Trong kinh Địa tạng bổn nguyện, phẩm 7 có ghi rằng: “Những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỷ, Thần, cầu cúng ma quái. Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”.
Như người đi đường xa, không ăn uống trong ba ngày vì đã hết sạch lương thực, đồ vật của người đó mang vác lại nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gửi một ít đồ vật, vì vậy mà người đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm. Cũng vậy, nếu chúng ta sát sinh để cúng tế hoặc làm các việc không lành thì người chết không những không thọ hưởng được mà còn khiến cho họ tăng thêm nghiệp ác và có thể bị khổ hơn hoặc chậm sinh về cảnh giới an lành.
Lại nữa, trong kinh Tiểu Bộ 4, phẩm 18, bài kinh “Đồ Ăn Cúng Người Chết” (Tiền Thân Matakabhatta) có kể câu chuyện:
Thuở xưa, có một vị bà-la-môn tinh thông kinh Vedas, là một danh sư nổi tiếng bốn phương. Khi ấy, vị bà-la-môn này muốn cúng tế đồ ăn cho người đã chết. Ông cho bắt một con dê và sai các đệ tử cho dê ra sông tắm rửa, cho ăn lúa, chải chuốt và đeo vòng hoa cho nó. Khi đứng ở bờ sông, bỗng con dê phát ra tiếng cười như cái ghè bằng sành bị đập bể. Cười xong, dê rống lên khóc thảm thiết và nước mắt chảy giàn giụa. Thấy lạ, ông bà-la-môn đem sự việc thuật lại cho một vị Tôn giả đã chứng đắc lục thông. Vị Tôn giả giải thích nhân duyên đó là: Vì con dê này nhớ được tiền kiếp của nó. 499 kiếp trước đây, nó cũng là người và đã giết một con dê để cúng tế cho người chết. Do nghiệp ác ấy mà nó phải bị chém đầu trong 500 lần sống chết. Kiếp này là lần bị chém chết cuối cùng để nó hết nghiệp nên nó cười. Còn nó khóc là vì thương ông bà-la-môn. Nếu ông giết nó thì lại chịu quả báo giống nó trước kia.
Ông bà-la-môn nghe xong, sợ hãi và hứa sẽ không giết con dê. Nhưng thật không ngờ, khi con dê được thả ra, tự do gặm cỏ gần một tảng đá, có tia sét làm tảng đá vỡ ra, mảnh vỡ văng ngay vào cổ con dê khiến nó đứt cổ mà chết.
Cho nên, là người đệ tử Phật khi đã được học hiểu về nhân quả thì chúng ta nên y lời Phật dạy và làm các việc thiết thực nhất để hồi hướng phước báu cho thân quyến đã quá vãng.
Chết là quy luật tất yếu, tự nhiên của cuộc sống, chúng ta sinh ra ai rồi cũng phải chết. Tuy nhiên, chết đi về đâu và tái sinh vào cảnh giới nào mới là điều quan trọng. Hy vọng qua bài viết này mỗi người sẽ ứng dụng, thực hành lời Phật dạy, biết bỏ các việc xấu ác làm những điều thiện lành, giữ gìn năm giới của người Phật tử tại gia; từ đó tăng trưởng thiện tâm và lợi ích cho mình cũng như thân quyến lúc lâm chung.
Các tin tức khác
- Làm sao để thay đổi số phận? ( 3/04/2023 8:22)
- Nóng giận ( 3/04/2023 8:20)
- Hạnh phúc là vấn đề thiết thực ở hiện tại ( 3/04/2023 8:18)
- Người có bản ngã cao dễ sống sa đọa ( 3/04/2023 8:14)
- Tài sản vô giá của đời người ( 2/04/2023 8:16)
- Vô thường, ấy lẽ thường niên ( 1/04/2023 8:29)
- Làm sao để phước báo ngày càng nhiều không cùng tận? ( 1/04/2023 8:27)
- Suy nghiệm để thấy rõ: “Không có gì là của ta” ( 1/04/2023 8:22)
- Hạnh phúc là hài lòng với những gì mình đang có ( 1/04/2023 8:21)
- Những dấu hiệu phân biệt hiền hay dữ (31/03/2023 8:30)