Lời dạy của người đạo đức có sức thuyết phục rất lớn

23/05/2023 8:45
Hai người cùng nói một câu giống nhau: "Có tiền không? Đem đi bố thí đi". Nhưng người thứ nhất nói thì mình cười trong bụng. Nhưng người thứ hai nói đúng câu đó thì mình cảm động ngay và thật sự muốn đem tiền đi bố thí.

Là vì sao? Là vì người đầu tiên nói nhưng người đó không có đạo đức, không có tu. Ông ta nói theo công thức thôi, Phật dạy bố thí thì ông ta nhắc lại y như vậy: "có tiền thì đem đi bố thí, làm phước đi nha". Ông ta nói mà không có một cuộc đời hy sinh, bố thí giúp đỡ ai cả. Mình nghe mà trơ trơ, thấy tức cười nữa.

Nhưng người thứ hai cũng nói câu y như vậy, "có tiền thì con đem đi bố thí đi". Mình nghe mà xúc động ngay và muốn đem tiền đi bố thí thật. Chỉ bởi vì cả một đời ông ta sống hy sinh đạo đức, bố thí, rộng lượng nên có sự khác nhau giữa hai người nói. Cho nên người xuất gia mà hàm dưỡng tu hành, tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền và biết lỗi rồi sửa lỗi cho đến trong sạch như vỏ ốc. Như đức Phật đã dạy:"lòng trắng trong như vỏ ốc". Thì người như vậy mở miệng nói một câu, không chỉ loài người nghe, mà quỷ thần cũng đang nghe. Vì người đó nói bằng tất cả đạo hạnh trong sạch của mình. Nên vì thế, khi một người sống có trách nhiệm, chăm lo cho mọi người thì họ sẽ có sức mạnh tinh thần nội tại. Với sức mạnh tinh thần nội tại như vậy, thì khi chết, họ muốn đi về cõi nào thì họ tự do đi về cõi đó.

Còn người không có phước thì khi chết sẽ trở thành ma đói, vất va vất vưỡng. Không ai cho đi đâu cả. Muốn đi đâu cũng không được. Còn người sống có trách nhiệm thì họ muốn đi cõi nào thì họ đi. Tới đâu cũng có người đón cả. Họ sống rất có trách nhiệm từ cộng đồng nhỏ như gia đình mình cho đến cộng đồng lớn. Cộng đồng lớn là gì? Là cả nhân loại này, cả Phật Pháp này, chứ chưa nói đến hàng xóm láng giềng. Lo được cho ai mình đều cố gắng lo và trong lòng yêu thương cả đất nước này, yêu thương cả thế giới này. Đó gọi là người sống có trách nhiệm, mà người có trách nhiệm đối với cả thế giới thì đạo đức của người này rất lớn. Và người đó chết rồi muốn đi đâu cũng được, đi đến cõi nào cũng có người đón cả.

Nếu mình là một thân phận nhỏ bé, thế giới mênh mông rộng lớn. Thì trách nhiệm với thế giới là như thế nào? Chính là những điều nhỏ nhặt mà ta vẫn làm được, ví dụ như: ta biết trồng một cây xanh cũng là góp một phần bảo vệ cho thế giới này, hoặc là ta để dành tiền để khẩn một khu đất chỉ để trồng rừng thôi.

Ta kêu gọi mọi người dọn rác nhựa ở sông, biển. Đừng để cho rác chảy vào đại dương. Vì rất nhiều loài vật như: cá, rùa mắc vào lưới nhựa, rồi chết thật là oan uổng. Rác nhựa trôi nổi khắp nơi, làm bẩn cả hành tinh này. Nên ta hãy hạn chế dùng đồ nhựa. Khi đi chợ hay mua sắm hãy chuẩn bị sẵn túi xách cho mình để đi mua đồ. Còn đến nơi mà người bán hàng đưa túi nhựa cho mình thì hãy trả túi nhựa lại cho họ. Vì mình đã tự mang cái giỏ xách của riêng mình để mua đồ về. Thì đó cũng là một ý thức để bảo vệ thế giới này. Những điều nho nhỏ mà về trách nhiệm thì rất lớn. Còn những người có quyền chức thì họ lo cho cả thế giới và họ lo thật sự. Đó là những người có quyền lãnh đạo. Còn ta nhỏ thì ta lo những điều nhỏ. Nhưng trong tâm mình vẫn có trách nhiệm với cả thế giới này. 


TT. Thích Chân Quang

Các tin tức khác

Back to top