Lạc hay khổ đều do thái độ của mỗi người

17/03/2023 8:19
Người có trí tuệ thấy tất cả những gì đến với mình đều có nhân duyên của nó. Vì không đủ sáng suốt, nhẫn nại để thấy ra bản chất vô thường nên mới bất an, do đó tu là thấy ra bản chất vô thường tất nhiên của đời sống chứ không phải muốn được cái bình an thường hằng bất biến.

Khi gặp một nghịch cảnh do duyên tự nhiên hay do nghiệp quả mà mình phải gánh chịu, lúc đó mà mình nhận thức được rằng:

Nghịch cảnh này đang thử thách xem mình có thật sự sáng suốt - định tĩnh - trong lành chưa, hay chỉ bình tĩnh sáng suốt được trong thuận cảnh mà thôi” thì ngay đó nghịch cảnh liền trở thành điều kiện quí giá để tu tập.

Vậy nhờ có nghịch cảnh vô thường,  khổ mà khám phá ra được phản ứng của mình xuất phát từ ngã hay vô ngã.

Mình cần biết ơn những nghịch cảnh đã đến với mình, vì nhờ có chúng mà mình mạnh mẽ hơn, sáng suốt hơn, biết giữ thăng bằng hơn.

Còn nếu muốn giữ mãi cái mình đã đạt được, coi chừng trong khi thực hành mình có khuynh hướng thường hoá thay vì là vô thường, muốn lạc hoá thay vì đối diện với khổ.

Tu để làm gì? Là để được bình an - không thay đổi? Là để được hỷ lạc - không khổ đau? Là để được… cái này cái kia như ý muốn của mình?

Hiểu như vậy thì thật là nhầm lẫn. Nếu là muốn thường được an bình không biến đổi giữa cuộc đời vốn là vô thường này thì chỉ chuốc thêm bất an mà thôi.

Người có trí tuệ thấy tất cả những gì đến với mình đều có nhân duyên của nó. Vì không đủ sáng suốt, nhẫn nại để thấy ra bản chất vô thường nên mới bất an, do đó tu là thấy ra bản chất vô thường tất nhiên của đời sống chứ không phải muốn được cái bình an thường hằng bất biến.

Bất an là do thái độ nội tâm chứ không phải do vô thường của đời sống. Vì vậy sự bình an tối hậu chỉ có khi nội tâm thăng bằng thanh tịnh (sáng suốt, định tĩnh, trong lành) trước mọi biến đổi vô thường.

Cũng không phải tu là để được hỷ lạc, không muốn đau khổ, vì càng muốn hỷ lạc thì càng đau khổ hơn thôi. Thấy ra bản chất thật của đau khổ để biết nhẫn nại thì sẽ không rơi vào cái khổ tâm lý do ảo tưởng ảo giác vẽ ra, mà đó mới là cái khổ nặng nề khó chịu nhất.

Thực ra lạc hay khổ đều do thái độ của mỗi người. Tu chính là thấy, biết, hiện quán, thực chứng khổ, mà người lo tìm hỷ lạc không thể nào chứng ngộ được. Vậy người nào chưa thấy được bản chất thật của sự khổ thì sẽ không thể nào thoát khổ được.

Thái độ đối diện với vô thường hay đối diện với khổ mới quan trọng, chứ không phải trạng thái vô thường, hay trạng thái khổ nó như thế nào. Đối diện với vô thường và khổ có hai thái độ: thái độ nhận thức sự kiện đó như thế nào, và thái độ phản ứng (hành vi) lại sự kiện đó ra sao.

Nhận thức sai và hành vi tạo tác sẽ gây thêm nghiệp, còn nhận thức đúng và hành vi không tạo tác thì lúc đó là giác ngộ giải thoát. Thấy ra được những điều này thì việc tu tập sẽ dễ dàng hơn, còn không thì chỉ ngày càng loay hoay mà tạo thêm những ảo tưởng về cuộc sống.

Người giác ngộ giải thoát hoàn toàn thì phải thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã. Cái tâm thực chứng được tính chất vô thường, khổ, vô ngã ấy mới là chính yếu chứ không phải chỉ tìm hiểu trạng thái vô thường, khổ, vô ngã là gì qua lý trí, kiến thức.

Đối với tâm vô vi, rỗng lặng, trong sáng thì tất cả các khái niệm về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã đều không còn quan trọng nữa.


HT. Viên Minh

Các tin tức khác

Back to top