Ngài xuất hiện như một vị tỳ kheo ôm bát vào thành, xin ăn từng nhà, rồi trở về dùng ngọ, ăn xong rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi. Thật là giản dị mà hung hồn xiết bao, bài thuyết pháp không lời ấy, khiến cho Tôn giả Tu Bồ Đề phải sụp lạy, khi Phật chưa mở miệng nói lời nào. Bởi vì tôn giả đã lãnh hội được diệu chỉ trong bấy nhiêu hành vi tầm thường ấy: ôm bát xin ăn, trở về rửa chân, ngồi. Đây là sự giáo hóa bằng chính sự sống của Ngài cho chúng xuất gia và tại gia đời mạt pháp. Ta có thể tóm tắt ý nghĩa sự giáo hóa ấy như sau:
1. Hãy nhớ mình là Kẻ xin ăn: Tất cả đều nên nhớ như vậy, dù tại gia hay xuất gia, giàu hay nghèo. Bởi vì không có gì thực sự là của ta, do công sức của ta 100%, dù ta có lao tâm lao lực suốt ngày để sống , dù ta có khả năng tự tạo được mọi thứ cần dùng cho mình như RobinsonCrusoe. Mọi người, vật trong thế giới tương quan với nhau một cách mật thiết, không một ai có thể sống biệt lập hoàn toàn không nhờ cậy ai. Tất cả chúng ta đều xin lẫn nhau và đều là khất sĩ. Khi nhận thức rõ như vậy, ta sẽ giảm trừ được nhiều thói xấu. Thứ nhất là thói kiêu căng ngã mạn, cậy tiền, cậy tài, cậy thế lực. Thứ hai là vô ơn, khi tự hào: “Ta đây không cần ai, ta tự làm ăn để nuôi sống, ” con người sẽ quên rằng mình nhờ ơn rất nhiều, nhờ ơn tất cả mới sống được. Thứ ba là xa hoa phung phí: khi cậy mình có của tiền, con người dễ dàng phung phí của cải, đi vào đường đọa lạc. Thứ tư là tham cầu không chán: cậy mình có tiền thì tham ăn ngon mặc đẹp. Người xin ăn trái lại không thể chọn lựa, nên bớt được sự ăn tham.
2. Nhớ trở về: Đức Phật ngay sau khi khất thực vừa đủ, liền trở về tinh xá để độ ngọ nghỉ ngơi. Chúng ta, những người tại gia xuất gia đời mạt pháp cũng nên làm như Ngài, là phải biết đủ để quay về. Thông thường con người không biết đủ, khi đã chạy theo sự mưu sinh thì suốt cả ngày, cả đời không còn nhớ tới chuyện dừng nghỉ. Mãi mãi theo đuổi dục vọng leo thang, con người biến sự sống thành một cảnh quay cuồng thác loạn, không còn có thể gọi là sống, mà chỉ gọi là hiện hữu như một cái xác chưa chôn hay một cái thây biết chạy. Sự sống mất hết thi vị, an lạc là do cuộc chạy đua này giữa cái thây còn cục cựa không bao giờ ngồi lại nghỉ mệt một cái mà cứ lăng xăng suốt buổi, suốt đời. Hình ảnh đức Phật Khất sĩ thật bình dị an lạc xiết bao: xin vừa đủ bữa thì trở về ăn, ăn xong rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.
3. Đạo ở ngay trong đời sống thường nhật, không phải là cái gì siêu phàm: ăn cơm, mặc áo, rửa chân v. v…những việc Phật làm ở đầu kinh Kim Cương đều là đạo. Đời không có gì đáng ưa hay đáng chán, chỉ có dục vọng tham lam kèm theo cuộc đời ấy mới đáng chán, đáng loại bỏ: cứ ăn uống làm việc ngủ nghỉ như thường, chỉ cốt đừng chạy theo dục vọng hay vọng tưởng là được. Nghĩa là hãy nhớ ngồi lại. Ngồi của Phật chính là ngồi thiền, cũng như tất cả động tác ăn mặc đi đứng nói im của Ngài đều là thiền định.
Trích "Khi Phật trải tòa" trong tác phẩm "Đường về" - Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Các tin tức khác
- Người giàu có và cái bát mẻ (17/10/2014 12:17)
- Chỗ ở của mình (16/10/2014 2:05)
- Ân đức của thầy (16/10/2014 1:48)
- Đề phòng (16/10/2014 1:44)
- Biết đủ thì an lành, cầu cạnh sinh khổ lụy (14/10/2014 9:59)
- Nghĩa và lợi (14/10/2014 9:40)
- Tâm hơn thua (14/10/2014 12:51)
- Đạo đức (14/10/2014 12:47)
- Tiếng rống sư tử trên tảng đá (14/10/2014 12:42)
- Không có miệng để thuyết pháp (11/10/2014 12:33)