Trở về chân tâm

16/09/2014 6:07
Tâm bất giác vọng tưởng tạo ra cái Ta (ngã) rồi theo cái Ta trôi lăn trong sinh tử. Bây giờ nói trở về là Ai trở về? Và trở về đâu? Tâm trở về, và trở về bổn tánh của nó, cái tánh thanh tịnh thường hằng. Khi tâm trở về bổn tánh thanh tịnh thì nó được gọi là chân tâm.

Thiền Tứ Niệm Xứ được trình bày ở trên là phương pháp tu vô ngã chuyên dùng phủ định, nhưng nó cũng là một phương tiện thiện xảo để trở về chân tâm. Mỗi khi hành giả niệm hay ghi nhận một cái gì đó tức là có chánh niệm. Có chánh niệm tức là có sự tỉnh giác. Có tỉnh giác tức là tánh giác đang có mặt. Tánh giác có mặt tức là chân tâm đang làm việc. Do đó thực hành chánh niệm tức là đang trở về chân tâm.

Trong thiền tông có nói về thập mục ngưu đồ, tức là 10 tranh chăn trâu, ngụ ý nói người tu thiền phải kiểm soát tâm của mình giống như kẻ mục đồng chăn trâu. Chăn trâu tức là chăn tâm. Người tu thiền Minh Sát, phải chánh niệm từng giây phút, tỉnh giác ghi nhận không những tâm của mình mà còn phải ghi nhận luôn cả từng tư thế, hành động của thân thể, cảm thọ và các pháp. Đứng về phương pháp tu hành thì cách dụng công của thiền Minh Sát không khác gì chăn trâu của thiền tông. Chỉ có điều là mục đích hơi khác nhau. Mục đích của thiền Minh Sát là chứng ngộ được ba thực tướng của ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, và giải thoát khỏi lậu hoặc, phiền não, đạt đến Niết bàn. Còn mục đích của thiền tông là trở về hợp nhất với chân tâm.

Chân tâm và vô ngã liên quan mật thiết với nhau. Trở về chân tâm thì không còn ngã, cho nên đây là phương pháp thứ hai để tu vô ngã, dùng phủ định và xác định.

Để trở về chân tâm chúng ta có thể tu tập nương theo bốn câu của Lục tổ Huệ Năng nói về bổn tánh trong kinh Pháp Bảo Đàn (xem chương “Tâm”).

1. Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh.

2. Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt

3. Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ

4. Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động.

Câu thứ năm, “đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, chúng ta không cần dùng đến, vì đây là cái tánh năng khởi của tâm, chính cái tánh năng khởi này nó làm cho chúng sinh bất giác mê lầm, chạy theo vọng tưởng. Nhưng khi tỉnh giác trở về được bổn tánh thì nó biến thành diệu dụng, thần thông tự tại của chư Phật và Bồ tát.

Tự tánh tức là bổn tánh của tâm, nói tự tánh hay bổn tánh hay chân tâm đều giống nhau. Do đó chúng ta có thể lập ra phương châm dưới đây để tu hành:

1. Chân tâm vốn tự thanh tịnh, nên không ái luyến, nếu ái là ngã ái.

2. Chân tâm vốn không sanh diệt, nên không cần sợ hãi, nếu sợ là ngã sợ.

3. Chân tâm vốn tự đầy đủ, nên không ham muốn, nếu muốn là ngã muốn.

4. Chân tâm vốn không dao động, nên thường vắng lặng, nếu khởi niệm là ngã khởi.

Vai chính trong công việc tu hành là tâm. Khi tâm mê, quên bổn tánh thì nó trở thành vọng tâm, và vọng tâm tạo ra cái ngã (Ta), và ngã tiếp tục tạo ra hậu tánh là những tánh phiền não. Khi tâm ngộ, tỉnh giác, từ bỏ hậu tánh phiền não, tìm về bổn tánh thì tâm trở thành chân tâm. Giống như chuyện đứa cùng tử trong kinh Pháp Hoa. Có một đứa con nhà giàu, nhưng bỏ nhà đi chơi, chạy theo những đứa nhỏ khác rồi quên mất đường về. Từ từ nó quên luôn mình là con ông trưởng giả, sống đời lang thang ăn mày, moi thùng rác, ngủ đầu đường xó chợ. Qua bao năm tháng, ông trưởng giả cho người đi khắp nơi tìm con, cuối cùng tìm được, nhưng vì xa nhà lâu quá nó quên bẵng mình là con nhà giàu nên sợ sệt không dám về nhà. Thấy vậy người cha dụ khéo cho nó vào nhà làm quản gia để nó tập trở lại những thói quen trưởng giả. Dạy cho nó ăn mặc bảnh bao, đi đứng đàng hoàng, nói năng lịch sự. Nhưng ban đầu nó vẫn còn những tập khí ăn mày sau bao năm đi hoang, nên tuy ăn mặc đồ đẹp mà lại ngồi chồm hổm, ngồi bàn sang trọng mà lại vói tay bốc đồ ăn một cách thô lỗ như kẻ chết đói. Mỗi lần như thế, ông trưởng giả lại nhắc nhở nó phải từ bỏ những tánh ăn mày thì mới tiếp tục làm quản gia được. Thế rồi dần dần nó tập được những tánh mới lịch sự, và trở thành một người trưởng giả. Lúc đó ông trưởng giả mới họp tất cả mọi người lại và báo tin nó chính là đứa con đi hoang hồi xưa, nay ông đã tìm lại được và giao hết tài sản sự nghiệp cho nó quản lý.

