni quyết chí tu hành, có tri thức và thực tập thiền quán, thiết nghĩ đó là pháp lữ tốt nhất ở hiện đời này. Vì vậy, các Phật tử tại gia trồng căn lành ở chư tôn đức này. Họ đã thanh tịnh và chúng ta gần gũi cũng thấy mình thanh tịnh theo, thì tổ tiên, ông bà của quý vị chưa siêu sanh thoát hóa cũng nương được lực thanh tịnh này mà sanh lên cõi trời. 

Đức Phật cũng dạy Mục Kiền Liên nhân ngày Tự tứ sắm lễ vật cúng dường thì mẹ Ngài được sanh lên trời. Chúng ta suy nghĩ tại sao sanh lên trời nhanh như vậy. Vì từ con người tu lên trời đã khó, nhưng bà Thanh Đề từ ngạ quỷ sanh lên trời liền một cách dễ dàng. Chúng ta phải suy nghĩ để thấu triệt ý nghĩa Phật dạy.

Vì Phật dạy rằng ngày Tự tứ tập hợp tất cả chư Tăng, đây là hội chúng rất đặc biệt, gồm có: “Người đặng bốn tòa đạo quả, công tu hành nguyện thỏa Vô sanh. Hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý, ẩn danh lâm tòng. Hoặc người đặng Lục thông tấn phát và những hàng Duyên giác, Thanh văn. Hoặc chư Bồ-tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh. Đều trì giới rất thanh rất tịnh. Đạo đức dày, chánh định chơn tâm”.

Vì vậy, khi Mục Kiền Liên tổ chức cúng dường chư Tăng, mẹ của Ngài cùng bà con quyến thuộc của Ngài đã khuất, nương theo pháp hội này đều được sanh về cõi chư thiên. Vì người còn sống có thân tứ đại nên việc đi lại, nhất là đi đến thế giới siêu hình có những khó khăn nhất định, nhưng người chết chỉ còn thần thức và do nghiệp lực làm họ khổ. Thí dụ người tự tử chết, thì trong thức của họ nghĩ đến cái chết đau đớn, không được siêu thoát. Có thể trong một ngày họ thấy tự tử đau đớn tái diễn cả trăm lần. 

Phật dạy con người có hai thứ khổ là khổ về thân và khổ tâm. Các vị tu hành có thân nhưng không khổ thân và họ có tâm giải thoát. Người ở địa ngục không có thân khổ nhưng có nghiệp tâm nên họ vẫn khổ. 

Bồ-tát, Thánh Tăng và chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ giống nhau là không có thân nhưng có tâm. Tâm của các Ngài là giải thoát, tâm của họ là khổ đau, bị ràng buộc. Tâm họ khổ nương với tâm giải thoát của chư Tăng khiến tâm họ được giải thoát theo; nói cách khác, họ bứt phá, đi nhanh về trời được, về thế giới an lành được. 

Chúng ta suy nghiệm thấy được trong thực tế cuộc sống, một người tâm buồn phiền gặp người tâm an vui cũng được an vui. Một người bị ràng buộc gặp người giải thoát cũng được giải thoát. Thật vậy, chúng ta tiếp xúc với vị cao tăng, thanh tịnh Tăng, tự nhiên cảm thấy mình thanh tịnh theo. Ngược lại, chúng ta tiếp xúc với người khổ đau, buồn phiền cũng sẽ khổ đau buồn phiền theo. Tu hành, chúng ta dễ nhận ra ý này rõ ràng. 

Chúng ta cầu nguyện cho người thân của chúng ta đã quá vãng, nếu họ ở loài ngạ quỷ hay địa ngục nhưng nương được lực thanh tịnh của chư Tăng thì họ sẽ được thanh tịnh, giải thoát và sanh thẳng về các cõi trời. Nhưng nếu họ còn duyên trong loài người, sau khi được giải nghiệp, họ cũng tái sanh làm người. 

