Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện người đàn bà thôn quê

3/10/2022 7:31
Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người đàn bà này cứu nguy cho ba mạng sống ấy, mà ngày xưa cũng vậy. Nói xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

Câu chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về một người đàn bà ở thôn quê.

Một thuở nọ, trong quốc lộ Kosala, có ba người đang cày ruộng ở ven rừng, cùng lúc, một bọn cướp phá hại dân chúng trong rừng xong và đang đào tẩu. Các nạn nhân chạy vào rừng tìm kiếm bọn vô lại nhưng hoài công, khi đến tận nơi ba người cày ruộng, họ la lên:

- Ðây là bọn sơn tặc giả dạng nông phu!

Thế là họ kéo cả ba tội nhân đến trình vua Kosala. Lúc bấy giờ có một người đàn bà đến cung vua khóc than kể lễ thảm thiết xin có được cái gì đó để che thân. Nghe tiếng kêu than, nhà vua ra lệnh ban cho người đàn bà ấy một tấm áo, nhưng nàng từ chối bảo rằng đấy không phải là thứ nàng muốn xin. Vì vậy thị nữ của vua trở lại trình rằng người đàn bà ấy không cần áo quần mà cần một tấm chồng! Sau đó vua truyền đưa người đàn bà vào chầu và hỏi có phải nàng muốn kiếm chồng thật chăng.

- Tâu Ðại vương, đúng thế, người đàn bà đáp. Vì người chồng mới thực sự là vật che thân cho đàn bà, còn người đàn bà nào không có chồng thì dù cho nàng ấy mặc áo quần đáng giá cả ngàn đồng tiền, cũng chẳng khác gì mình trần thân trụi!

Và để làm cho lý lẽ này thêm vững mạnh, nàng lại ngâm câu tục ngữ này:

Khác nào đất nước vì vua,

Chẳng khác dòng sông suối cạn khô,

Cũng vậy mình trần thân lại trụi

Vì không tùng trúc cạnh đào tơ!

Nhìn xem quả thật nàng trơ trọi

Dù có mười anh ruột một nhà!


Vua hài lòng với lời giải đáp của người đàn bà, nên vua hỏi mối liên hệ giữa nàng với ba tội nhân kia ra sao. Nàng đáp rằng, một người là chồng nàng, một người là con trai nàng.

- Này, hãy nhận lấy một đặc ân của trẫm, vua bảo, trẫm sẽ ban cho nàng một trong ba người ấy, nàng chọn người nào?

- Tâu Ðại vương, nàng đáp, nếu tiện thiếp còn sống, tiện thiếp có thể lấy chồng khác sinh con khác; song nay cha mẹ thiếp đã mất rồi, chẳng bao giờ thiếp có anh em nào khác nữa. Vậy tâu Ðại vương, thiếp xin chọn người anh.

Nhà vua đẹp ý với nàng, bèn thả cả ba người, vậy chính người đàn bà này là phương tiện cứu nguy cho ba người đàn ông.

Khi Tăng chúng biết được chuyện này, liền khen ngợi người đàn bà kia trong Chánh pháp đường thì bậc Ðạo Sư bước vào. Ngài hỏi Tăng chúng đang bàn luận vấn đề gì và được kể như trên; Ngài bảo:

- Ðây không phải là lần đầu tiên, này các Tỷ-kheo, người đàn bà này cứu nguy cho ba mạng sống ấy, mà ngày xưa cũng vậy.

Nói xong, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

Một thuở nọ khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, ba người đàn ông cày ruộng ở ven rừng và mọi chuyện xảy ra như chuyện trên.

Khi được vua hỏi muốn chọn người nào trong ba người, nàng đáp:

- Tâu Ðại vương, Ðại vương có thể gia ân ban cho tiện thiếp cả ba người chăng?

Vua đáp:

- Không, trẫm không thể.

- Vậy tâu Ðại vương, nếu tiện thiếp không thể xin tha cả ba, thì mong Ðại vương ban cho thiếp người anh trai.

Vua đáp:

- Hãy nhận lấy người chồng hay con trai của nàng đi, chứ anh trai thì có quan hệ gì?

Người đàn bà đáp:

- Hai người kia có thể thay thế được, chứ anh trai thì không bao giờ có nữa.

Nói vậy xong, nàng lại ngâm khúc hát:

Tìm kiếm chồng con thật dễ dàng,

Tha hồ chọn chúng, đứng đầy đường,

Song tìm đâu được người anh nữa,

Dù khổ đau cho đến đoạn trường?

Vua đẹp ý, phán:

- Nàng ấy nói chí lý!

Vua bèn ra lệnh đưa ba người đàn ông kia từ ngục thất đến giao cho người đàn bà, nàng liền đưa cả ba người ra về.

- Như vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư bảo, chính người đàn bà này thuở xưa kia đã có lần cứu mạng cho cả ba người đàn ông.

Khi pháp thoại chấm dứt, Ngài nêu sự liên hệ giữa hai chuyện và nhận diện Tiền thân:

- Người đàn bà và ba người đàn ông ngày nay cũng là người đàn bà và ba người đàn ông ngày trước và Ta chính là vua ấy. 


Việt dịch: HT. Thích Minh Châu

Các tin tức khác

Back to top