Chúng ta cũng vậy, vì quên mất bổn tánh nên đi hoang, lang thang trong sinh tử luân hồi giống như đứa cùng tử (con nhà nghèo cùng) không biết gốc gác thực sự của mình là gì. Nay nhờ chư Phật, chư tổ chỉ dạy nguồn gốc của chúng ta chính là chân tâm thanh tịnh, tánh thật của chúng ta không phải là những tánh ái luyến, sợ hãi, ham muốn, dao động vọng tưởng lăng xăng, đó là những tánh ăn mày, là hậu tánh, là tánh ô nhiễm huân tập sau khi đi hoang.  Bây giờ chúng ta phải tập lại từ từ như đứa cùng tử, tập nhớ lại bổn tánh và từ bỏ hậu tánh.

1. Mỗi khi tâm ái luyến, thương người này, ghét người kia, tức người này, giận người nọ, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn thanh tịnh, và tập an trụ trong sự thanh tịnh. Cái hay thương ghét, giận hờn là hậu tánh, là thói quen ăn mày, du côn của cái ngã. Chỉ có cái ngã (Ta) mới ái luyến, yêu ghét, giận hờn, v.v...

2. Mỗi khi tâm sợ hãi, sợ chết, sợ ma, sợ chuột, v.v... thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn không sanh diệt. Tâm thực sự vô hình vô tướng, không bao giờ chết, không ai có thể bóp cổ, đâm chém hay giết được tâm. Vậy thì ai sợ hãi? Chính cái ngã sợ, vì vọng tâm chấp cái thân tứ đại là ngã (Ta) nên nó sợ cái thân bị chết, sợ ma bóp cổ cái thân, sợ chuột cắn cái thân. Sợ hãi là một tập khí sâu dày rất khó trừ, nó sâu hơn cả tham, sân, si, vì cái ngã rất sợ bị tiêu diệt.

3. Mỗi khi tâm ham muốn, thèm khát, ưa thích cái này cái kia như tiền của, sắc dục, danh vọng, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn tự đầy đủ, đâu cần những thứ đồ giả tạm, huyễn mộng, phù du này và hãy tập an trụ trong sự an nhàn biết đủ (tri túc thường lạc). Chỉ có cái ngã (Ta) mới thích ham muốn. Ham muốn, thèm khát, mong cầu là tập khí, thói quen của kẻ ăn mày, thiếu thốn. Những người giàu sang tỷ phú, triệu phú, mà tâm còn ham muốn, thèm khát đủ thứ thì đó vẫn là kẻ ăn mày. Tất cả những đồ vật trên thế gian này đều bắt nguồn từ tâm vô minh vọng động mà sinh ra. Tất cả đều do tâm biến hiện, tâm đã có đầy đủ tất cả, chỉ cần trở về bổn tánh, trong đó có vô lượng công đức của Pháp thân, tùy duyên ứng hiện. 

4. Mỗi khi tâm dao động, vọng tưởng suy nghĩ lăng xăng, hết chuyện này đến chuyện nọ, lo cái này chưa xong đã lo tới cái kia, thì hãy nhớ lại bổn tánh vốn không dao động, và tập an trụ trong sự vắng lặng của tâm. Nếu dao động thì đó là ai? Đó là vọng tâm, là ngã (Ta). Cái ngã phải lo làm ăn sinh sống, phải lo đối phó người này, người kia, thương người này, giận người nọ, v.v... Vì ngã lo nên làm tâm bị động, không cho tâm yên nghỉ một giây phút nào. 

Bệnh phiền não thông thường của người đời là tham lam, giận hờn và ganh ghét. Khi tham muốn khởi lên thì hãy nhớ lại bổn tánh của mình thanh tịnh đầy đủ, đâu cần ham muốn cái gì, vả lại cái gì tham? Ai tham, ai muốn? Hãy tập nhận diện ngay cái ngã. Khi giận hờn hay ganh ghét thì hãy nhớ lại bổn tánh của mình vốn thanh tịnh không dao động và cố gắng trở về bổn tánh. Nếu giận thì hãy tự hỏi Ai giận? Và nhận diện ngay chỉ có cái ngã mới biết giận, còn chân tâm thanh tịnh vô ngã làm sao biết giận! 

Muốn trở về chân tâm (vắng lặng) mà sao lại hành động theo vọng tâm, vọng tưởng, để những thói quen, tập khí của vọng tâm dẫn dắt? 

Càng tập nhớ bổn tánh, nhớ những đức tính của chân tâm và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ loại trừ được phiền não. Luôn nhớ bổn tánh tức là có chánh niệm, là sống với ông chủ, với chân tâm, với Phật tánh, và cùng lúc diệt trừ luôn được cái ngã.

Trích sách "Tâm và Ta" - TG: Thích Trí Siêu

Các tin tức khác

Back to top