Tu khẩu là tu nửa đời người
Cổ nhân có câu: Tu cái miệng là tu nửa đời người, đừng nói lời ác kẻo tổn hại người khác, chuốc họa chính mình.
Đạo lý “phúc thủy nan thu” hàm chứa ý nghĩa nước đổ khó hốt, gương vỡ khó lành. Lời của con người nói ra cũng giống như bát nước hắt đi, một khi đã đổ đi thì không thể nào thu lại được. Lời nói khỏi miệng không cách nào thu về. Do đó, trước khi nói hãy suy nghĩ cho thật kỹ.
Nghệ thuật giao tiếp đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Trong đối nhân xử thế, dù là lời hay ý đẹp cũng phải cân nhắc trước khi nói. Bởi có thể bạn nói tốt cho người này lại thành đắc tội với người kia, đó không hẳn là cách cư xử của người thông minh. Lời người nói ra khiến người khác không hứng thú thì đương nhiên là không nên nói.
Con người dù không làm điều ác nhưng nếu nói những lời không đúng đắn, khó nghe, thiếu đức thường xuyên, lâu dầu sẽ làm tổn hại đến phúc báo của bản thân. Người nói chuyện không có khẩu đức thì cuộc đời sẽ vì thế trắc trở theo.
Người không có khẩu đức làm gì cũng không thành
Có chàng trai tuổi đã ngoài 30 sống tại một thị trấn nọ. Anh chàng có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú nhưng làm gì cũng không thành, từ công ăn việc làm cho đến tạo dựng sự nghiệp. Khi bạn bè bằng tuổi đều đã lập gia đình, sinh con thì anh chàng vẫn độc thân. Anh ta ăn mặc lôi thôi, ở bẩn đến mức có khi cả mấy ngày không rửa mặt không tắm. Người xung quanh góp ý khuyên bảo thì anh ta để ngoài tai, thậm chí lớn tiếng nạt nộ lại người ta.
Dù anh ta có kinh doanh buôn bán nhỏ nhưng bản thân không có chí tiến thủ, làm việc không theo kế hoạch, mỗi ngày chỉ lo ăn uống. Người ta kinh doanh có tiền lãi còn anh ta phải bù lỗ. Vốn bỏ ra còn chưa thu về, mấy năm liền trả tiền gốc và tiền lãi vay khiến gia đình cũng bị ảnh hưởng, tạo gánh nặng cho người thân. Có thời điểm, anh ta phải mượn giấy tờ đất đai của họ hàng để thế chấp vay tiền lãi cao mới có thể tiếp tục kinh doanh. Mẹ anh ta đã ngoài 60 tuổi không có cách nào giúp anh đã gỡ lại trong việc buôn bán. Người xung quanh đều không nhận ra con người anh ta khi trước nữa.
Vẻ bề ngoài của anh chàng này không hề thua kém người khác, vậy mà cuộc sống lại vô cùng thê lương. Nếu quan sát kỹ chút, bạn sẽ thấy anh chàng khẩu đức rất kém. Có lẽ do anh ta từ nhỏ cách nói chuyện đã đao to búa lớn, nạt nộ người khác um xùm, bị tiêm nhiễm nhiều thói quen xấu. Khi trưởng thành, anh ta không có vẻ gì của người cẩn trọng, chín chắn, không tôn trọng người khác, không tôn kính thần phật, mỗi khi uống rượu vào thì ăn nói hàm hồ, tùy tiện vô cùng.
Con người khi có phúc báo mới có thể kiếm tiền. Vậy nên, người không có phúc báo như anh chàng này thì kinh doanh phải bù lỗ. Phúc báo của anh ta sớm đã bị những lời nói thiếu khẩu đức làm tổn hại thì sao có thể kiếm ra tiền. Nếu không nhận ra và sớm thay đổi thì càng về già tình cảnh của anh ta sẽ càng thêm thê lương.
Rèn khẩu đức mỗi ngày để tạo phúc báo
Khẩu đức có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Chính cái miệng con người gây họa khiến phúc báo bị tổn hại, mất mát. Có người nghĩ rằng mình chưa từng làm việc nào ác nên tùy tiện nói năng mà không biết rằng, cái miệng tạo nghiệp, cũng gây tổn hại phúc báo.
Cổ nhân có câu: “Ngôn do tâm sinh”, lời nói ra phản ánh nội tâm của con người. Nếu miệng nói những lời không tốt, lời thị phi, chửi rủa người khác, thì phúc báo càng sớm tiêu tan.
Phúc báo là do nhân duyên hòa hợp, cái miệng có thể quyết định đến phúc báo của một người. Con người sống ở đời cần giữ khẩu đức, không nói lời nghiệt ngã chua ngoa, là cách tốt nhất giữ được phúc báo cho mình.
Trong kinh Phật, lời Phật nói ra, ngôn từ nhu mềm, thuyết phục lòng chúng sinh. Chúng sinh mười pháp giới đều rất thích được nghe Phật thuyết giảng. Đó là vì Phật đã tu hành qua nhiều đời nên lời nói hiền từ, ngữ âm thuyết phục người nghe.
Miệng nói lời hay, tâm hồn chứa đựng ý tốt, chắc chắn sẽ có phúc báo. Đồng thời, con người nên biết đủ và có lòng biết ơn. Người càng tu hành càng cần tự biết đủ trong mọi hoàn cảnh.
Theo GHPGVN
Các tin tức khác
- Tà kiến mang đến khổ đau cho nhân loại (18/03/2024 8:34)
- Ân oán xưa thành cha con hiện tại (18/03/2024 8:26)
- Tu có hai hạng: dừng nghiệp và chuyển nghiệp (17/03/2024 8:47)
- Tu còn luân hồi (17/03/2024 8:45)
- Người bạc đãi mình nhất không phải ai khác, chính là bản thân ta (17/03/2024 8:37)
- Cúi đầu là một dạng tu dưỡng (16/03/2024 8:48)
- Bao dung như dòng nước mát làm nguội mọi sân giận (16/03/2024 8:45)
- Chấp trước là thế nào? (15/03/2024 9:21)
- Ý nghĩa chữ "tu" (15/03/2024 8:49)
- Chiếc giường bệnh là chiếc giường đắt nhất thế giới (15/03/2024 8:46)