Và trong loài người, như đã nói, chúng ta phát hiện thấy có người sanh ta và cũng có người, ta sanh họ. Thí dụ có người mà ta thấy kính trọng như thầy, cha mẹ, ân nhân của chúng ta thì những người đó đã là những người thân của chúng ta trong kiếp quá khứ, hay trong kiếp này, dù họ mang thân hình khác, nhưng tâm chúng ta còn nhớ, nên cảm nghĩ họ thân quen.

Ý nghĩa của sự cầu nguyện ảnh 1

Vì vậy, những người trong ba đường ác mà chúng ta cầu nguyện, họ sanh về thế giới Phật rồi, họ cũng phò hộ chúng ta. Và nếu họ phát Bồ-đề tâm sanh lại nhân gian, chúng ta sẽ có thêm người thân giúp đỡ tu hành. 

Có thể khẳng định rằng trên bước đường tu, việc cầu nguyện của chúng ta không phải một lần. Cầu nguyện nhiều lần trong đời này và trong nhiều đời nữa để ông bà, tổ tiên, các người thân thương với chúng ta đều trở thành quyến thuộc Bồ-đề cùng giúp đỡ nhau tiến tu đạo hạnh cho đến ngày tất cả đều đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề. 

Thể hiện lý này, chúng ta nhận ra thực tế có những vị cao tăng mà quyến thuộc của các ngài đông vô số, vì nhiều đời các ngài tu hành đã cầu nguyện cho những người thân thăng hoa đến cảnh giới an lành và họ tái sanh làm người lại tiếp tục hỗ trợ các ngài thành tựu công đức lớn hơn nữa. 

Thực tế cho thấy điều này, khi tôi sang Nhật tu, phát hiện điều lạ là bà Hội trưởng Hội Linh Hữu có trên ba triệu tín đồ, trong đó có giáo sư, bác sĩ, kỹ sư. 

Khi chưa nhận ra yếu lý về Bồ-đề quyến thuộc, tôi thắc mắc tại sao người trí thức theo bà là người không biết chữ, ở mướn và công nhận bà là thầy của họ.

Bà nói điều này không có gì khó hiểu, những người này do bà cứu, nghĩ ơn đó mà họ tới quy y với bà, tu theo bà. Tôi thắc mắc không biết bà cứu họ hồi nào. Bà nói những người này hồi trước làm quan, làm tướng, nhưng vì đã tạo nghiệp ác nên chết không siêu, cứ ở dưới mồ mà ôm lấy khổ đau. Bà ra mộ địa, tụng kinh Phật, cầu nguyện giải oan cho họ. 

Họ là người trí thức nghe lời kinh Phật, hiểu yếu nghĩa Phật dạy, được siêu thoát. Tái sanh làm người, họ nhớ ơn bà, nên tới quy y, làm đệ tử của bà. Đó là người thật làm được việc mà ta không thể tưởng được, không biết chữ nhưng trở thành giáo chủ với công việc rất đơn giản là tụng kinh ở nghĩa địa để cầu nguyện cho vong linh siêu thoát. Việc làm này thể hiện rõ nét sâu sắc rằng sự thực dạ tu hành và thực tâm cầu nguyện tạo thành kết quả vô cùng hữu ích. 

Riêng tôi, trên bước đường tu cũng thường cầu nguyện cho hương linh khổ đau giải được oan nghiệp và họ được sanh lại làm người sẽ trở thành bạn cùng tu với mình. Tôi nghĩ một số người trong đạo tràng đã tới với tôi ở dạng này. 

Năm nay, Giáo hội Phật giáo thành phố chúng ta làm lễ trai đàn thủy lục để cầu siêu giải oan cho trên hai vạn người ở thành phố đã mất vì đại dịch Covid-19 trong năm 2021. Đồng thời, chúng ta cũng cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên của chúng ta. Nguyện tất cả anh linh được siêu thoát và tái sanh trong loài người, làm pháp lữ cùng tu hành, xây dựng đất nước, xã hội tốt đẹp hơn, xây dựng Tịnh độ trên nhân gian này.

Bài giảng ngày 12-8-2022 ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Các tin tức khác

Back to top