Thời gian gần đây, nhìn qua trong chúng, tôi thấy tập khí là điều làm tôi thở dài. Bởi vì có nhiều người thông minh sáng suốt, nghe dạy liền hiểu, biết rõ ràng cái gì hay cái gì dở, nhưng tập khí sâu dày vẫn chưa bỏ được.
Nói đến tập khí, tôi muốn giảng rõ cho quí vị biết.
Chữ tập là nhóm họp, khí là hơi.
Thí dụ: Mình để cái khăn tay gần một món đồ thơm trong một thời gian rồi đem ra ngửi nghe có mùi thơm.
Cũng vậy, để cái khăn gần đồ hôi nó sẽ hôi.
Sức huân tập của mùi thơm, mùi hôi càng lâu càng thấm nhiều.
Tập khí của chúng ta không phải mới đời này mà đã huân tập từ nhiều đời.
Tuy đời này biết đạo lý, biết tu hành nhưng thói quen cũ vẫn chưa bỏ được.
Bình thường mình không thấy ở đâu, nhưng gặp duyên nó xuất hiện không lường trước được.
Thí dụ trường hợp của N.T ở V.C. Trước khi bỏ V.C đi lên chùa , một hôm nó tới chỗ võng tôi đang ngồi, quì xuống chắp tay lạy ba lạy.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bữa nay có chuyện gì mà con lạy Thầy?
Nó thưa:
- Con lạy Thầy xin nguyện từ đây về sau, nếu có lưu lạc ở đâu thì đời sau con cũng sẽ gặp lại Thầy, nhờ Thầy cứu con trở về chánh pháp.
Nó nói như vậy, tôi ngẩn ngơ không biết tại sao, thấy kỳ cục quá!
Tôi mới nói rằng:
- Con đang ở đây tu tập theo Thầy, có gì đâu mà lo!
Nhưng sau đó ít bữa nó bỏ đi.
Như vậy mới thấy rằng tập khí của nó thuộc về Mật giáo, cho nên dù nó tu với mình, nghe, hiểu và thực hành, nhưng một lúc nào đó cũng quay lại với Mật giáo.
Đó là cái tôi thấy không thể lường nổi.
Như câu chuyện trong kinh kể, ngài Ca-diếp là vị tu hành khổ hạnh nhất trong chúng của Phật, tức là đầu-đà bậc nhất.
Một hôm thần Càn-thát-bà đánh nhạc cúng dường Phật, trên hư không trỗi nhạc thì dưới này ngài Ca-diếp đứng dậy múa.
Một vị Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán rồi mà tập khí cũ vẫn còn trỗi dậy.
Sau đó đức Phật mới giải thích: Ca-diếp thuở xưa có nhiều đời làm nhạc công nên bây giờ tập khí cũ vẫn còn.
Tôi thấy ngày xưa vậy, ngày nay cũng thế.
Mỗi người trong chúng đều có một tập khí, một thói quen riêng, chẳng những đời này mà đã huân tập từ nhiều đời trước.
Bây giờ nghe kinh, học đạo ai cũng biết rõ cái dở, cái hay nhưng gặp duyên thì không làm chủ được.
Cho nên trong chúng, người nào nhiều tập khí là đáng thương, không phải đáng ghét.
Còn bản thân mình, khi biết có tập khí gì đó, phải cố gắng mài dũa cho thật sạch thì mới tiến được.
Tôi nói gần nhất là sân, ai cũng biết nó tai hại.
Mình có thể giảng dạy về cái sân cho người khác nghe, nhưng khi gặp việc trái ý mình vẫn nổi nóng như thường.
Đó là tập khí cũ tích lũy bên trong chớ không phải bên ngoài, nên hiểu thì hiểu mà tập khí chưa phải hết.
Do đó người tu phải rất cẩn thận.
Tuy rằng mình có hiểu đạo, lóe thấy được chân lý nhưng tập khí không phải dễ bỏ, vậy nên mỗi người phải ráng tu hành chín chắn.
Mỗi khi thấy mình có gì sai sót liền sửa, lâu ngày nó mới sạch.
Tôi rất tán thán việc ở trong chúng, vì khi ở thất riêng, tập khí của mình không ai thấy, không ai nhắc, làm sao biết để sửa?
Nhờ ở trong chúng nên những gì mình xấu mà chưa tự biết, hay khi quên, nó bộc lộ ra, người khác thấy được liền chỉ cho mình.
Nhờ vậy mà chúng ta sửa đổi, bào gọt từ từ cho mỏng, có ngày mới hết; còn sống riêng tư không bao giờ hết tập khí.
Đừng tưởng sống trong chúng là thiệt thòi, khó tu.
Chính nhờ sống trong chúng mới biết được những cái hư xấu của mình để sửa, trở nên người tu hành chân chánh.
Như vậy, chúng ta đừng bao giờ tự đắc mình là người thanh tịnh, tâm hồn không còn bợn nhơ.
Đừng bao giờ tự đắc như vậy!
Tôi thấy tập khí con người rất nặng nề, không đơn giản.
Có người khi trình bày chỗ nhận được tưởng chừng họ tiến bộ đáng kể lắm, nhưng lâu lâu, gặp duyên gặp cảnh những cái cũ vẫn còn.
Biết vậy, phải ráng luôn luôn tự cảnh tỉnh mình, vì tập khí không thể lường nổi, nay thấy tốt, ngày mai gặp duyên chưa chắc đã tốt.
Do đó, cố gắng vừa khiêm tốn vừa cẩn thận tu tập cho có kết quả, đừng tưởng mình đã thành công trên đường tu, đến khi sai sót hiện ra hối hận không kịp.
Hôm nay tôi nhắc cho toàn chúng ý thức được sự tu hành của mình vẫn còn nhiều gay go lắm.
Mỗi người ráng cẩn thận, phải vui mừng biết ơn khi có ai nhắc nhở lỗi lầm, nhờ đó mình càng ngày càng vươn lên. Nếu không được nhắc nhở, chúng ta ngày càng lún sâu trong vũng bùn tập khí, khó bề ra khỏi.
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Tại sao xuất gia là phi thường? (22/11/2023 8:25)
- Ân oán giữa người với người, đều nằm trong nhân quả (22/11/2023 8:21)
- Vì sao niệm Phật có ngày sung mãn, có ngày lại chẳng thể tập trung? (21/11/2023 8:36)
- Hưởng phước thường rất dễ tạo tội nghiệp (21/11/2023 8:24)
- Đời người như trái bóng (21/11/2023 8:22)
- Giữ giới để xây dựng cuộc sống lành mạnh từ vật chất đến tinh thần (21/11/2023 8:19)
- Đức Phật dạy về bổn phận của người cư sĩ (21/11/2023 8:17)
- Thực tập ái ngữ và lắng nghe trong trường học như thế nào? (20/11/2023 9:05)
- “Không khởi tâm” trộm cắp của cải, tài sản của người khác là nghiệp lành cao cả (20/11/2023 9:03)
- Làm sao để tránh khỏi những kiếp nạn? (20/11/2023 8:59)