Chánh kiến -- nơi an trú mát mẻ

9/05/2014 2:02
Chúng ta bất mãn, không bằng lòng, vì mang nặng Tà Kiến. Vì không tập luyện thu thúc lục căn chúng ta phiền trách ngoại cảnh làm cho mình đau khổ ... ẩn náu chân chánh của chư sư, nơi an trú mát mẻ, chính là Chánh Kiến. Chúng ta không nên tìm ở đâu khác ...

Thực hành Giáo Pháp là đi ngược dòng những thói quen của ta, chân lý đi ngược chiều những tham vọng của chúng ta, do đó thực hành Giáo Pháp quả thật là khó. Một vài sự việc mà ta hiểu là sai có thể là đúng, trong khi những điều mà ta nghĩ là đúng lại có thể sai. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của ta ở trong đêm tối, chúng ta không thấy rõ Chân Lý. Chúng ta thật sự không hiểu gì và bị tánh gian dối của người đời phỉnh gạt. Họ chỉ điều chân chánh, bảo là sai lầm, và chúng ta tin thật. Điều sai lầm, họ nói là đúng, và ta tin. Đó là bởi vì ta chưa làm chủ được chính ta. Những cảm xúc vui buồn luôn luôn phỉnh lừa ta. Chúng ta không nên lấy cái tâm nầy và những ý kiến của nó làm kim chỉ nam để nó hướng dẫn ta trên đường đời, bởi vì nó không thấu hiểu chân lý.

Vài người không muốn nghe lời ai cả, nhưng đó không phải là đường lối sáng suốt. Người có trí tuệ lắng nghe tất cả. Người nghe Giáo Pháp phải một mực chăm chú lắng nghe dầu có ưa thích cùng không, và không vội nhắm mắt tin càng, cũng không vội bác bỏ một cách mù quáng. Phải ở nửa đường, vào điểm giữa, và không hờ hững buông lung. Người ấy chỉ lắng nghe rồi suy gẫm, để cho thành quả thích nghi của suy tư khởi phát.

Người có trí tuệ phải suy gẫm về những gì mình nghe và trước khi tin cùng không, phải tự mình nhận thấy nguyên nhân và hậu quả. Dầu vị thầy nói đúng mà tự chính mình chưa rõ được chân lý thì cũng không nên vội tin chỉ vì mình nghe vậy. Phải tự mình thấu hiểu rõ ràng rồi mới tin.

Điều nầy phải được áp dụng cho tất cả, cho đến Sư cũng vậy. Sư đã có thực hành trước quý vị, trước đây Sư đã có thấy nhiều điều gian dối. Thí dụ, "Pháp hành nầy quả thật là khó, thật sự là cam go." Tại sao pháp hành nầy khó? Chỉ vì chúng ta suy tư sai lầm, chúng ta có Tà Kiến.

Trước đây Sư sống với nhiều vị sư khác, nhưng không cảm nghe rằng sống như vậy là đúng. Sư bỏ đi vào rừng và lên núi, lẫn trốn đám đông các nhà sư và các chú sa di. Sư nghĩ rằng họ không giống Sư, không chịu khó chuyên cần như Sư. Họ chểnh mảng, không dốc lòng hành đạo. Người nầy thì như thế nầy, người kia như thế kia. Đó là điều thật sự làm cho Sư bận rộn tâm trí và đó là nguyên nhân làm cho Sư luôn luôn bỏ chạy. Tuy nhiên, dầu ở một mình hay ở chung với những người khác Sư vẫn không an lạc. Sống đơn độc, Sư không bằng lòng. Sống với đông đảo chư sư, Sư cũng không bằng lòng. Sư nghĩ rằng tình trạng bất mãn ấy là do những người đồng tu với mình, do những cảm xúc buồn vui của mình, vì chỗ ở, vì vật thực, vì khí hậu, vì cái nầy, vì cái kia ... Sư luôn luôn chạy tìm điều gì thích nghi với tâm tánh mình.

Lúc bấy giờ Sư là nhà sư thực hành hạnh đầu đà dhùtanga [16], Sư đi hành đạo nơi nầy nơi khác, nhưng sự vật vẫn chưa phải là đúng theo ý. Rồi Sư mới suy gẫm, " Giờ đây ta phải làm gì để tạo hoàn cảnh thích nghi? Ta có thể làm gì? Sống chung với đông người ta không thỏa mãn, với ít người ta không bằng lòng. Tại sao vậy? Sư không thể tìm ra lý do. Tại sao Sư không thỏa mãn? Bởi vì lúc bấy giờ Sư còn Tà Kiến, nhận thức sai lầm, chỉ có thế; bởi vì Sư còn cố bám vào Tà Pháp. Bất cứ đi đâu Sư cũng không bằng lòng, nghĩ rằng, "Nơi nầy không tốt, chỗ kia không tốt ..." mãi mãi như vậy. Sư trách móc người khác, đổ lỗi cho thời tiết nóng quá hay lạnh quá, Sư đổ lỗi cùng hết! Cũng giống như con chó dại. Gặp đâu cắn đó, bởi vì nó điên. Khi mà tâm là như vậy thì pháp hành của ta không bao giờ được kiên cố vững vàng. Hôm nay cảm nghe thoải mái dễ chịu, ngày mai bực bội ưu phiền. Luôn luôn như vậy. Không bao giờ thấy bằng lòng hay an lạc.

