Ăn uống điều độ

26/03/2014 3:49
Trong sinh hoạt hàng ngày, Đức Phật giữ một chế độ ăn uống rất chừng mực, điều độ. Ngài dùng mỗi ngày một bữa, không ăn phi thời, không ăn ban đêm. Nhờ vậy, Ngài có được sức khỏe tốt, ít bệnh, ít não, thân thể khinh an và sống lạc trú thiền định.

Ngài cảm nhận lợi ích của nếp sống ăn uống điều độ và thường khuyên nhắc các học trò mình thực hành chế độ ăn uống có chừng mực, gọi là “tiết độ trong ăn uống”. Ngài dạy “Này các Tỷ kheo, Ta ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Này các Tỷ kheo, do ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Ta cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú. Này các Tỷ kheo, hãy đến và ăn, từ bỏ ăn ban đêm. Này các Tỷ kheo, do ăn, từ bỏ ăn ban đêm, các ông sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú” (1).

Ăn uống có tiết độ – ăn một ngày một bữa, không ăn phi thời, không ăn ban đêm, là một trong các biện pháp giúp cho người tu Phật có được sức khỏe tốt, ít bệnh tật, ít phiền não, thân thể nhẹ nhàng, khinh an, tâm dễ an trú thiền định. Do đó nó cũng được xem là một pháp tu. Các Tỷ kheo thường tỉnh giác nhủ thầm như vậy trước mỗi bữa ăn: “Ta thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương tổn, để hỗ trợ phạm hạnh, để diệt trừ cảm giác đói khát, để sống được an ổn, không lỗi lầm”. Họ sống theo lời khuyên dạy của Phật, thực hành việc ăn uống tiết độ, nhận ra lợi ích an lạc trong đời sống tu tập và nói lên lời cảm thán Ngài: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta” (2).

Nhưng Phật không chỉ khuyên dạy các học trò xuất gia thực hành chế độ ăn uống chừng mực để thuận lợi cho việc tu đạo giác ngộ. Ngài cũng khuyên các đệ tử tại gia cư sĩ nên nhận thức và áp dụng chế độ ăn uống điều độ để có được sức khỏe tốt, sắc diện trẻ trung, năng lực dồi dào và gia tăng tuổi thọ. Bài kinh sau đây thuật câu chuyện Phật gián tiếp nói cho vua Pasennadi nước Kosala về lợi ích của việc ăn uống tiết độ và cảm nhận của nhà vua sau một thời gian theo đuổi chế độ ăn kiêng do Thế Tôn mách bảo:

“Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala ăn bữa ăn thịnh soạn.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến Thế Tôn sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Rồi Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi nước Kosala đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy nói lên bài kệ:

Con người thường chánh niệm,

Được ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh,

Già chậm, tuổi thọ dài.

Lúc bấy giờ, thanh niên Bà la môn Sudassana đứng sau lưng vua Pasenadi nước Kosala.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi thanh niên Sudassana:

- Này bạn, hãy đi đến và học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn và trong khi dọn ăn cho ta, hãy đọc lên bài kệ ấy. Ta sẽ cấp thường nhật cho ông một trăm đồng tiền vàng.

- Thưa vâng, Đại vương.

Thanh niên Sudassana vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, học thuộc lòng bài kệ này từ Thế Tôn, và trong khi dọn cơm cho vua Pasenadi nước Kosala, đọc lên bài kệ này:

“Con người thường chánh niệm,

Được ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh,

Già chậm, tuổi thọ dài”.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala tuần tự hạn chế, cho đến khi ăn nhiều nhất là một nàlika (một chén cơm)

Vua Pasenadi sau một thời gian, thân thể được khỏe mạnh, tự tay thoa bóp chân và tay và nói lên cảm hứng sau đây: “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”(3).

Chú thích

1. Kinh Kitagiri, Trung Bộ.

2. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung Bộ.

3. Kinh Đại thực, Tương Ưng Bộ.

 

Theo Tạp Chí Văn Hóa số 42

Các tin tức khác

Back to top