Khái quát về thiền buông thư
Buông thư là thả lỏng và thư giãn toàn thân hay từng bộ phận trên cơ thể nhằm lấy năng lượng và làm sảng khoái cơ thể. Buông thư này có tính chất thiền, và cũng như mọi hành động khác, trong thời gian buông thư, ta thực tập đem tâm về với thân.
Thiền buông thư được hướng dẫn ngay từ những ngày đầu tiên cho một người mới bắt đầu học cách thực tập thiền. Có thể thấy thiền buông thư là một trong những thiền ứng dụng rất căn bản.
Cách thực tập thiền buông thư
Trong bài cho người mới học, thiền buông thư được hướng dẫn như sau:
- Dành thời gian 15 phút – 30 phút mỗi ngày để thực tập.
- Nằm thẳng trên giường hoặc sàn nhà. Đầu không kê gối, hai tay buông dọc theo hai bên thân, lòng bàn tay thả lỏng. Hai chân để thẳng, thoải mái, khi đó bàn chân sẽ có xu hướng hơi ngả ra ngoài. Mắt nhắm.
- Khi nằm, niệm thầm:
Nằm à, ý thức nằm à.
Thở vào, buông thư à.
Thở ra, buông thư à. (thả lỏng toàn bộ thân người)
Thở vào, đầu à.
Thở ra, buông thư đầu à. (thả lỏng đầu)
Thở vào, não à.
Thở ra, buông thư não à. (thả lỏng não)
Thở vào, mắt trái à.
Thở ra, buông thư mắt trái à. (thả lỏng mắt trái)
Thở vào, mắt phải à.
Thở ra, buông thư mắt phải à. (thả lỏng mắt phải)
Thở vào, mũi à.
Thở ra, buông thư mũi à. (thả lỏng mũi)
Thở vào, miệng à.
Thở ra, buông thư miệng à. (thả lỏng miệng)
Tiếp tục niệm đến các bộ phận khác trên cơ thể.
- Khi niệm đến bộ phận nào, hướng tâm đến vùng ấy. Một bộ phận có thể niệm nhiều lần để buông thư được hoàn toàn.
- Khi buông thư, nếu nghĩ đến chuyện khác thì niệm “phóng tâm à” đến khi chấm dứt suy nghĩ đó, rồi tiếp tục niệm “Thở vào, … à/Thở ra, buông thư à.”
- Khi đã buông thư hết các bộ phận và kết thúc bài thiền, mở mắt và chậm rãi duỗi tay chân (niệm “duỗi à”), ngồi dậy (niệm “ngồi à”). Nếu thấy được cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng, niệm “nhẹ nhàng à”.
Thiền buông thư còn được sử dụng vào giờ giải lao khi làm việc. Khi đó, chúng ta có thể ngồi thoải mái để buông thư, cũng niệm và hướng tâm tương tự. Không nhất thiết phải “đụng” tất cả các cơ quan, ta chỉ cần hướng tâm đến cơ quan nào cần sự thư giãn nhiều, hoặc cơ quan nào đang bị tổn thương. Quan trọng là khi hướng tâm đến đâu, thì ta phải nhận biết được mình buông thư đến đó.
Ích lợi của thiền buông thư
Bất cứ người nào thực tập thiền buông thư đều ít nhiều cảm nhận được lợi ích của nó.
Xua tan mệt mỏi
Sau một ngày dài làm việc, dù là trí óc hay tay chân, cơ thể đều thấm mệt. Đó là lúc chúng ta cần giải tỏa căng thẳng thể chất và tinh thần. Chúng ta nghĩ ra nhiều cách khác nhau để thư giãn như đi câu lạc bộ, trò chuyện với bạn bè, xem hát, xem kịch, đi dạo, ăn uống v.v. Một trong những cách thông minh là áp dụng thiền buông thư để xua tan mệt mỏi, vì ưu điểm nổi bật của thiền buông thư là 100% giảm stress và không hề tốn kém tiền bạc, trong khi những cách khác thì chưa chắc có hiệu quả và phải tốn tiền.
Lấy lại năng lượng
Buông thư giúp tái tạo năng lượng, mang lại sự khoan khoái an lạc. Cơ thể bạn đã vận dụng mọi chức năng của nó trong một ngày dài, các cơ quan đều gắng sức và chúng cần sự buông lơi. Mình nghỉ ngơi, các bộ phận cũng xứng đáng được thư giãn. Đó là lúc thiền buông thư phát huy tác dụng hồi phục năng lượng.
