Mình thật là khổ còn thiên hạ sao mà sướng thế?

19/03/2023 8:21
Cuộc sống của một sư chú ở Thái Lan thật không công bằng chút nào. Các sư thì được ăn thức ăn ngon nhất, ngồi trên những chiếc bồ đoàn mềm mại và chẳng bao giờ phải đẩy xe cút kít.

Trong khi đó thì bữa ăn duy nhất trong ngày của tôi thì quá dở; tôi lại phải ngồi làm lễ suốt mấy tiếng đồng hồ dài đăng đẵng trên nền xi-măng cứng (mà lại gồ ghề nữa chứ, vì dân làng này tự góp công xây chùa) và đôi khi tôi phải chấp tác rất là vất vả. Tôi thật là khổ, còn các thầy thì thật là sướng.

Suốt ngày tôi cứ mãi âm thầm ta thán. Các sư có lẽ đã ngộ đạo rồi cho nên dọn cho họ thức ăn ngon thật là uổng phí, tôi mới là người cần ăn ngon chứ. Các sư thì ngồi xếp bằng trên nền nhà cứng nhiều năm đã quen rồi, thế thì tôi mới là người cần một cái gối ngồi to và mềm mới đúng. Đó là không kể các thầy đều béo cả nhờ ăn ngon cho nên đã có một “tấm đệm tự nhiên” dưới mông rồi. Các thầy lớn cứ sai các sư chú làm việc này làm việc kia mà chẳng bao giờ chịu lao động cả, vậy thì làm sao họ biết việc đẩy xe cút kít là nóng nảy, nặng nề như thế nào? Công việc là do các thầy ấy nghĩ ra vậy thì họ phải làm đi chứ! Tôi sao mà khổ, còn các thầy sao mà sướng quá.

Đến khi tôi trở thành một thầy lớn, tôi được ăn thức ăn ngon, ngồi trên một chiếc bồ đoàn êm ái và ít làm công việc chân tay. Tuy nhiên tôi vẫn thấy mình ganh tị với các sư chú. Họ không phải đi giảng pháp, không phải ngồi suốt ngày để nghe các đạo hữu than thở chuyện riêng tư và không phải lo lắng gì về công việc điều hành. Họ chẳng gánh vác trách nhiệm gì và có nhiều thì giờ để làm việc riêng. Tôi nghe trong lòng tiếng tôi than vãn, “Các sư chú mới sướng làm sao, còn mình thật là khổ!”.

Mình thật là khổ còn thiên hạ sao mà sướng thế?  ảnh 1

Một thời gian sau tôi mới nhận thức được những gì đang xảy ra. Các sư chú có “nỗi khổ của sư chú”, các thầy lớn có “nỗi khổ của các thầy”. Khi trở thành thầy lớn, tôi chỉ đổi từ nỗi khổ này để mang nỗi khổ khác mà thôi.

Tương tự như thế, những người còn độc thân ganh tị với người đã lập gia đình, và người có gia đình thì ganh tị với người độc thân. Có lẽ chúng ta cũng nên hiểu rằng khi lập gia đình chúng ta chỉ đổi “nỗi khổ của người độc thân” để mang lấy “nỗi khổ của người có gia đình” mà thôi. Rồi khi ly dị chúng ta lại đổi “nỗi khổ của người có gia đình” để lấy “nỗi khổ của người độc thân”. Mình sao mà khổ, còn thiên hạ sao mà sướng thế.

Khi chúng ta nghèo, chúng ta ganh tị người giàu. Tuy nhiên, nhiều người giàu thì lại ganh tị tình bạn chân thành và sự thảnh thơi ít trách nhiệm của những người nghèo. Trở thành giàu có cũng chỉ là đổi “nỗi khổ của người nghèo” để mang lấy “nỗi khổ của người giàu” mà thôi. Về hưu và giảm thu nhập cũng là đổi “nỗi khổ của người giàu” để lấy “nỗi khổ của người nghèo”. Và mọi chuyện nó là như thế. Thật khổ cho mình, còn thiên hạ thật là sướng.

Cứ nghĩ rằng mình sẽ được sung sướng khi trở thành một cái gì đó cuối cùng chỉ là ảo tưởng. Trở thành cái gì đó, chẳng qua là đem đổi nỗi khổ này đế lấy nỗi khổ khác thôi. Thế thì khi các bạn bằng lòng với chính mình, với địa vị của sư chú hay thầy lớn, là người độc thân hay có gia đình, giàu hay nghèo, thì các bạn không còn khổ.

Mình thật là sướng, còn thiên hạ sao mà khổ thế!

Các tin tức khác

Back to top