Bởi từ con mắt của phàm phu, chúng ta thấy có người này gần gũi người kia không gần gũi...hưng Phật dạy nếu quán sâu hơn trong cuộc luân hồi dài lâu thì tất cả những người trên đời này ai cũng từng là cha là mẹ, hay là anh chị em của mình, vậy đâu có ai xa lạ. Nhờ nghĩ như vậy mà lòng chúng ta dễ cởi mở, đến gần với nhau hơn, không làm đau khổ cho nhau.
Phật dạy trong kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân: "Chúng sanh thọ sinh trong sáu đường như bánh xe quay không có đầu mối trước sau. Trong đó kẻ nam người nữ hoặc đã từng làm cha mẹ, hoặc làm con cái đời đời kiếp kiếp mang ân nghĩa lẫn nhau. Cho nên, phải xem hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, như vậy đã chưa báo đền cái ân đời trước tại sao ta trở lại sinh cái ý nghĩ xấu để thành oán hận".
Quán kỹ quán sâu như vậy, chúng ta sẽ sống cởi mở, gần gũi với nhau hơn, nhờ vậy mà xóa tan bớt hận thù. Bởi hận thù không thể giải quyết bằng hận thù mà chỉ có lòng "từ bi hỷ xả" mới cởi mở nhẹ nhàng.
Hơn nữa, như Phật dạy sự tồn tại của chúng sanh trên đời này không chỉ đơn thuần một cá nhân độc lập mà luôn có sự liên hệ đến nhiều người. Ví dụ khi ăn bát cơm hay uống một bát nước đừng nghĩ rằng mình có tiền là mua gạo về nấu cơm ăn hoặc có tiền mua lon nước uống là xong. Không phải vậy. Phải có công sức rất nhiều người mới có được bát cơm ta ăn, lon nước cho ta uống, nhưng chúng ta không thấy được điều này.
Bát cơm từ đâu mà có? Không phải có tiền là có. Phải có người nông phu trồng lúa, người làm ra cái bát để đựng cơm ăn; rồi những phương tiện chuyên chở v.v..., tức là có liên hệ đến rất nhiều người, chứ không phải chỉ có tiền là có bát cơm ăn.
Ngài Đạt Lai Đạt Ma giảng: "Hạnh phúc của con người chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của mỗi người. Sự sống của chúng ta là kết quả đóng góp của nhiều người khác chứ không phải là của riêng mình. Sự ra đời của chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ chúng ta, sau đó chúng ta cần sự chăm sóc, tình thương của cha mẹ trong nhiều năm; rồi sinh kế, nơi ở và phương tiện sinh sống của chúng ta, ngay cả sự thành công và danh tiếng của chúng ta cũng là kết quả của nhiều sự đóng góp của vô số người khác trực tiếp hay gián tiếp. Đó là chưa kể đến hạnh phúc của chúng ta".
Chúng ta sống đây là do sự đóng góp của rất nhiều người, ngay cả sự thành công danh tiếng của mình cũng có nhiều người đóng góp vào chứ không phải hễ người giỏi là được thành công.
Như người làm thầy giáo hay làm kỹ sư nổi tiếng thì cũng không phải chỉ nhờ giỏi mà được nổi tiếng, mà là có biết bao công sức đóng góp vào sự nổi tiếng của mình. Người thầy giáo nổi tiếng nhờ có học trò giỏi, có môi trường tốt để phát triển thì mới nổi tiếng được. Nếu chỉ một mình ta giỏi, thì giỏi với ai?
Nhờ nghĩ vậy mà chúng ta sống có sự kết hợp với nhau, sống với lòng cởi mở, dẹp bớt tâm ích kỷ, cuộc sống nhân đó hài hòa vui vẻ, càng sống có nhiều bạn bè hơn. Đi đâu cũng có bạn, bước ra thấy có bạn là mỉm cười muốn bắt tay, nên đi tới đâu cũng vui vẻ và cuộc sống càng tươi mát. Muốn được vậy, đơn giản là chúng ta chỉ chuyển cái nhìn của mình, tâm hồn của mình cởi mở thêm, phải tập nhìn với tâm xả.
