Tu nghĩa là gì?

30/12/2013 6:58
Tu nghĩa là gì? Là sửa. Cái gì xấu bỏ đi. Cái gì không cần thiết bỏ đi. Cái gì không tốt bỏ đi. Tham, sân, si, phiền não, tật đố, bỏ đi. Phải sửa những cái đó, không sửa là không tu.

Người ngồi thiền đều đặn, có làm chủ được một phần đối với sinh hoạt của mình, thì những căng thẳng trong công việc sẽ giảm đi. Dù công việc bận rộn cỡ nào, người có công phu tu thiền cũng chuyển hóa được. Mỗi giới, mỗi hoàn cảnh, mỗi người đều có một phần việc, nhất là quý vị cư sĩ rất bận rộn với đời sống thế tục. Nếu không hành thiền dễ dẫn đến tình trạng stress. Chúng ta tu thiền, khỏi phải tốn tiền đi Bác sĩ xin thuốc uống cho bớt căng thẳng. Do nhiều việc mình chưa buông được, rồi cứ lo lắng chộn rộn nên mệt mỏi. Bây giờ ngồi lại yên lắng, buông xả bớt, thân tâm nhẹ nhàng, chúng ta sẽ bớt mệt bớt căng thẳng.

Người có hành thiền là có chuyển hóa. Nhưng khi tu phải khéo, nhàn nhàn thôi, không nên căng quá, vì căng quá cũng dễ mệt lắm. Giữ đều đặn hai giờ thiền, vì nó sẽ giúp quý vị điều hòa thân tâm, lấy lại thế chủ động của mình. Năng lực lần lần phát sinh từ sự tu tập đều đặn, chúng ta có sức mạnh chịu đựng, đối diện với mọi hoàn cảnh một cách bình thường.

Điều này không ai ban cho mình, mà từ trong công phu được như thế. Như hồi trước quý Phật tử đến chùa thấy thầy trụ trì còn trẻ, bận rộn nhiều việc nên ai hỏi lung tung, có khi thầy nổi nóng la cho một trận. Nhưng vài năm sau quý vị trở lại, thấy thầy ngồi đâu đó đàng hoàng, sao giống ông Phật quá! Ai đó nói chuyện chọc tức mà thầy cũng bình thường. Bấy giờ quí vị hỏi: Thưa Thầy, Thầy học ở đâu được như vậy? Thầy trả lời “Đâu có học ở đâu”. Thật ra tu lâu ngày tự nhiên đức độ, đạo hạnh tự toát ra như vậy. Đó chính là sự chuyển hóa. Chúng ta dẹp sạch hết ba cái vớ vẫn, tự nhiên ông Phật của mình có chỗ ngồi đàng hoàng. Cho nên khi nào quý vị tới chùa thấy thầy Trụ trì ngồi bình yên là biết thầy “lớn tuổi” rồi, chững chạc rồi, có công phu tu hành rồi.

Tôi nhắc lại, chuyển hóa là dẹp được, bớt được những căng thẳng đối với tất cả công việc bộn rộn của chính mình. Đức tính thứ hai của người hành thiền là bớt lo âu. Chúng ta thường có tật lo âu. Cái gì cũng lo được hết. Nghe chùa bên kia bị người ta dọn đồ, bên đây làm thêm mấy lớp cửa, mua ổ khóa điện tử lắp vô. Lo âu! Đó là một loại bệnh. Mình lo luôn cả những việc ngoài tầm tay. Người có công phu tu hành sẽ giảm bớt những lo âu này. Thật ra chúng ta lo cái gì? Phật tử tu theo đạo Phật phải nắm vững luật nhân quả. Biết rõ mọi việc từ nhân duyên quả báo mà có, chúng ta bình thường, an ổn. Bởi vì rõ ràng không có quả nào tự nhiên tới với mình. Nếu của ai đó mà táp vô mình thì nó không thể dính mình được. Dù có dính người ta điều tra ra, không phải của mình nó cũng bay đi. Như câu chuyện của thiền sư Bạch Ẩn ở trên, tất cả đều qua đi, không dính dáng chi với Ngài, vì nó không phải là của Ngài.

Cho nên người tu theo đạo Phật hiểu được nhân quả, nắm vững tin chắc nhân quả, người đó rất bình thường. Đây là căn bản học hiểu Phật lý của người con Phật. Chúng ta vững rồi thì nhất định không ma mị nào làm gì được chúng ta. Giả dụ lát nữa quý vị ra ngoài kia có người nói: - Theo tôi đi! Tôi dạy ba tháng tu là bay được. Tự động quí vị trả lời - Tôi không muốn bay đâu, đi bộ chơi cho khỏe. Quý vị sẽ có đức điềm tĩnh, chắc chắn như vậy.

Thích Nhật Quang (Thường Chiếu)

Các tin tức khác

Back to top