Tức giận hại thân

28/02/2024 8:21
Đức Phật chỉ dạy tức giận (sân) là một trong tam độc của tâm, cùng với tham lam và si mê. Trong y học, tức giận sẽ gây ra hành vi nguy cơ cho sức khỏe. Chúng tôi xin làm rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Các nguy cơ cơn giận có thể gây ra từ các bệnh tim mạch, đái tháo đường cho đến các hành vi ăn chơi thiếu làm chủ và tai nạn giao thông. Tức giận cũng là đặc điểm chung của những người bị chấn thương tâm lý, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Các nhà y học nhấn mạnh khi cơn giận xuất hiện, đương sự không nên bỏ qua mà cần được nhận diện và làm chủ bởi vì chúng có thể tạo ra những kết quả tiêu cực đối với sức khỏe.

Tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa tức giận với tình trạng xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch vành. Thái độ thù địch, giận dữ, hoài nghi làm tăng nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch và tỷ lệ tử vong. Tức giận có thể tác động trực tiếp đến các bệnh tim mạch thông qua giải phóng quá mức corticosteroid và catecholamine. Việc giải phóng các hormone gây căng thẳng này có thể tạo ra một loạt các thay đổi về huyết động, trao đổi chất, các vấn đề về mạch máu và rối loạn nhịp tim.

Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng tức giận không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành ở người khỏe mạnh, mà nó còn gây ra tiên lượng xấu ở những người đang mắc bệnh mạch vành. Tác hại của tức giận trên bệnh mạch vành ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, điều này cho thấy rằng cơ thể nam giới có vẻ phản ứng nhanh hơn, mạnh hơn với sự tức giận.

Tức giận góp phần hình thành lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hay sử dụng các chất ma túy. Các chất này đều là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý. Tức giận cũng ảnh hưởng tiêu cực lên hành vi ăn uống. Điều này thường xảy ra ở những người có tính cách bốc đồng. Những cá nhân có tính cách bốc đồng cao sẽ có nhiều khả năng ăn uống vô độ khi mức giận dữ của họ tăng lên.

Ở thanh thiếu niên, hai loại tức giận được biểu hiện ra và kiềm chế cơn giận đều có liên quan đến các hành vi lối sống không lành mạnh: thiếu hoạt động thể chất, uống rượu, hút thuốc và dùng nhiều caffeine. Trong khi chúng ta đều biết rằng ăn uống là con đường dẫn đến nhiều bệnh tật cấp tính và mạn tính.

Giận dữ có liên quan đến việc phát triển bệnh đái tháo đường týp 2 thông qua hai cơ chế tiềm ẩn: béo phì và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Cả hai cách này đều dẫn đến tăng phản ứng viêm mạn tính và làm thay đổi độ nhạy cảm insulin của cơ thể. Nghiên cứu mối liên quan giữa tức giận dự đoán bệnh đái tháo đường týp 2 cho thấy: những người ở mức điểm cao nhất của tính khí tức giận có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng 34% so với những người ở mức điểm tính khí tức giận thấp nhất.

Sự tức giận cũng làm tăng nguy cơ tai nạn đường bộ. Chúng ta tức giận và sau đó lái xe bỏ đi dường như là một hiện tượng khá thường gặp. Những người lái xe trong khi tức giận thường có hành vi hung hăng và nguy hiểm, chẳng hạn như mất kiểm soát, mất tập trung và gây tai nạn cho người đi đường.

Hiểu về cơn giận

Tác hại của cơn giận thì đã quá rõ ràng, nhưng ứng xử thế nào với cơn giận mới là vấn đề quan trọng. Nó đòi hỏi sự thực hành hơn lý thuyết. Muốn có hành vi ứng xử đúng đắn với cơn giận, trước tiên chúng ta cần hiểu về cơn giận.

Giận dữ là một trạng thái cảm xúc tiêu cực thường đi kèm với kích thích sinh lý và những suy nghĩ chống đối hướng về một đối tượng nguyên nhân. Năng lượng của cơn giận có thể phát ra theo hai hướng: hướng nội về bản thân, hoặc hướng ngoại về người khác dưới hình thức đối đầu hoặc hành vi hung hăng. Giận dữ được đưa vào danh mục cảm xúc cơ bản của con người, chủ yếu là do kiểu biểu cảm khuôn mặt và nó dễ nhận ra.