Phật dạy thế gian vô thường, tức là từ bản thân cho đến hoàn cảnh bên ngoài đều là pháp biến đổi không cố định, không bền chắc. Đã không cố định bền chắc, tại sao lại bám chắc, giữ chặt để chịu khổ?
Ví dụ như cái nhà chúng ta đang ở hoặc mảnh đất ta đang sở hữu, nó có thật cố định là của mình không? Nếu nghĩ nhà này cố định là của tôi, khi nó không còn của tôi nữa liền khổ. Như chúng ta xây một ngôi nhà vừa ý, nhưng lâu lâu thấy không vừa ý liền bán căn nhà này đi tìm chỗ mới, vậy nó còn là của tôi nữa không? Còn mảnh đất, mảnh vườn mình đang sở hữu đây trước kia đã có bao nhiêu người làm chủ rồi? Mình là người chủ thứ mấy? Vậy là mình chỉ làm chủ tạm thời một lúc thôi, nên đâu có cố định.
Ngay bản thân mình cũng vậy, là nhà trọ tạm mượn một lúc rồi cũng trả. Mướn nhà 50 năm, 70 năm, 80 năm cho đến 100 năm rồi cũng phải trả, bắt buộc phải trả, hết kỳ hạn là phải trả thôi. Nhưng cũng có người đến kỳ trả mà không chịu trả, tuy không chịu trả nhưng cũng phải trả. Như có người sắp chết mà không muốn chết, không chịu chết, cứ bám hoài nhưng dù cố giữ cách mấy cuối cùng cũng phải trả. Nếu đã mướn nhà trọ thì khi đúng kỳ hạn liền vui vẻ trả, đó là chân lý, là lẽ thực. Dù cho ai có lý luận hay cách mấy chăng nữa thì cũng đi tới chỗ hễ mượn là phải trả. Lẽ thật là như vậy. Và chúng ta hiểu rõ cuộc sống tồn tại của con người là do tương quan tương duyên với nhau, nên hãy cùng nhau hòa nhịp cho bớt ngăn cách.
Thấy rõ ai ai cũng là người thân hoặc là những người từng đóng góp vào cho sự sống, sự an vui hạnh phúc của chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận biết ơn và cùng sống cởi mở với nhau, phải phát triển tâm xả nhiều hơn, gần gũi hơn, nhờ vậy cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Vậy hạnh phúc, an vui ngay ở trong chúng ta chứ không phải tìm đâu xa, nhưng người ta thường cứ đi tìm ở bên ngoài.
Có câu chuyện một vị Bà-la-môn bị mất trâu rồi đi tìm. Trên đường gặp Đức Phật, ông hỏi:
- Này ông Cồ Đàm! Ông có thấy trâu của tôi chạy ngang qua đây không?
Đức Phật bảo:
- Ông đi tìm vật không đáng tìm, đáng lẽ phải đi tìm chính mình mới phải.
Ông nghe vậy, ngạc nhiên hỏi lại:
- Ngài nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu.
Đức Phật giải thích:
- Ông nên tìm lại chính mình, khi tìm được sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho ông. Chúng sanh thường tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, không biết là hạnh phúc của mỗi người phải tìm nó ở ngay trong tâm mình.
Đức Phật dạy ông là phải đi tìm chính ông mới phải, đó mới là tìm hạnh phúc, đó là điều cần tìm mà lại không tìm. Chúng sanh cứ lo tìm những điều khổ não mà quên tìm lại chính mình, cho nên khổ hoài.
