Vui khổ của kiếp người

21/05/2023 8:34
Vui khổ của kiếp người chẳng đồng nhau, tùy theo nghiệp nhân đã gieo trong tiền kiếp mà cảm cái quả báo trong đời này. Trong khổ có vui, trong vui có khổ, chẳng một ai giống ai. Tuy vậy, nếu tĩnh tâm mà nhìn nhận, ta sẽ thấy kiếp nhân sinh vẫn lấy khổ làm căn bản.

Kinh Phật phân biệt nghiệp nói: “Đức Phật bảo với A-nan: Có người thân thực hành nghiệp thiện, miệng thực hành nghiệp thiện, ý thực hành nghiệp thiện, nhưng người này mạng chung lại rơi vào địa ngục. Có người thân làm nghiệp ác, miệng làm nghiệp ác, ý làm nghiệp ác, nhưng người này mạng chung lại sanh lên cõi trời.

A-nan thưa với Đức Phật: Vì sao như vậy?

Đức Phật dạy: Nhân duyên tội phước đời trước của người này đã thành tựu, mà nhân duyên tội phước của đời này chưa thành tựu; hoặc là lúc sắp mạng chung, khởi tâm thiện ác, chánh kiến hay tà kiến”. Tâm lúc sắp mạng chung vốn có sức mạnh vô cùng.”

Theo Kinh Tăng Nhất A Hàm: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với các Tỳ kheo: Nay có bốn người xuất hiện ở thế gian. Thế nào là bốn người? Đó là: Hoặc có người thì trước khổ mà sau vui; hoặc có người thì trước vui mà sau khổ; hoặc có người thì trước khổ mà sau cũng khổ; hoặc có người thì trước vui mà sau cũng vui.

Thế nào là có người trước khổ mà sau vui? 

Nghĩa là có một người sanh trong nhà hèn hạ nghèo khó, cơm áo không có đủ; nhưng không có tà kiến, mà biết quả báo của phước đức bố thí ngày xưa cảm được gia đình giàu sang; không làm phước đức bố thí luôn luôn gặp phải quả báo nghèo hèn không có đủ cơn áo; liền thường xuyên sám hối sửa chữa những việc trước kia; tất cả đồ vật còn lại đều phân cho người khác; nếu sinh trong loài người thì có nhiều tài sản, nhiều châu báu, không có gì thiếu thốn. Đây gọi là người trước khổ sau vui.

Thế nào là người trước vui mà sau khổ? 

Nghĩa là hoặc có người sinh trong nhà giàu có dòng dõi cao quý; cơn áo đầy đủ, nhưng người ấy luôn luôn ôm lòng tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, sau sanh trong địa ngục. Nếu được làm người thì sanh trong nhà nghèo khó, không có đủ cơm áo. Đây gọi là người trước vui sau khổ.

Thế nào là người trước khổ mà sau cũng khổ? 

Nghĩa là hoặc có người sinh trong nhà nghèo, cơm áo không đầy đủ, nhưng ôm lòng tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, sau sanh trong địa ngục. Nếu sanh trong loài người thì thật là nghèo hèn, cơm áo không đủ sống. Đây gọi là người trước khổ mà sau cũng khổ.

Thế nào là người trước vui mà sau cũng vui? 

Nghĩa là hoặc có người đời trước sanh trong nhà giàu sang, nhiều tài sản và nhiều châu báu, kính trọng Tam Bảo, luôn luôn thực hành bố thí; sau sanh trong đường trời người, luôn luôn nhận được quả báo giàu sang, nhiều tài sản và nhiều châu báu. Đây gọi là người trước vui mà sau cũng vui.

Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Hoặc có chúng sanh trước khổ sau vui; hoặc có chúng sanh trước vui sau khổ; hoặc có chúng sanh trước khổ, sau cũng khổ; hoặc có chúng sanh trước vui-sau cũng vui. Nếu người thọ một trăm tuổi, đích thực có thể một trăm năm như vậy không khác; hoặc trong một trăm năm làm các công đức, hoặc trong một trăm năm làm các nghiệp ác. Người ấy vào thời gian khác nhau, hoặc màu Đông được vui vẻ mà mùa Hạ chịu khổ sở. Hoặc ít khi làm phước thiện mà luôn luôn gây tội lỗi, thì vào đời sau ít khi nhận được phước đức mà luôn luôn nhận chịu tội lỗi.

Nếu như ít khi gây tội lỗi mà luôn luôn làm phước thiện, thì vào đời sau ít khi nhận chịu tội lỗi mà luôn luôn nhận được phước đức. Hoặc luôn luôn gây tội lỗi và còn mãi mãi gây tội lỗi, thì người ấy vào đời sau, trước nhận chịu đau khổ mà sau cũng nhận chịu đau khổ. Nếu như luôn luôn làm phước thiện mà lại mãi mãi làm phước thiện, thì người ấy vào đời sau, trước nhận được vui vẻ mà sau cũng nhận được vui vẻ. 


Theo Pháp Uyển Châu Lâm

Các tin tức khác

Back to top