Các nhà y học tạm chia biểu hiện tức giận theo ba mức độ: (1) tức giận do những việc nhỏ gây ra hoặc có thể kiểm soát; (2) thường xuyên bộc phát tính nóng nảy hoặc tức giận dẫn đến mất kiểm soát; (3) đánh người hoặc ném đồ vật trong cơn giận dữ. Tỷ lệ chung của các cơn tức giận dữ dội hoặc thiếu kiểm soát trong dân số Hoa Kỳ là 7,8%. Sự tức giận đặc biệt phổ biến ở nam giới và thanh thiếu niên, và có liên quan đến sự suy giảm chức năng tâm lý xã hội. Có mối liên hệ giữa mức độ tức giận và các bệnh tâm lý: rối loạn lưỡng cực, lệ thuộc vào ma túy, rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt.

Đàn ông có xu hướng tức giận nhiều hơn phụ nữ. Mức độ và tần suất tức giận tỷ lệ nghịch với tuổi tác. Theo đó, người lớn tuổi ít có khả năng bị tức giận hơn, cơn giận thường trải qua ngắn và với cường độ thấp hơn. Người lớn tuổi có thể điều chỉnh cảm xúc hiệu quả hơn. Vì vậy, họ ít trải qua và ít phải chịu đựng những cảm xúc tiêu cực hơn. Người lớn tuổi có thể sử dụng những kinh nghiệm tích lũy khi gặp phải các vấn đề về cảm xúc. Từ góc độ này cho thấy muốn đối trị cơn giận chúng ta cần có sự hiểu biết và kinh nghiệm.

Trong các nghiên cứu, điều tiết cơn giận được chia thành ba loại: ức chế cơn giận, biểu hiện giận dữ ra bên ngoài và biểu hiện giận dữ có kiểm soát.

Đầu tiên, ức chế cơn giận là kìm nén sự tức giận. Cá nhân điều chỉnh cảm xúc trong tâm trí của họ. Họ rút lui khỏi đối phương, bĩu môi hoặc hờn dỗi. Kìm hãm cơn giận được công nhận là một trong những chức năng điều tiết cơn giận giúp tránh xung đột, nhưng nó có thể gây cảm giác tội lỗi, cáu kỉnh, nghiền ngẫm, các triệu chứng trầm cảm, giảm sự hài lòng trong cuộc sống và hạnh phúc chủ quan.

Thứ hai, tức giận được biểu hiện ra bên ngoài, chẳng hạn họ đóng sầm cửa lại hay nói những lời khó chịu. Việc biểu hiện tức giận ra bên ngoài có khả năng làm giảm cảm xúc tiêu cực và thúc đẩy mức độ hạnh phúc cao hơn và giảm căng thẳng trong lòng. Nhưng cách này có thể gây tổn thương đối phương về thể chất và tinh thần, làm đổ vỡ mối quan hệ xã hội.

Thứ ba, biểu hiện tức giận có kiểm soát là cách giảm nhẹ trải nghiệm bên trong về cơn giận dữ. Những trải nghiệm tức giận này khi được làm nhẹ cũng sẽ làm giảm những trải nghiệm các quá trình sinh lý và tâm lý kèm theo. Do đó, những cảm xúc khó khăn và phức tạp có thể được hấp thụ, đồng thời những hành vi khác có thể diễn ra bình thường.

Sự tức giận có liên quan chặt chẽ với các sự kiện trong cuộc sống, đặc biệt là thời thơ ấu. Các sang chấn thời thơ ấu có thể kích hoạt phản ứng stress tột độ. Cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng bài tiết hormol chống tress là cortisol trong thời gian ban đầu. Cortisol giúp tăng sự tỉnh táo, mức độ hoạt động và cảm giác khỏe mạnh. Tuy nhiên, stress kéo dài sẽ gây khó chịu và cảm giác mệt mỏi. Cơ thể liên tục phản ứng với căng thẳng cường độ cao và kéo dài sẽ gây ra những rối loạn điều hòa cảm xúc. Ngoài ra, những nghịch cảnh ở tuổi trưởng thành cũng có liên quan chặt chẽ đến việc biểu hiện cơn giận không thích hợp hoặc kém kiểm soát.

Tóm lại, tức giận là cảm xúc hay gặp và là phản ứng bình thường của con người trước các tình huống. Đo lường khả năng kiểm soát tức giận và phân biệt các loại cơn giận khác nhau là cách để chúng ta hiểu về cơn giận. Chính sự hiểu biết và trải nghiệm sẽ giúp chúng ta kiểm soát cơn giận tốt hơn. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng căng thẳng, người ta thường đối diện với câu hỏi cần làm gì để kiểm soát cơn giận? Bởi ai cũng hiểu rằng giận dữ ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta.





Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên


Các tin tức khác

Back to top