Phật dạy: “Thương kính và trân trọng thí chủ”

20/02/2025 8:48
Người tu luôn thương kính và trân trọng đàn-việt, thí chủ. Vì nhờ ơn ngoại hộ mà mình có đầy đủ bốn vật dụng (y phục, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang) để yên tâm tu học, và nhất là “thành tựu giới, văn, tam muội, trí tuệ”.

Mùa mưa đến, chư Tăng Ni đều y theo lời Phật thực hành an cư. Bình thường, cuộc sống của Tăng Ni do thí chủ hộ trì. Khi an cư tu học thanh tịnh lại càng nhờ ơn ngoại hộ của các thí chủ, đồng thời thí chủ cũng nương tựa chư Tăng Ni để tu học và thành tựu phước báo hộ trì.


Hành giả an cư ngoài việc tinh chuyên trau dồi giới định tuệ còn quán niệm bốn ơn. Trong đó, luôn nhớ nghĩ công ơn thí chủ và thể hiện bằng cách rải từ tâm đến đàn-việt để người thí và người nhận thí đều thanh tịnh, đều được công đức.


“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:


- Hãy xem đàn-việt thí chủ như thế nào?


Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:


- Thế Tôn là vua của các pháp. Cúi mong Thế Tôn nói nghĩa này cho các Tỳ-kheo, chúng con nghe xong sẽ vâng giữ tất cả.


Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:


- Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các Thầy.


- Hãy cung kính đàn-việt thí chủ như con hiếu thuận cha mẹ, nuôi dưỡng, hầu hạ, làm tăng trưởng ngũ ấm. Ở cõi Diêm-phù-đề hiện các thứ nghĩa: Quán đàn-việt thí chủ hay thành tựu giới, văn, tam muội, trí tuệ cho người. Này các Tỳ-kheo, đàn-việt có nhiều lợi ích, đối với Tam bảo không có chướng ngại, hay bố thí các Thầy y phục, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy có tâm từ đối với đàn-việt, ơn nhỏ còn chẳng quên huống là ơn lớn; hằng lấy lòng từ hướng về đàn-việt, nói hạnh trong sạch của thân, miệng, ý chẳng thể cân xứng, cũng không có giới hạn. Thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ, khiến cho vật bố thí của đàn-việt trọn không bị phí bỏ, được quả báo lớn, thành tựu phước đức lớn, có danh tiếng lớn, lưu truyền pháp vị cam lồ trong thế gian. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.


Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:


Thí để thành của lớn


Chỗ nguyện cũng thành tựu


Vua và những tên trộm


Chẳng thể đoạt vật kia


Thí để được ngôi vua


Nối dõi ngôi Chuyển luân


Bảy báu thành đầy đủ


Vốn do thí mà được


Bố thí thành thân trời


Đầu đội mũ báu đỏ


Cũng các kỹ nữ dạo


Vốn quả báo của thí


Thí được trời Đế Thích


Vua trời oai lực thịnh


Ngàn mắt trang nghiêm thân


Vốn quả báo của thí


Bố thí thành Phật đạo


Đủ ba mươi hai tướng


Chuyển Pháp luân vô thượng


Vốn quả báo của thí.


Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.


(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hộ tâm, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.107)


Lời bàn:


Y theo lời Phật dạy, người tu luôn thương kính và trân trọng đàn-việt, thí chủ. Vì nhờ ơn ngoại hộ mà mình có đầy đủ bốn vật dụng (y phục, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang) để yên tâm tu học, và nhất là “thành tựu giới, văn, tam muội, trí tuệ”.


Cho nên, “hãy có tâm từ đối với đàn-việt; hằng lấy lòng từ hướng về đàn-việt; thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ, khiến cho vật bố thí của đàn-việt trọn không bị phí bỏ, được quả báo lớn, thành tựu phước đức lớn” chính là một trong những pháp hành quan trọng của các hành giả an cư.


Tâm từ là một chất liệu kết dính mối quan hệ giữa bốn chúng đệ tử Phật luôn bền chặt, hòa hợp và thanh tịnh. Nhờ ban rải từ tâm mà người thí và người nhận đều thành tựu công đức, phước báo vô lượng.


Quảng Tánh

Các tin tức khác

Back to top