Hỗ trợ trị lành bệnh thể chất
Thực tập thiền buông thư là một cách để chăm sóc bản thân. Không phải bất kỳ bệnh nào cũng đều cần chữa bằng thuốc hay đi bác sĩ. Trong rất nhiều trường hợp, cơ thể con người được xem là một cỗ máy hoàn hảo có thể tự sửa chữa lấy nó mà không cần đến sự can thiệp của y khoa. Thiền buông thư giống như một chất xúc tác, giúp cơ thể sửa chữa nhanh hơn và ít phải chịu đựng hơn.
Nếu khó chịu vì bị đau đầu hay đau răng, bạn khoan vội nghĩ đến paracetamol mà hãy nhớ đến thiền buông thư trước. Hướng tâm đến vùng đau, buông thư rồi niệm “đau à” hoặc “buông thư à”, sớm thôi, bạn sẽ có được kết quả mong muốn.
Nếu bị cảm cúm, sốt, đau họng, chảy mũi, khoan uống kháng sinh, hãy tập trung làm nhẹ các triệu chứng bằng thiền buông thư, cơn cảm cúm ấy sẽ qua mà không cần đụng đến bất kỳ viên thuốc nào. Thiền buông thư, trong trường hợp này, không phải dùng để chữa bệnh mà dùng để giảm nhẹ triệu chứng hoặc hỗ trợ cho việc trị bệnh.
Nuôi dưỡng tâm hồn
Thiền buông thư chứa đựng nhiều bài học. Đó là cách nhìn lại cơ thể mà mình đang có. Đây là cơ thể mà cha mẹ đã ban tặng. Đây là mắt giúp ta nhìn được các vật, đây là mũi giúp ta ngửi được mùi, đây là tai giúp ta nghe, đây là não giúp ta hoạt động, cảm nhận…
Cơ thể mà ta luôn tận dụng trong mọi việc nhưng lại vô tình thờ ơ bấy lâu nay, rồi khi nhìn lại, ta thấy quý những gì ta đang mang biết chừng nào, vì chúng thực sự hữu ích. Vì vậy, ta biết ơn vô cùng những bộ phận đó, ta biết ơn cha mẹ đã cho ta thân thể này. Lòng biết ơn được trau dồi là biểu hiện của một tâm hồn được nuôi dưỡng tốt, nhờ thiền buông thư.
Tuy nhiên, những ích lợi trên đây cũng chỉ là lý thuyết. Bạn hãy bắt tay vào thực hành và tự cảm nhận lợi ích mang lại của thiền buông thư. Khi ấy, bạn sẽ thấy nguồn năng lượng được nâng lên dần dần bên trong tâm hồn, những vết thương sẽ lành từng bước một, và tâm mình sẽ tự động khơi dậy lòng biết ơn. Khi ấy, lòng biết ơn đó sẽ là của mình, chứ không còn là chữ nghĩa được viết hay được truyền lại từ ai. Đây mới là lợi ích thực sự.
Nếu như giải tỏa căng thẳng (stress) bằng tán gẫu (chat) thì bạn phải có bạn bè, xem kịch thì cần đến nghệ sĩ diễn viên, ăn uống thì cũng cần có người ăn cùng mới ngon, nghĩa là bạn cần có người khác để vui vẻ. Với thiền buông thư thì bạn vẫn có thể thư giãn mà không phải phiền hà ai. Hơn thế nữa, bạn thậm chí còn có thể chia sẻ cách thiền này cho người thân. Nếu họ thấy được lợi ích của thiền buông thư, vậy là bạn đã đem được niềm vui cho người khác. Chúc bạn thực tập thành công.
Theo Đàm Linh Thất
Các tin tức khác
- Đấng Như Lai không che đậy và không phạm lỗi (18/08/2014 9:16)
- Chồn cưới công chúa (18/08/2014 9:05)
- Nhìn lại thân mình (18/08/2014 8:55)
- Tâm yếu đuối (16/08/2014 2:47)
- Loạt ảnh "chó hạnh phúc bên chủ vô gia cư" chạm tới trái tim nhiều người (15/08/2014 5:27)
- Chín mươi kiếp mới gặp lại con (15/08/2014 5:18)
- Không nơi ẩn náu (15/08/2014 12:00)
- Cấp tu cấp ngộ (14/08/2014 11:55)
- Bà lão đốt am (14/08/2014 11:15)
- Chọn thuốc hay thiền, đánh tan stress? (13/08/2014 4:51)