Sự chuyển hóa của BĀHIYA DĀRUCĪRIYA

4/01/2014 2:00
Câu này Thế Tôn đã dạy khi ngụ tại Kỳ Viên, liên quan đến Trưởng lão Bāhiya Dārucīriya.

Một nhóm người ra biển, không may thuyền bị thủng. Ai cũng làm mồi cho cá, trừ một người vớ được miếng ván, cố hết sức lội vào bờ, gần cảng Suppāraka. Mất hết y phục, ông quấn vỏ cây quanh mình, luôn cả nhánh non, và được một gia chủ cho một mảnh sành, ông đến cảng Suppāraka. Người ta cho ông xúp, cháo và các món ăn khác.

Họ tôn kính ông, cho đó là một vị A-la-hán. Nếu mặc vải tốt chắc không được danh lợi như thế, nên ông vẫn che thân với vỏ cây. Nhiều người thường chào mừng gọi ông là A-la-hán, nên ông nghĩ có lẽ mình thật là một trong những A-la-hán trên thế gian này, hay ít ra cũng đang thú hướng đến quả vị A-la-hán. Ông đã làm động tâm một vị trời thời xưa là thân tộc của ông.

Chuyện quá khứ - NGOÀI ĐỀ

Thân tộc này, tức là người đã hành thiền với ông trong kiếp trước. Vào thời Phật Ca-diếp lúc đạo pháp suy vi, có bảy Tỳ-kheo buồn tiếc về đức hạnh lui sụt của các tân Tỳ-kheo, Sa-di và những người khác, bảo nhau:

- Trong lúc giáo pháp còn, chúng ta hãy tự độ mình thật chắc chắn.

Rồi sau khi lễ đền vàng, họ vào rừng, gặp ngọn núi, họ tuyên bố ai còn đắm trước đời sống thế gian hãy trở lại, ai hết ràng buộc hãy lên núi. Họ đặt thang và mọi người đều lên núi, xong họ đá cho thang ngã xuống, và dốc sức thiền định. Chỉ sau một đêm thôi, Trưởng lão dẫn đầu chứng A-la-hán.

Đại Trưởng lão này nhai một cuống trầu ở hồ A-nậu-đạt, súc miệng và đem thức ăn lấy từ Bắc Câu Lô Châu đến nói với các Tỳ-kheo kia:

- Chư huynh đệ! Hãy nhai cuống trầu này, súc miệng và dùng thức ăn này.

Nhưng họ từ chối, viện lý do chỉ dùng thức ăn do chính mình mang về sau khi đã chứng A-la-hán như Đại Trưởng lão. Vào ngày thứ hai, Đệ nhị Trưởng lão chứng Tam quả, và cũng đem thức ăn đến mời, nhưng họ từ chối, vì không lẽ đã khước từ thức ăn của Đại Trưởng lão mà bây giờ nhận thức ăn của Đệ nhị Trưởng lão.

Sau đó, Đại Trưởng lão nhập Niết-bàn, Đệ nhị Trưởng lão sanh về cõi Phạm thiên, còn năm vị kia không khai mở được Minh- sát-tuệ, héo mòn dần, qua đời vào ngày thứ bảy và được sanh thiên. Đến thời Phật hiện đời, họ sanh vào những gia đình khác nhau. Một người là vua Pukkusāti, người là Kumāra Kassapa, người là Dārucīriya, người khác là Dabba Malla, và một người là Tỳ-kheo Sabhiya. “Vị thân quyến trước đây” ám chỉ vị Tỳ-kheo đã sanh vào cõi Phạm thiên.

Đoạn kết - SỰ CHUYỂN HÓA CỦA  BĀHIYA DĀRUCĪRIYA

Vị Phạm thiên thấy bạn mình là Bāhiya đang theo tà kiến, có thể bị trầm luân rất nguy hiểm, nên tìm cách kích động ông ta:

- Này Bāhiya, anh không phải là A-la-hán, cũng chưa thú hướng đến quả vị A-la-hán, và con đường anh đang theo cũng không đưa đến quả vị A-la-hán.

Bāhiya rất hoang mang không biết mình ra sao, liền hỏi:

- Thiên nhân! Có lẽ có A-la-hán hay những vị thú hướng A-la-hán trên thế gian hiện nay?

- Bāhiya, hướng bắc có một thành tên Xá-vệ, có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán của những A-la-hán, bậc Chánh Đẳng Giác đang thuyết pháp đưa đến quả vị A-la-hán.

Lúc đó đang đêm, tâm tư Bāhiya xao động mãnh liệt, ông tức tốc rời Suppāraka lên đường đi Xá-vệ suốt đêm, nuốt hết một trăm hai mươi dặm, nhờ thần lực của vị phạm thiên (có chỗ bảo của Phật). Bāhiya đến nơi thì Phật đã vào thành khất thực. Thọ thực xong, ông thấy các Tỳ-kheo đi kinh hành ngoài trời liền hỏi thăm Thế Tôn. Biết ông đến từ rất xa, các Tỳ-kheo khuyên ông ngồi xuống rửa chân, xức dầu và nghỉ ngơi, khi Thế Tôn trở về ông sẽ gặp Ngài. Ông không thể chờ đợi, toàn thân run lên, ông bảo các Tỳ-kheo:

- Bạch Tôn giả! Tôi không biết khi nào Thế Tôn có thể qua đời, hay tôi sẽ qua đời. Tôi vừa vượt qua một đoạn đường dài một trăm hai mươi dặm chỉ trong một đêm, không dừng lại cũng không dám ngồi xuống nghỉ bất kỳ ở đâu. Ngay khi gặp Thế Tôn tôi sẽ nghỉ ngơi.

