LƯỢC SỬ
Bồ-tát Di-lặc người Nam Ấn, sanh trong nhà Bà-la-môn, sau theo Phật Thích-ca xuất gia tu hành. Phật thọ ký: sau khi Phật nhập Niết-bàn, Bồ-tát Di-lặc sanh về cung trời Đâu-suất, trụ trên đó bốn ngàn (4.000) năm - tính theo năm tháng của thế gian là sáu mươi ức bảy ngàn muôn (6.070.000.000) năm, sau đó sanh xuống thế giới này tu hành trong vườn Hoa Lâm, dưới cội cây Long Hoa, thành Phật hiệu Di-lặc.
CÔNG HẠNH
Ngài tu pháp quán các pháp duy thức. Tất cả chúng sanh mê lầm chấp các pháp thế gian là thật có (biến kế sở chấp), nên bị sanh tử luân hồi, sự thật các pháp đều do nhân duyên sanh khởi (y tha khởi), in tuồng như có, mà không thật có. Chung quy các pháp không ngoài tánh chân thật viên mãn (viên thành thật), lúc nào cũng tròn đầy sáng suốt không biến hoại. Quán như thế, phá được cái chấp mê lầm của phàm phu, nhận thấy hiện tướng các pháp do nhân duyên sanh khởi, thấu đạt chân tánh các pháp là chân thật tròn đầy. Đó là giác ngộ chứng quả.
BIỂU TƯỚNG
Tượng ngài thờ theo lối Tam Thế Phật cũng tương tự tượng Phật Thích-ca. Chỉ đáng chú ý nhất bức tượng hình một hoà thượng mập mạp, miệng cười toe toét, mặc áo phơi ngực bày cái bụng to tướng, chung quanh có sáu đứa bé quấy nhiễu, đứa chọc tay vào mũi, đứa móc miệng, đứa chỉa vào hông,… ngài vẫn cười tự nhiên. Tượng này cũng gọi tượng Bồ-tát Di-lặc. Đây là y cứ vào điển tích Bố Đại hoà thượng - Hoà thượng mang cái đãy lớn - mà tô tượng.
Bố Đại hoà thượng xuất hiện vào đời nhà Lương ở Trung Hoa, ngài ăn mặc xốc xếch, đi đâu thường mang cái bị lớn, gặp ai có món gì xin món ấy dồn vào bị, gặp những bọn trẻ con đem ra phân phát cho chúng. Bọn trẻ con thích ngài lắm. Hôm sắp tịch, ngài ngồi trên tảng đá bên chùa Nhạc Lâm nói bài kệ:
Di-lặc chân Di-lặc,
Phân thân thiên bách ức,
Thời thời thị thời nhân,
Thời nhân tự bất thức.
Dịch:
Di-lặc thật Di-lặc,
Phân thân trăm ngàn ức,
Luôn luôn chỉ người đời,
Người đời tự chẳng biết.
THÂM Ý
Pho tượng này vừa căn cứ vào hoá thân Bồ-tát, vừa hàm chứa ý nghĩa sâu xa. Di-lặc Bồ-tát là hiện thân của đức tánh hỷ xả. Bởi vì, ngài đã thấy các pháp do nhân duyên sanh khởi, không thật, chỉ có giả danh, nên không chấp các pháp. Các pháp ấy không rời chân tánh viên mãn, nên dù sanh diệt biến hoại vẫn không thấy mất, còn, tăng, giảm. Một hôm, hoà thượng Bảo Phước gặp hoà thượng Bố Đại liền hỏi:
- Đại ý Phật pháp là thế nào?
Bố Đại buông bị lớn xuống đất, đứng thẳng khoanh tay.
Hỏi tiếp:
- Chỉ là như vậy, hay lại có việc hướng thượng?
Bố Đại mang bị lên vai đi.
Qua hành động trên, chúng ta thấy hạnh chánh yếu của ngài là xả. Đại ý Phật pháp là buông bỏ tất cả. Còn đeo đẳng, còn chấp chặt thì không thể nào thấu đạt được Phật pháp. Nhưng, xả bằng cách gắng gượng, xả mà vẫn còn luyến tiếc thì cái xả ấy cũng chưa thật là xả. Phải xả bằng cách vui vẻ, thích thú thì cái xả ấy mới thật là hỷ xả. Khi xả tất cả, người ta tưởng như không còn gì nữa, nhưng không. Sẽ còn đại Bồ-đề, là pháp hướng thượng. Cho nên đến câu hỏi thứ hai, ngài mang bị lên vai đi. Lấy đức xả làm chánh yếu, nên pho tượng ngài lúc nào miệng cũng nở nụ cười hỷ hả. Do vui vẻ mà xả, cũng do xả nên được vui. Vì thế, ngài vui cười mãi mãi, dù bất cứ ở hoàn cảnh nào. Đến như sáu đứa bé chơi nghịch ngợm, đứa móc miệng, đứa chỉ tay vào mắt, đứa ngoáy lỗ tai, đứa chọt vào mũi, đứa đâm vô ngực, đứa lói vào hông, mà ngài vẫn nở nụ cười tự tại. Sáu đứa bé ấy được mệnh danh là Lục tặc, nghĩa là sáu đứa giặc thường theo quấy nhiễu những kẻ tu hành. Chúng nó tượng trưng cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của con người. Tại sao mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta mà gọi là sáu đứa giặc? Nếu muốn giết hết giặc tức là phải tiêu diệt chúng hết sao?
