Buông xả không phải là bỏ đi tất cả mọi thứ. Buông xả chỉ có nghĩa là không quá lo lắng, không quá nghĩ ngợi, không quá bận tâm, không quá buồn phiền, không quá tức giận về mọi sự xảy ra chung quanh mình. Buông xả là giữ lòng bình tỉnh thanh thản, coi mọi chuyện như huyễn như mộng không chấp trách than van, coi như chẳng có gì đáng quan tâm, sẵn lòng tha thứ mọi bất như ý, mọi việc rồi sẽ giải quyết từ từ, thay vì nóng nảy làm tăng thêm nỗi khó khăn. Buông xả là như vậy.
Tất cả cái khổ của ta chỉ vì tâm ta không rộng mở, còn quá nặng nề về những lo âu buồn bực, nên luôn không đồng ý với hiện tại, không đồng ý với những gì mình đang có, khiến ta không còn nhận xét sự việc một cách vô tư, được khen ngợi thì vui
thích, bị chê bai chỉ trích thì tức tối buồn rầu, mình không nhận ra phần lỗi của mình, nhìn quanh chỉ thấy toàn những giận hờn phiền não. Những phiền não giận hờn này chính là những hòn đá những cục gạch, vứt bỏ những viên đá đó đi, vứt bỏ cái gánh nặng lo âu sầu khổ xuống, lòng ta sẽ thanh thản nhẹ nhàng, hai chữ buông xả sẽ tràn ngập tâm hồn ta.
Trong Tứ Diệu Đế, ở phần Đạo Đế, Đức Phật cũng dạy ta một điều căn bản, một chân lý rất thực tiễn giúp cho ta sống vui, đó là: Có lãnh thọ là có khổ, càng lãnh thọ nhiều thì càng khổ nhiều, càng buông bỏ càng từ chối thì khổ đau càng vơi. Qua lời dạy này, ta cũng thấy bàng bạc hai chữ: “Buông Xả”.
Thật vậy, càng có nhiều bao nhiêu, càng ôm giữ nhiều bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu, nào lo cất giữ, lo suy nghĩ tính toán bảo tồn những gì mình đang có. Ngược lại buông xả bớt được bao nhiêu thứ càng nhẹ gánh lo âu đi bấy nhiêu.
Có buông xả được thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những ám ảnh, những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến mà nhìn thấy niềm vui chung quanh ta.
Có buông xả được ta mới thoải mái không phiền không giận ai, mới cảm thấy an vui nhìn đời bằng con mắt khoan dung độ lượng không mong, không cầu.
Có buông xả được lòng ta mới rộng mở, ai nói gì cũng bỏ qua không chấp. Nếu ai có làm điều gì sai quấy cũng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ năm ba phút hoặc một đêm, cùng lắm một hai ngày rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.
Đời người là một chuỗi dài vô thường, có gì tồn tại mãi đâu, ngày hôm nay qua đi sẽ không bao giờ trở lại, vậy ta hãy trân qúy cái ngày mình đang sống, trân quý cái gì mình đang có không phải là ôm cái tức cái buồn cái hận trong lòng, mà là buông xả tất cả đi để lòng thanh thản tận hưởng cái hạnh phúc của đời mình trong giây phút hiện tại.
Trước những thăng trầm của đời sống, dù thành công hay thất bại đau khổ hay vui sướng, dù gặp điều xấu hay tốt, như ý hay buồn lòng, người có tâm buông xả luôn ôn tồn hiền hậu, sẵn lòng tha thứ khoan dung, không chấp trách không than van, coi như chẳng có gì đáng ưa, chẳng có gì đáng ghét, không có gì quá vui mà, cũng không có gì khổ sở. Người có tâm buông xả luôn cảm thấy mình an vui, và cũng đem niềm vui đến cho mọi người chung quanh.
Nói đến buông xả, nói thì dễ song dĩ nhiên không thể nào buông xả được cái tức cái giận, cái lo cái buồn trong chốc lát, song nghĩ cho cùng thì tất cả rồi cũng sẽ tan vào quên lãng, ôm vào lòng làm chi cho mệt. Với tâm tư đó ta sẽ thấy lòng thảnh thơi không bợn chút ưu tư, ai khen ai chê, chuyện đời hơn thua thắng bại, ta vẫn an nhiên tự tại, không có gì vướng mắc tâm ta được.
Nhưng buông xả không phải là bỏ tất cả, là dẹp hết để chỉ lo thân ta, buông xả không có nghĩa là chối bỏ trách nhiệm trong cuộc sống. Sinh ra ở đời ta mang biết bao nhiêu ơn nghĩa, ơn cha mẹ, ơn nước, ơn thầy, ơn bạn và bao nhiêu bổn phận đối với cha mẹ, với gia đình với quốc gia xã hội.
Học theo đạo Phật, ta buông xả nhưng luôn giữ trọn vẹn trách nhiệm của một con người có lương tri có đạo đức, buông xả nhưng bao ân tình vẫn không quên, buông xả mà vẫn luôn cố gắng ân trả nghĩa đền, buông xả mà vẫn chu toàn mọi việc, mọi bổn phận với tất cả tấm lòng rộng mở đầy vị tha, từ bi và hoan hỷ.
Ta buông xả cho đời thanh thản
Ta khoan dung cho nhẹ bước đi về.
Cái đẹp đẽ cao vời của hai chữ Buông Xả trong đạo Phật là ở chỗ đó.
Ước mong hai chữ cao đẹp đó sẽ luôn luôn thị hiện trong tâm tư chúng ta, những người con Phật ở khắp mọi nơi.
Có gì của ta đâu
Mà cứ mãi mong cầu
Có gì của ta đâu
Sao cứ mãi sầu đau?
Một mai hơi thở dứt
Tan rã sẽ về đâu!
Theo TTM
Các tin tức khác
- Lời khuyên của Đức Đạt Lai Lạt Ma (29/06/2014 2:51)
- Hai thứ chiêm bao do duy thức biến hiện (27/06/2014 10:31)
- Để mọi người đều tiến bước (26/06/2014 1:21)
- Chết khát bên cạnh dòng sông (26/06/2014 1:15)
- Đổi mới cách nhìn để cuộc sống thêm tươi đẹp (25/06/2014 2:00)
- Chưa hề có ai thấy một chiếc két sắt đặt trên một cỗ quan tài (24/06/2014 1:46)
- Lời khai thị của HT. Tuyên Hóa (24/06/2014 1:40)
- Sắc đẹp phù du (22/06/2014 6:00)
- Thế ngồi hoa sen dưới ánh sáng khoa học (22/06/2014 5:28)
- Sống chết đường tơ (20/06/2014 10:18)