Đại sư Mãn Giác

9/05/2014 11:26
Chùa Giác Nguyên, Cửu liên. Người Lũng chiền, làng An cách, họ Nguyễn tên Trường.

Cha là Hoài Tổ làm quan đến chức Trung thư viên ngoại lang. Vua Lý Nhân Tôn, lúc còn làm thái tử, xuống chiếu mời con em các danh gia vào hầu hai bên. Sư nhờ nghe nhiều, nhớ kỹ học thông cả Nho, Thích nên được dự tuyển. Sau những lúc việc quan, thường chú tâm vào Thiền học.

Ðến khi vua lên ngôi, vì rất mến chuộng Sư, ban cho Sư tên Hoài Tín

Trong khoảng Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 – 1084), Sư dâng biểu xin xuất gia. Khi đã được tâm ấn nơi Quảng Trí chùa Quán đảnh, bèn cầm gậy vân du, khắp tìm bạn đạo, đến đâu học giả thường vân tập đến đấy. Sư xem Ðại tạng kinh, được Vô sư trí, là lãnh tụ Giáo hội của một thời vậy. Vua cùng với Linh Nhân hoàng thái hậu lúc mới lưu tâm đến Thiền học, liền xây chùa bên cạnh cung Cảnh hưng, mời Sư đến ở, để tiện hỏi han. Nói chuyện với Sư, vua chẳng gọi tên mà thường gọi là Trưởng lão.

Một hôm vua gọi Sư nói: “Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu đời, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng làm, không phải chỉ có sức định huệ, mà cũng có công phò tá. Vậy xin kinh bổ nhiệm ngài”.

Bèn trao Sư chức Giáo nguyên thiền viện Hoài Tín đại sư truyền tổ vô tu vô chứng tâm ấn phụng chiếu nhập nội đạo tràng tứ tử đại sa môn đồng tam ti công sự. Trong lúc nhận chức này, Sư được lấy thuế hộ năm mươi người.

Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (1096), Sư cáo bệnh, có kệ dạy chúng rằng:

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười

Việc đời qua trước mắt

Già đến trên đầu rồi !

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ngoài sân đêm trước một cành mai.”

Tối đó, Sư ngồi kiết già mà mất, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Vua tặng hậu lễ, công khanh mỗi mỗi đến dâng hương, trà tỳ xong, thu xá lợi xây tháp ở chùa Sùng nghiêm, làng An cách. Vua sắc thụy là Mãn Giác.

 

Trích Thiền Uyển Tập Anh

 

Các tin tức khác

Back to top