- Vì sáu cơ quan này tiếp xúc ngoại cảnh, sanh nhiễm ái, gây ra tội lỗi, đau khổ, nên gọi chúng là giặc. Như mắt thấy sắc sanh đắm trước, dục vọng dấy khởi, rồi muôn ngàn tội lỗi theo đó mà hình thành. Khi tai nghe tiếng hay, sanh say mê, tâm hồn xao xuyến, chạy đuổi theo tiếng hay mà quên mất những gì cao thượng thanh tao. Lúc mũi ngửi mùi hương sanh lòng ưa thích, càng ưa thích càng kiếm tìm để thoả mãn lòng ưa thích, người ta không ngại tội lỗi, do đó tội lỗi chập chồng. Lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nghĩ pháp cũng như thế. Đó là nói về chiều thuận của nó. Nếu về chiều nghịch, mắt thấy sắc xấu sanh chán ghét, mũi ngửi mùi hôi sanh gớm nhờm, tai nghe tiếng dở sanh bực bội,… là gốc khiến sân hận nổi lên. Tóm lại, tiếp xúc cái thích với nó thì sanh tham, cái không thích thì sanh sân, cả hai điều trên là cội nguồn tội lỗi, nên gọi nó là sáu đứa giặc.
Tuy nhiên, không phải phá hoại các cơ quan ấy gọi là giết hết giặc. Phá hoại nó, chúng ta sẽ thành kẻ tật nguyền, không lợi gì cho sự tu tập. Chúng ta phải học theo gương đức Di-lặc, xả tất cả chấp ngã, chấp pháp. Ngã pháp đã xả hết, chúng ta sẽ tự tại trước mọi cảnh. Chừng ấy, dù bọn lục tặc phá phách đến đâu cũng không làm não loạn tâm ta. Ta đã thắng được chúng và hàng phục chúng trở thành tay sai đắc lực của ta. Lúc chúng ta còn là phàm phu, sáu cơ quan ấy là sáu đứa giặc hằng phá hoại ta; khi chúng ta chứng được quả thánh, sáu cơ quan ấy trở thành sáu thứ thần thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thân, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông). Thế là, sáu cơ quan ấy thành giặc thù hay thắng dụng đều do tâm chấp ngã pháp hay xả ngã pháp của chúng ta mà ra. Nó không phải tội lỗi, không phải công ơn, tội lỗi hay công ơn gốc ở tâm chấp hay xả của chúng ta mà thôi.
Biết như vậy, chúng ta gắng tập đức hỷ xả của ngài Di-lặc, buông bỏ tất cả hận thù, buông bỏ mọi cố chấp, buông bỏ lòng tham trước,… Tất cả đều buông bỏ thì lòng chúng ta nhẹ nhàng như quả bóng đứt dây, thênh thang như hư không bao hàm vạn tượng, vui vẻ hồn nhiên như đứa trẻ thơ nhìn vào ống kính vạn hoa. Được thế còn gì làm ta đau khổ, còn gì khiến ta phải bực bội, đắm mê. Đến đây, tâm như bể rộng mênh mông, trời cao thăm thẳm, mặc tình thuyền bè qua lại mà không lưu lại một vết tích gì trong bể, tuỳ duyên trăm ngàn mây nổi mà không ngại nhau trong hư không.
Thờ tượng đức Di-lặc hay lễ bái ngài, chúng ta phải nhớ hạnh hỷ xả là pháp tu chánh yếu để giải thoát mọi khổ đau. Có hạnh hỷ xả là có giải thoát, có an vui. Hỷ xả là thần dược trị lành mọi bệnh chấp trước của chúng sanh. Nụ cười của đức Di-lặc là nụ cười muôn thuở, không bao giờ biến đổi.
HT. Thanh Từ
Các tin tức khác
- Mã tổ (30/01/2014 4:37)
- Tu hành như kẻ đào giếng (29/01/2014 3:40)
- Năm pháp bình đẳng (28/01/2014 9:49)
- Hạnh phúc hay khổ đau (28/01/2014 12:02)
- Bánh chưng (27/01/2014 11:26)
- Xuân tự sự (24/01/2014 5:52)
- Con đường về (24/01/2014 5:36)
- Tu hạnh quét rác (24/01/2014 12:05)
- Mê ngộ khác nhau (23/01/2014 11:17)
- Người chăn bò khéo giỏi (23/01/2014 3:47)