Buông xuống đi

10/05/2014 11:33
Có ông Phạm chí Hắc Thị tu đắc ngũ thông, thuyết pháp rất hay đến nỗi chư Thiên cũng đến nghe thuyết pháp.

Hôm đó, khi nghe thuyết pháp xong thì một vị chư Thiên bỗng rơi lệ. Thấy vậy, ông Phạm chí lấy làm lạ nên hỏi:
- Vì sao Ngài khóc vậy?
Vị ấy đáp:
- Thầy thuyết pháp hay quá, nhưng theo chỗ thấy của tôi thì tuổi thọ của thầy còn có bảy ngày nữa thôi nên tôi buồn, sau này hết được nghe pháp nữa.
Nghe tới đó, ông hoảng hồn và nói:
- Xin Ngài hãy cứu tôi, hoặc là chỉ dạy có cách gì khiến tôi thoát được cái chết hay không?
Vị ấy trả lời:
- Chính tôi cũng phải chịu chết thôi, không ai cứu được hết, nhưng có một cách.
Ông bèn hỏi:
- Có cách gì?
Vị ấy đáp:
- Hiện giờ có Đức Phật ra đời, đang thuyết pháp ở thành Xá-vệ, ông hãy đến hỏi, Đức Phật sẽ chỉ cho ông cách thoát khỏi sinh tử.
Nghe như vậy, ông bèn dùng thần thông đi đến. Trên đường đi, thấy hai cây ngô đồng đang nở hoa rất đẹp, ông bèn dùng thần thông bứng cả hai cây bưng hai tay mang đến chỗ Phật để cúng dường. Đến nơi, ông thưa Phật dạy cho ông cách thoát khỏi sinh tử. Phật bèn bảo:
- Ông hãy buông xuống đi!
Ông liền buông cây ngô đồng bên tay trái. Phật bảo tiếp:
- Buông xuống nữa đi.
Ông buông cây ở bên tay phải luôn. Phật bảo tiếp:
- Buông!
Ông ngơ ngác thưa:
- Bạch Ngài, tôi có hai cây ngô đồng cầm ở hai tay, Ngài bảo buông, tôi buông hết rồi thì còn cái gì buông nữa?
Phật dạy:
- Ta nói buông đó không phải bảo ông buông hai cây ngô đồng. Ta bảo buông thứ nhất là buông sáu căn, buông thứ hai là buông sáu trần, còn buông thứ ba là buông sáu thức. Căn, trần, thức đều buông, không cho kết hợp với nhau thì ngay đó là cách giải thoát khỏi sinh tử.
Ở đây, Phật cũng dạy buông hết chỗ bám, không còn duyên để tâm sanh, là giải thoát.
Nhiều người nghĩ rằng: ‘Học thiền là khó, là sâu xa khó hiểu nên đó chỉ dành cho những người thượng căn, thượng trí, còn mình thì chậm lụt nên khó học nổi’. Nhưng sự thực thì Thiền rất là thực tế, rất là gần gũi, đâu có gì xa xôi! Chỉ là do tâm tưởng của người, tuởng quá nhiều nên thành xa. Do vậy, bây giờ biết thì mình buông các duyên để trở về, đó là khéo. Tức là muốn trở về thì phải tập buông các duyên, buông chỗ bám, nó đi ra nó bám, nó duyên nên đó là xa nhà. Bây giờ buông các duyên không cho nó bám thì chỗ nào nó đi đuợc? Nó có chỗ bám thì nó mới có chỗ đi, còn nó không có chỗ bám thì nó đi đâu được, tức là nó trở về nhà thôi!

 

Trích "Đưa Tâm Về Nhà" - TG: TT. Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top