Sự gượng gạo, giả tạo không bao giờ có thể mang lại sự thỏa mãn thực sự. Chỉ có những điều chân thật mới có thể mang lại sự mãn nguyện.
Đôi khi có người nào đó đang rất ghét, rất giận, thù hằn bạn, nhưng lại cố giả vờ không phải vậy, đóng kịch cư xử bình thường, bạn sẽ thấy rất khó chịu khi phải sống như thế. Thực sự cứ nhận là mình đang giận, cứ thẳng thắn với nhau, sau đó chúng ta có thể nói chuyện với nhau về vấn đề khúc mắc giữa hai người. Có thể cả hai sẽ tìm ra được một cách giải quyết nào đó cho ổn thoả.
Để có được quan hệ giao tiếp chân thành, hết mình, sự trung thực và cởi mở là rất quan trọng. Chân thật và cởi mở với tất cả tấm lòng, điều đó quả thật là mãn nguyện. Nó cũng rất hữu ích để xây dựng nên một nhân cách và trí tuệ của cả hai phía.
Trong thiền tập cũng vậy, chỉ có sự chân thật hoàn toàn mới dẫn đến tiến bộ. Một thiền sinh không được nói dối, không được giả bộ biết những điều mà thực ra mình không biết.
Bạn có thể bịa đặt là đã đạt được tuệ này, tuệ kia . Những thiền sư đã dạy thiền nhiều năm sẽ biết: “người này đang nói dối”. Họ chỉ cảm thấy thương hại cho bạn, bởi vì họ thấy rõ: “Ồ, người này mong muốn quá nhiều khi nói rằng thiền tập của anh ta đang tiến bộ, đến nỗi anh ta phải tự lừa dối chính mình như thế. Nhưng nếu vẫn cứ tiếp tục, anh ta sẽ không thể tiến lên một chút nào. Vì vậy, đối với những người này, cần phải cho anh ta biết làm như thế là không thể chấp nhận được”.
Hành thiền, thực hành Pháp là để thấy chân lý, thấy sự thật. Nếu bạn mong muốn hiểu được chân lý, điều đó chỉ xảy đến khi có sự chân thành và trung thực, một sự trung thực hoàn toàn.
Khi đã lỡ nói điều gì đó không chân thật, hãy nhìn vào chính tâm mình, tự thú nhận là mình đã nói quá sự thật. Sau đó, tự sửa mình, rồi đính chính lại với người kia: “Cái tôi vừa nói đúng là có chút phóng đại. Thực sự thì cũng không đến mức như thế”.
Đó là lý do tại sao nếu bạn thực sự muốn hiểu được chân lý, muốn hiểu được chân Pháp, bạn cần phải có rất nhiều dũng cảm. Nó đòi hỏi bạn phải rất trung thực.
Mỗi điều dối trá đều trói buộc, cầm tù tâm bạn, vì vậy bạn không còn được tự do. Một khi đã nói dối, người đó lại phải tiếp tục nói dối thêm nhiều lần nữa để che đậy lời nói dối ban đầu. Như vậy anh ta sẽ không thể có được một chút thanh thản và an lạc. Mà không có những điều này, trí tuệ sẽ không thể trưởng thành, nên không thể xây dựng được một nhân cách, và các phẩm chất trong tâm bạn sẽ không thể trở thành cao thượng.
Ở nơi nào có sự dối trá, nơi đó không thể có được sự tận tâm, hết mình.
Cố gắng đóng kịch trong quan hệ, trong giao tiếp với người khác sẽ không bao giờ có được sự trân trọng và tình bạn chân thành thực sự.
Trong thiền, để đạt được sự tiến bộ thực sự rõ rệt, bạn cần phải thành thật 100% và phải nỗ lực hết mình, toàn tâm toàn ý. Nếu không làm được điều này, bạn chỉ có thể đạt được một chút Định, một chút Niệm hời hợt, nông cạn, không thể đạt đến trình độ Định, Niệm thực sự cao thâm.
Vậy, thực sự muốn thực hành thiền thành công, hãy nhìn lại chính mình xem: “mình đã hoàn toàn trung thực hay chưa?”
Thiền sư Sayadaw U Jotika
Các tin tức khác
- Chánh niệm như thế nào trong đời sống hàng ngày? (17/06/2025 8:26)
- Để nhân quả trả lại bạn điều tốt đẹp nhất (16/06/2025 7:59)
- Tâm không (16/06/2025 7:57)
- Vì sao cần phải tu định? (16/06/2025 7:55)
- Sửa sai (15/06/2025 8:49)
- Gần ai (15/06/2025 8:48)
- Nhân quả (15/06/2025 8:46)
- Cuộc sống vô thường (14/06/2025 9:15)
- Đem cho người thức ăn dư (14/06/2025 9:14)
- 4 việc không lâu dài (13/06/2025 8:52)