Ông vào Xá-vệ gặp Thế Tôn đang khất thực, dáng dấp vô cùng trang nghiêm của một vị Phật. Bao lâu nay, bây giờ ông mới gặp được Ngài Cồ-đàm, đấng Toàn Giác. Và tại chỗ ông vừa mới thấy Phật, ông cung kính cúi mình tiến đến gần Phật và đảnh lễ Ngài ở giữa đường, ôm mắt cá chân Ngài và thưa:

- Xin đức Thế Tôn thuyết pháp cho con, đấng An Lạc hãy thuyết pháp cho con, để con được lợi lạc lâu dài và được giải thoát an lạc.

Phật đuổi ông đi bảo:

- Ông đến phi thời, Bāhiya! Ta đang vào nhà người khất thực.

Bāhiya lòng vẫn nôn nóng thưa tiếp:

- Bạch Thế Tôn, trước đây con đã không chịu nhận thức ăn vật chất, và con đã mãi trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Con không biết khi nào Thế Tôn hay con sẽ qua đời, xin thuyết pháp cho con.

Lần thứ hai, Thế Tôn từ chối. (Thấy được Phật ông quá vui mừng, và tâm còn kích động, ngoài ra thân cũng còn mệt, do đó nếu có giảng pháp, Phật chắc ông sẽ khó lĩnh hội). Lần thứ ba, Thế Tôn vẫn đứng ở giữa đường, dạy:

- Vậy thì, Bāhiya, ông phải học thế này: “Trong cái thấy chỉ có cái bị thấy, trong cái nghe chỉ có cái bị nghe, trong cái nghĩ chỉ có cái bị nghĩ, trong cái hiểu chỉ có cái bị hiểu”. Vì vậy, này Bāhiya, ông phải học như vầy: “Trong cái thấy chỉ có cái bị thấy, trong cái nghe chỉ có cái bị nghe, trong cái hiểu chỉ có cái bị hiểu”; do đó, này Bāhiya, ông không ở đây. Này Bāhiya, vì ông không ở đây, do đó ông không ở đời này, cũng chẳng ở đời sau, không ở cả hai đời.” Chỉ có thế mới chấm dứt đau khổ.

Ngay khi Bāhiya nghe xong bài pháp, ông dứt trừ lậu hoặc, chứng A-la-hán cùng các thần thông. Liền đó ông xin Phật được nhận vào Tăng đoàn. Phật hỏi ông có y bát chưa, ông đáp chưa có. Phật bảo hãy tự tìm lấy, rồi Ngài quay đi.

Trong hai mươi ngàn năm hành thiền, Bāhiya chưa hề cúng dường y bát cho một Tỳ-kheo nào, trái lại ông thường nói một Tỳ-kheo phải tự lo lấy vật dụng cho mình, kể cả thức ăn, không nên nhờ ai khác. Thế Tôn biết thế, và cũng biết vì thế ông sẽ không nhận được y bát từ thần lực, do đó Ngài không nhận ông vào Tăng đoàn với câu: “Hãy đến, Tỳ-kheo!” như thường lệ.

Bāhiya đang đi tìm y bát thì quỷ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái đến húc ông chết. Khất thực xong, Thế Tôn với chúng Tăng đến nơi thấy xác ông nằm sóng soài trên đống rác. Ngài liền bảo các Tỳ-kheo lấy cáng đang dựng tại cửa nhà nọ, khiêng xác ra khỏi thành, thiêu và đắp đất chôn. Làm xong họ về tinh xá thưa lại với Phật và hỏi về đời sau của ông. Phật cho biết ông đã nhập Niết-bàn, và trong các đệ tử cư sĩ và xuất gia, Bāhiya là đệ nhất về học tập Phật pháp mau chóng. Các Tỳ-kheo hỏi tiếp:

- Bạch Thế Tôn, Bāhiya đã chứng A-la-hán khi nào?

- Các Tỳ-kheo, chính là vào lúc nghe ta thuyết pháp.

- Nhưng bạch Thế Tôn, Ngài thuyết pháp cho ông ta lúc nào?

- Khi ta đang đi khất thực, đứng ở giữa đường.

- Một bài pháp quá ngắn ở giữa đường như thế, Bạch Thế Tôn, ông ta khai mở được Minh sát tuệ với ít lời như thế sao?

- Các Tỳ kheo! Chớ đo lường pháp của ta là ít là nhiều. Nói ngàn câu kệ không hiệu quả, cũng không bằng chỉ một câu đầy đủ đạo lý.

Và Phật đọc Pháp Cú:

            (101) Dầu nói ngàn câu kệ,
                    Nhưng không gì lợi ích,
                    Tốt hơn nói một câu,
                    Nghe xong, được tịnh lạc.

Theo Thường Chiếu

Các tin tức khác

Back to top