Ông Bà-la-môn nghe xong liền tỉnh ngộ, ông mới thấy rõ là xưa nay mình chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên mãi đau khổ, nếu nay không gặp được Đức Phật chắc là còn lăng xăng chạy đi tìm cái bên ngoài. Khi cảm nhận được điều đó, ông hướng về Phật chân thành đảnh lễ.
Đến đây mỗi người có đồng ý mở rộng lòng với tâm hỷ xả hay không? Ai có nói gì mình cũng không giận là xả, ngay đó là có hạnh phúc. Còn vừa nghe nói liền đem vào thì khổ ngay! Vậy hạnh phúc, khổ đau đâu phải ở bên ngoài mà là ngay trong chính mình.
Quán chiếu rõ điều này, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa chân thật, rồi ứng dụng trong đời sống tu tập với tâm hỷ xả và lòng cởi mở. Bởi vậy, Ngài Huệ Hải nói: "Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm". Ngài dạy việc đến đừng nhận tức không khổ, lòng rỗng rang. Như người ta nói nặng mình nhưng mình không nhận thì đâu có khổ! Còn người ta chưa nói tới mình mà mình đã nhận liền khổ thôi! Như đang đi chợ nghe ai nói gì đó có tên ai trùng tên với mình liền lắng tai nghe để đem vào, nên khổ là vậy. Cho nên, chúng ta phải tập bớt nhận sẽ sống vui vẻ.
Như câu chuyện, một hôm Phật đang đi khất thực, có một Bà-la-môn đi theo sau chửi. Phật đi trước, ông theo sau chửi hoài, Phật vẫn đi. Cuối cùng, người Bà-la-môn đó chạy ra trước đón đầu Phật, hỏi:
- Nãy giờ tôi chửi, ông có nghe không?
Phật đáp:
- Nghe chứ!
Hỏi:
- Ông nghe mà tại sao làm thinh hoài vậy?
Phật hỏi lại:
- Giả sử nhà bạn ông có đám tiệc mời ông dự, ông đem quà đến tặng mà bạn ông không nhận thì món quà đó sẽ ra sao?
Bà-la-môn đáp:
- Tôi tặng quà mà không nhận thì tôi đem về.
Phật nói:
- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận, của ông vẫn là của ông.
Ông có ác tâm nhục mạ người, khẩu nghiệp ác đó sẽ về ông không mất, tức là ông sẽ khổ. Nếu người ta chửi mắng mà mình không nhận thì của họ vẫn là của họ. Còn mình nhận tức là của mình, là khổ. Đơn giản vậy đó! Khổ vui là ngay chỗ đó.
Mong tất cả khéo hiểu những lời này, luôn phát triển tâm xả của mình để cuộc sống càng ngày càng đến gần với nhau hơn, bớt đem khổ cho nhau, cũng bớt ôm oán hận, buồn phiền. Nhờ vậy, cuộc đời tươi vui mát mẻ hơn, có nhiều bạn bè là vui vẻ. Phải luôn nhớ câu này: "Một lần buông xuống là một lần lên". Người càng buông xuống là càng lên cao, càng nhẹ nhàng, an ổn.
HT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- Làm sao để sống hòa thuận mà không phạm khẩu nghiệp? (14/02/2025 8:47)
- Khi ta chấp nhận mọi thứ như nó là, ta không còn đau khổ (14/02/2025 8:44)
- Thương yêu trước hết là yêu cuộc đời, yêu sự sống (14/02/2025 8:42)
- Tha thứ (13/02/2025 8:22)
- Cái gì gọi là bảo hiểm an toàn nhất? (13/02/2025 8:21)
- Buông bỏ thể diện (13/02/2025 8:19)
- Làm sao thoát khỏi cái khổ của nghèo hèn (13/02/2025 8:17)
- Phật Pháp cần gì phải độ người xấu? (12/02/2025 8:45)
- Pháp thân Phật (12/02/2025 8:43)
- Gốc rễ của đấu tranh bắt nguồn từ đâu? (12/02/2025 8:40)