Nếu như có một con người hoàn toàn do tinh huyết của cha mẹ sinh ra, không có cái thứ ba tham gia vào mà thành công như thế thì có những thuyết trái ngược dưới đây:
Thí dụ 1: Có ba cặp vợ chồng A, B, C cùng kết hôn trong một ngày, có tuổi tác, sức khỏe, nghề nghiệp, hoàn cảnh,… đều giống nhau. Sau mười năm vợ chồng anh A sinh được sáu con, vợ chồng anh B chỉ được hai con, còn vợ chồng anh C không có đứa con nào. Nếu như một con người chỉ do tinh cha huyết mẹ kết hợp thành, như thế ba cặp vợ chồng có các điều kiện giống đều phải có số lượng con cái giống nhau. Tại sao người nhiều con, một người ít con, còn một người thì không có đứa nào.
Thí dụ 2: Ông D có ba đứa con, người thứ nhất thì thông minh, người thứ hai thì rất hiền lành, người thứ ba thì rất tầm thường không có tánh nết gì đặc sắc. Ba người con này tuy cùng cha mẹ sanh ra, mặt mũi chúng cũng hơi giống nhau, tại sao tính tình của chúng thì hoàn toàn khác nhau.
Xem hai thí dụ trên thì có thể chứng minh là có trung ấm thân.
Giải thích thí dụ thứ nhất: Cặp vợ chồng ông A có nhiều con là vì có nhiều trung ấm thân có duyên phần với cặp vợ chồng này, vợ chồng ông B chỉ có hai đứa tức là vì chỉ có hai trung ấm thân cùng với vợ chồng này có duyên phần, vợ chồng ông C không có con là vì không có trung ấm thân nào có duyên phần với vợ chồng này (chỗ gọi là duyên phần là nhân của kiếp trước, nếu không là thân yêu thì là kẻ oán ghét).
Giải thích thí dụ hai: Ba đứa con tính tình khác nhau. Tức là duyên của ba cái thân trung ấm không giống nhau. Đến như tướng mạo hơi giống nhau là vì cùng một tinh cha huyết mẹ sinh ra. Nhà khoa học hiện nay cũng nói: Lai lịch con người trừ hai thứ tinh cha huyết mẹ ra nhất định còn có điều kiện thứ ba tham gia mới thành công chẳng qua chỗ dùng danh từ khác nhau mà thôi.
Cái trung ấm thân này chúng ta có thể trắc nghiệm được. Chúng ta ở nơi yên tĩnh một mình tĩnh tọa, đem tất cả ý niệm của mình ngừng lại, chẳng sinh khởi, thanh thanh tịnh tịnh. Tịnh đến lúc tất cả tư tưởng hoàn toàn không có chỉ còn riêng một điểm tri giác, tri giác này tức là trung ấm thân (cổ nhân có câu: “Người học đạo không biết cái chơn thực, chỉ vì ban đầu nhận thức thần nó là gốc sanh tử từ vô lượng kiếp, người ngu si nhận nó là bổn lai nhân”, tức là nói người tu hành nhận lầm trung ấm thân là Phật Tánh).
Người đời sau khi chết thì không có não cân nữa là vì trung ấm thân đã lìa bỏ người này rồi. Lúc đó tuy trung ấm thân không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (lục căn) nhưng kiến, văn, giác, tri vẫn còn (cho nên nói con người tuy chết mà tâm không chết). Trung ấm thân này tức là A Lại Da thức thứ tám, Phật Tánh cũng chứa trong thức này.
Sau khi trung ấm thân lìa bỏ nhục thể liền mê man hồ đồ chẳng thể tự mình làm chủ được, lúc này bèn lấy nghiệp làm chủ (xưa thiện tri thức có câu: “Muôn thứ đem đi chẳng được chỉ có nghiệp theo mình”).
Sau khi trung ấm thân bỏ xác thân rồi trong bốn mươi chín ngày liền phải đi đầu thai. Đi đầu thai vào chỗ nào còn phải xem người này đời trước hay cách hai, ba đời trước tạo nên nghiệp gì, đã gieo những chủng tử gì (hạt giống gì). Thứ nào thuần thục trước liền đầu thai vào chỗ đó, cổ nhân nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” là vậy.
Tình hình đầu thai cũng không ngoài tác dụng của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), thời gian cơ duyên thuần phục được sinh ra của trung ấm thân, nó thấy chỗ nào đầu thai được nó bèn đi đầu thai vào chỗ đó. Tùy nghiệp lực của nó dẫn dắt, ngó thấy con người trai gái giao cấu với nhau hoặc là loài vật tức là sắc; tiếp nạp sự tình này tức là thọ; khởi tâm động niệm tức là tưởng; tiến hành tham gia vào liền rơi vào trong bào thai vậy; thức tức là thành tựu nghiệp thức của nó (muốn biết tường tận thì phải đọc quyển Du Đà Sư Địa Luận), Kinh Viên Giác nói: “Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ bởi có bao nhiêu thứ ân ái tham dục cho nên có luân hồi”. Tất cả chủng tánh sinh ra các thế giới như: Sinh ra trứng, sinh ra thai, sinh ra bởi ẩm ướt, từ hóa sinh ra.
Vọng niệm của chúng ta lấy chánh tánh tức lấy tánh dâm dục làm mồi dẫn lửa của chúng sanh, chết đi lại sanh ra, sanh ra rồi lại chết đi luân hồi trong vòng bốn loài noãn, thai, thấp, hóa. Trung ấm thân có niệm dâm nặng thì thành ra thai con gái, niệm dâm nhẹ thì hiện ra con trai. Kiếp trước của trung ấm thân đọc nhiều sách, khi sinh ra sau này học hành đọc sách bèn có thông minh lớn. Kẻ kiếp trước có ấn tượng đặc biệt ít ỏi thì tư chất kiếp này cũng rất là ngu dốt. Một người có tánh hay giận dỗi phần nhiều là từ tiên thiên đem lại, có những thói quen đặc biệt cũng là từ trung ấm thân đem lại. Ấn tượng của nó đã đành là thâm căn cố đế hết sức đậm đà dầy đặc cho nên rất khó mà quét sạch, giống như tự mình chẳng làm chủ được mình, đây là duyên cớ bị huân nhiễm từ kiếp trước làm lụy.
Thiền sư Nguyệt Khê (Trích Nhân Sinh Quan Phật Giáo)
Các tin tức khác
- Nhân quả luân hồi (26/11/2014 4:13)
- Cú, Quạ tranh hùng (26/11/2014 12:34)
- Vẫn là câu hỏi "Tôi là ai?" (26/11/2014 12:27)
- Tự giáo dục (26/11/2014 12:00)
- Con người vĩ đại nhất là không ai cả (24/11/2014 9:19)
- Tại sao con người xấu xí (24/11/2014 4:20)
- Giữ giới cao hơn thiền định (23/11/2014 12:52)
- Đối phó với cái đau khi tọa thiền (23/11/2014 12:37)
- Ấn Độ: Sĩ quan công an tập thiền để ứng dụng trong công việc (21/11/2014 10:55)
- Lá thư cuối cùng của G. Ohsawa gửi môn sinh ở Mỹ (NY, 1965) (21/11/2014 10:16)