Ngày kia Đức Phật thấy con chó rừng từ chỗ nó ở trong rừng chạy ra. Nó đứng yên một lúc. Bỏ chạy vào bụi rậm, rồi chạy trở lại. Rồi chạy vào một bọng cây, và chạy ra. Chạy vào hang đá, cũng để rồi chạy ra. Đứng yên một chút là bỏ chạy, chạy rồi nằm xuống, rồi nhảy dựng lên ... chó bị con vét đeo. Khi chó ở yên thì vét cắn hút máu, vì thế nó phải chạy hoài. Chạy, nhưng nghe không thoải mái nên nằm, và rồi nhảy lên trở lại, chạy vào bụi rậm, vào bọng cây, vào hang đá, không bao giờ ở yên.

Đức Phật dạy, "Nầy chư tỳ khưu, hồi trưa nầy các con có thấy con chó rừng đó không? Đứng yên, nó đau khổ. Chạy, nó đau khổ. Nằm, nó đau khổ. Ở trong bụi rậm, trong bọng cây, trong hang đá, nó vẫn đau khổ. Nó phiền trách vì tại đứng nên không thoải mái. Nó than van vì tại ngồi, tại chạy, tại nằm, nên khó chịu. Nó đổ lỗi cho bụi rậm, cho bọng cây và hang đá. Trên thực tế, vấn đề không phải do những vật ấy. Con chó bị vét đeo, hút máu. Vấn đề là vét.

Chúng ta, các nhà sư, cũng giống như con chó rừng ấy. Chúng ta bất mãn, không bằng lòng vì mang nặng Tà Kiến. Vì không tu luyện pháp thu thúc lục căn, chúng ta phiền trách ngoại cảnh làm cho mình đau khổ. Dầu chúng ta sống ở Wat Pah Pong, ở Mỹ hay ở Anh quốc ta vẫn bất toại nguyện. Giờ đây đi sống ở Bung Wai (Thiền Viện Quốc Tế) hay ở một tu viện nào khác, ta vẫn không toại nguyện. Tại sao? Bởi vì từ bên trong ta vẫn còn ôm ấp Tà Kiến. Chỉ có thế! Đi bất cứ đâu ta vẫn không bằng lòng.

Tuy nhiên, cũng giống như con chó rừng, nếu trị được con vét thì dầu ở đâu chó cũng bằng lòng. Ta cũng vậy, Sư rất thường suy tư và thường dạy quý vị về điểm nầy bởi vì nó vô cùng thiết yếu. Nếu chúng ta thấu rõ chân lý của những cơn buồn vui của ta ắt ta sẽ đạt đến trạng thái tự tại, bằng lòng. Dầu trời nóng nực hay lạnh lẽo ta cũng bằng lòng, ở chung chỗ đông hay ít người ta cũng bằng lòng. Tình trạng bằng lòng hay không, không phải tùy thuộc nơi số người nhiều hay ít cùng ở chung, mà do Chánh Kiến. Đã có Chánh Kiến thì ở đâu ta cũng bằng lòng.

Nhưng phần đông chúng ta có Tà Kiến. Cũng giống như con giòi! Chỗ ở của con giòi rất là bẩn thỉu. Thức ăn của giòi thật là dơ dáy ... nhưng đó là thức ăn và chỗ ở thích hợp với giòi. Nếu quý vị lấy cái que hay cọng chổi phủi nó ra khỏi đống phẩn, nó sẽ sống chết cố gắng bò trở lại vào đó. Cùng thế ấy, thầy dạy chúng ta phải nhận thức đúng. Chúng ta phản đối vì điều ấy làm cho ta cảm nghe không thoải mái. Chúng ta quày trở lại "đống phẩn", bởi vì nơi đó chúng ta cảm nghe thoải mái dễ chịu. Tất cả chúng ta đều là vậy! Nếu không thấy được hậu quả tai hại của tất cả những quan kiến sai lầm của chúng ta, ta không thể rời bỏ nó, pháp hành quả thật là khó. Như vậy ta nên lắng nghe. Pháp hành không có gì khác.

Nếu có Chánh Kiến thì bất luận đi đâu ta vẫn bằng lòng. Sư đã có hành, có kinh nghiệm và thấy rõ như vậy. Giờ đây có rất nhiều vị sư, sa di và nhiều người cư sĩ đến viếng Sư. Nếu Sư vẫn còn chưa thấu rõ, nếu còn giữ Tà Kiến ắt Sư chết ngay bây giờ. Nơi ẩn náu chân chánh của chư sư, nơi an trú mát mẻ chính là Chánh Kiến. Không nên tìm ở đâu khác.

 

Trích Hương Vị Giải Thoát - Ngài Ajahn Chah

Các tin tức khác

Back to top