Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: “Như Lai Ứng Cúng Chính Biến Tri cho phép ông hỏi. Như Lai sẽ giải quyết chỗ nghi của ông, cho ông vui mừng”.
Ca Diếp Bồ Tát liền ở trước Phật, nói kệ rằng:
Thế nào được trường thọ
Thân kim cương chẳng hoại?
Lại do nhân duyên gì
Đặng sức kiên cố lớn?
Thế nào thoát sinh tử
Như rắn lột da cũ?
Thế nào lại thị hiện
Rốt ráo nơi Niết-bàn?
Cúi xin đấng Thế Tôn
Phân biệt dạy chúng con.
Đức Phật khen Ca Diếp Bồ Tát: “Lành thay! Lành thay! Nay ông chưa được nhất thiết chủng trí, Như Lai đã được, nhưng bí tạng rất sâu của ông vừa hỏi đồng như chỗ hỏi của bậc nhất thiết trí.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: “Lóng nghe! Lóng nghe! Như Lai sẽ vì ông mà nói nghiệp nhân trường thọ của Như Lai đã được. Do nơi nghiệp nhân này mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nếu hạnh nghiệp có thể làm nhân cho quả Bồ Đề thời phải nên thành tâm nghe kỹ và lĩnh thọ nghĩa ấy. Đã tự lĩnh thọ rồi nói lại cho người khác. Do tu tập hạnh nghiệp ấy mà Như Lai đặng thành Chính Đẳng Chính Giác. Nay lại vì người mà giảng rộng ý nghĩa ấy.
Ví như vương tử phạm tội bị giam vào ngục, nhà vua rất nhớ thương con, đích thân ngự đến ngục thất. Cũng vậy, muốn được trường thọ, Bồ Tát phải nên hộ niệm tất cả chúng sinh, xem như con ruột, sinh lòng đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, truyền cho giới bất sát, dạy cho tu pháp lành. Cũng nên để tất cả chúng sinh ở nơi ngũ giới thập thiện. Lại đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la v.v..., để cứu vớt những kẻ khổ não trong các nơi ấy. Giải thoát kẻ chưa giải thoát, cứu độ người chưa được cứu độ. Người chưa chứng Niết bàn làm cho chứng Niết bàn. An ủi tất cả người đang ở trong cảnh kinh sợ. Do các nghiệp nhân trên đây mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nơi các trí huệ được tự tại. Sau khi mạng chung sinh lên cõi trên”.
Vì sao Đức Phật chứng đệ nhất thọ mạng nhưng không trụ vô lượng kiếp nơi cõi Sa bà?
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy nếu Bồ Tát tu tâm bình đẳng đối với chúng sinh xem như con ruột thời được thọ mạng dài lâu. Đức Như Lai chẳng nên dạy như thế.
Bồ Tát tu tâm từ bình đẳng được thọ mạng dài lâu biết được túc mạng, thường ở nơi đời không có đổi dời. Nay đây do duyên cớ gì mà đức Thế Tôn thọ mạng rất ngắn đồng nhân gian ư? Hay là Như Lai có oán ghét chi chúng sinh? Ngày trước Như Lai làm nghiệp ác gì, giết chết mấy mạng, mà mắc báo đoản thọ sống không đầy trăm tuổi ư?”.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: “Nay duyên cớ gì mà ông nói lời thô lậu trước Như Lai như thế? Như Lai trường thọ hơn hết trong các tuổi thọ. Như Lai chứng được pháp thường trụ hơn hết trong các pháp thường trụ”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai được thọ mạng dài lâu thế nào?”.
Phật nói: “Như tám con sông lớn: một là sông Hằng, hai là sông Diêm-Ma-La, ba là sông Tát-La, bốn là sông A-Lợi-La, năm là sông Ma-Ha, sáu là sông Tân-Đầu, bảy là sông Bác-Xoa, tám là sông Tất-Đà. Tám con sông này cùng các sông nhỏ đều chảy vào biển lớn.
Cũng vậy, tất cả con sông thọ mạng của người, của trời, của đất, của hư không, đều vào trong biển thọ mạng của Như Lai. Vì vậy, nên Như Lai thọ mạng vô lượng.
Ví nhu ao A-Nậu chảy ra thành bốn con sông lớn. Cũng vậy, Như Lai xuất sinh tất cả thọ mạng.
Ví như trong các pháp thường trụ, hư không là đệ nhất. Cũng vậy, ở trong các pháp thường trụ, Như Lai là đệ nhất.
Như trong các vị thuốc, vị đề-hồ là đệ nhất. Cũng vậy, trong các chúng sinh, thọ mạng của Như Lai là đệ nhất”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Nếu thọ mạng của Như Lai dài lâu như vậy, thời Như Lai nên ở nơi đời hoặc một kiếp, hoặc ít hơn để thường tuyên diệu pháp, như tuôn mưa lớn”.
Phật dạy: “Này Ca Diếp! Nếu có Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo ni, Ưu-Bà-tắc, Ưu-Ba-Di, nhẫn đến ngoại đạo ngũ thông thần tiên, hạng được tự tại, hoặc sống một kiếp hay ít hơn, ở giữa hư không đi đứng nằm ngồi tự tại, nách tả phun lửa, nách hữu vọt nước, thân tuôn khói lửa, nếu muốn sống lâu, thời được như ý muốn. Đối với mạng sống hoặc dài hoặc ngắn đều tự tại. Người được ngũ thông còn đặng thần lực tùy ý như vậy, huống là Như Lai đặng sức tự tại đối với tất cả pháp, mà lại không thể ở đời hoặc nửa kiếp, hoặc một, hai kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc vô lượng kiếp sao? Vì những nghĩa ấy, phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi. Thân của Như Lai đây là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực. Vì độ chúng sinh nên thị hiện đồng với chúng. Vì vậy, nên thị hiện bỏ thân mà nhập Niết-bàn.
Ông nên biết rằng Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi. Ở trong đệ nhất nghĩa này, các ông phải nên siêng năng tinh tấn nhất tâm tu tập. Mình đã tu tập và vì người khác mà giảng nói”.
(Lược trích Kinh Ðại Bát Niết Bàn – Phẩm Trường thọ
Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh)
Các tin tức khác
- Phật dạy sáu pháp không thối đọa ( 7/04/2024 8:42)
- Tôi không bị thương nhưng trúng mũi lao và sợi dây ( 6/04/2024 8:31)
- Đệ tử Phật nên tập khéo nói ( 6/04/2024 8:29)
- Người đã đội đá trên người rồi, mà còn đi trong bùn nữa thì càng lún thêm nữa ( 5/04/2024 8:35)
- Đạo Phật đi vào cuộc đời ( 5/04/2024 8:25)
- 3 nghiệp báo của người vay tiền nhưng không trả ( 4/04/2024 8:23)
- Thử nếm một tí thôi, chắc không hại gì đâu ( 4/04/2024 8:17)
- Càng buông bỏ, càng hạnh phúc ( 4/04/2024 8:14)
- Sống ở đời, hãy biết buông bỏ để được bình yên ( 4/04/2024 8:12)
- Siêng làm việc thiện, tránh làm việc ác ( 3/04/2024 8:26)