Một thời Phật du hóa tại nước Bạt Kỳ, thôn Xá Di… Ðức Phật dạy:
- Này A-nan! Nếu một người nào có ác dục, tà kiến, ác tánh, không biết phục thiện thì người ấy không tâm cung kính tôn sư, không thấy được pháp, không giữ gìn giới luật, rồi ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Không phải là thiện lợi, không phải là hữu ích, không phải là an ổn khoái lạc, cho đến trời người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn.
- Này A-nan! Nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy ở bên trong hay ở bên ngoài, mà không biết suốt hết được. Vậy để ngăn chận sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất.
- Này A-nan! Ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo thì phải cấp tốc tìm cầu phương tiện để chữa cháy đầu, cháy áo. Cũng vậy, nếu thầy thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài mà không biết suốt hết được. Vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, thầy phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Châu-na, số 196 [trích, lược])
Ác dục là quá nhiều tham muốn bất thiện. Vì tham ái làm cho mờ mắt nên người ta tìm mọi cách để được nhiều hơn. Mọi tranh giành, đấu đá lẫn nhau ở đời đều bắt nguồn từ tham dục. Vì sinh ra ở cõi Dục nên tham dục là bản chất cố hữu của con người. Ai cũng có lòng tham, dục vọng nhưng tham lam đến vô độ, bất chấp thì thật tăm tối si mê. Thế gian có đến hàng tỷ người nhưng thâu tóm hết tài nguyên, tài sản vào tay chỉ một số ít người. Giàu thì đấu tranh cho giàu hơn, nghèo thì tranh đấu để đòi lại, vì vậy mà chiến tranh liên miên bất tận, không bao giờ ngừng.
Tà kiến là thấy biết sai lạc. Vì thấy biết không đúng chân lý nên dẫn đến đấu tranh. Do nghiệp dĩ khác nhau nên mỗi người nhìn nhận vấn đề theo cách của riêng mình. Cái đúng với người này là cái sai với người kia và ngược lại. Chỉ khi nào thấy biết đúng sự thật, như nó đang là, các pháp hữu vi là vô thường-khổ-vô ngã thì đấu tranh mới lắng dịu và chấm dứt. Chấp thủ ngã và ngã sở, tôi và của tôi là cội nguồn của mọi tranh chấp ở thế gian.
Đã thấy sai và làm trật mà không biết phục thiện nên đấu tranh càng kiên cố, đến chết cũng chưa thôi. Phần lớn người ta chỉ biết phục thiện khi đã trải sự đời, nếm mùi thất bại. Đắng cay chua chát cuộc đời sẽ giúp nhiều người thấy ra lẽ thật. Dẫu muộn màng nhưng có còn hơn không. Ai cũng có điều sai quấy, không thể tránh khỏi lỗi lầm nên biết phục thiện sớm chừng nào thì trưởng thành nhanh chừng nấy. Quay đầu luôn là bờ. Người biết phục thiện là có trí, thấy được phù du hư ảo của cuộc đời nên buông bỏ những gì cần buông.
Thế nên, người muốn ít và biết đủ, thấy ra sự vô thường, biết hổ thẹn về những sai quấy đã làm thì không tranh đấu, không tranh giành đấu đá thì tự nhiên an.