Tin sâu nhân quả

26/01/2025 8:32
Biết rõ nghiệp báo thiện ác do mình tạo, nếu tạo nghiệp lành thì thân tướng tốt đẹp trang nghiêm, tạo nghiệp ác thì thân hình xấu xa. Khi biết như thế rồi nên tạo nhân lành để được quả tốt, chớ tạo nhân ác mới thì sẽ được an vui.

Chúng ta muốn biết nhân đời trước của mình ra sao, thì mỗi người phải tự xét hoàn cảnh, tướng mạo của mình hiện tại, thì sẽ biết đời trước mình đã tạo nhân lành hay dữ.


Đức Phật lại bảo Long vương phải dạy chúng sanh hiểu thấu lý nhân quả, để tu tạo nghiệp lành. Đồng thời Phật nhấn mạnh với Long vương là, khi đã hiểu tường tận lý nhân quả thì được chánh kiến không lay động. Chánh kiến không lay động là sao?


Giáo lý Phật nói rằng: Người hiểu rõ lý nhân quả thì tin sâu nhân quả, tin sâu lý nhân quả là có chánh kiến, ngược lại thì rơi vào tà kiến đoạn và thường.


Thế nào là chánh kiến, thế nào là tà kiến?


Phật nói hiểu lý nhân quả là chánh kiến. Tức là biết tất cả mọi hành động lành hay dữ của mình, sẽ kết tụ quả báo tốt hay xấu cho mình. Thế nên gọi thân này là tổng báo, tức là quả báo chung của đời trước.


Đời trước có khi làm lành có khi làm dữ, nên thân này có khi được an ổn vui vẻ, có lúc bị tai họa khổ đau. Khi đã biết thân tổng báo này chịu ảnh hưởng nghiệp đời quá khứ, thì hiện tại nỗ lực tu hạnh lành, để chuyển những nghiệp xấu trước nhẹ bớt. Thấy biết như thế là chánh kiến.


Hiện tại có một số người mệnh danh tu theo đạo Phật, mà không có chánh kiến, lại ôm ấp tà kiến hoặc thường hoặc đoạn. Có người tu mà nghĩ rằng mình có một linh hồn không đổi thay, trường cửu không mất, thân này chết đi, đời sau có thân khác. Giống như áo này cũ thay áo khác, mình vẫn là mình.


Ví dụ ông A chết rồi sanh ra cũng là A. Tin linh hồn mình không bao giờ thay đổi, đời đời vẫn không mất. Tin như vậy đạo Phật gọi là thường kiến. Lại có người cho rằng thân này do tứ đại hợp lại mà thành, sau khi chết tứ đại rã tan, không còn gì hết. Chấp như vậy gọi là đoạn kiến. Cả hai kiến chấp đó Phật không thừa nhận. Người chấp một trong hai điều đó là bệnh.


Vì nếu tin linh hồn vẫn còn mãi thì việc làm lành làm ác đối với họ vô nghĩa, làm lành cũng phí công vô ích không kết quả gì, làm ác cũng không có thiệt hại gì, mặc tình muốn làm gì thì làm không sợ tội lỗi.


Còn cho rằng chết sẽ hết thì việc làm lành hay làm dữ đối với họ cũng như trò chơi, nên không trọng việc lành không sợ việc ác, rồi mặc tình làm việc tội lỗi.


Người tu theo đạo Phật thấy lý nhân quả tường tận, biết làm lành thì được sanh lên ba đường thiện là trời, người, a-tu-la, làm dữ thì đọa xuống ba đường ác là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Như vậy, mọi chúng sanh đi lên hay đi xuống, tùy theo nghiệp thiện hay ác mà đi đến chỗ sướng hay khổ khác nhau. Trong hội này: Phật, Bồ-tát, A-la-hán, Long vương cho đến binh tôm tướng cá…đều có tướng sai biệt là do nghiệp nhân thiện hay ác mà thành tựu.


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top