Giá trị của sự thành công

25/01/2015 3:30
Hồi xưa Âu Dương Tu là một quan lớn của nhà Tống. Ông đóng cửa miệt mài học hành, chịu cực chịu khổ, thiếu thốn trăm bề, kết quả được đỗ đạt cao. Sau ông được bổ nhiệm chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Tống. Gia đình ông có đặc điểm gia giáo thế này.

Có lần ông được nghỉ thời gian ngắn, mới về quê thăm mẹ. Hồi xưa đỗ đạt rồi có khi làm quan tại kinh đô năm mười năm chưa về quê một lần. Lần đó Âu Dương Tu về, mẹ ông mừng quá không ngủ được, ông cũng xúc động chẳng kém. Đêm đó được gần gũi mẹ, ông chăm chú nhìn từng cử chỉ của mẹ, nghe từng lời nói của mẹ. Bà kể lại chuyện ông già của ông ngày xưa. Cha ông lãnh nhiệm vụ tư pháp, về đêm ông luôn đốt đèn nghiên cứu giấy tờ đến một hai giờ khuya. Thỉnh thoảng ông chắc lưỡi, lắc đầu, nói nho nhỏ “Muốn cứu cho sống mà không sống được”. Đau xót khi thấy ông quá nhọc nhằn lại gặp những chuyện khó xử, bà bước ra thưa: “Khuya rồi sao ngài không nghỉ, lại còn than thở điều gì, dường như có việc bất như ý, tôi có thể chia sẻ được không?” Ông nói: “Không được”. Cả đời ông làm quan thanh liêm nên dạy dỗ con cái trong nhà rất nghiêm minh. Nhờ thế hầu hết các con của ông học hành đàng hoàng, thi cử đỗ đạt, nên mới có được Âu Dương Tu hôm nay.

Bà nói: “Hiện nay con là vị quan đứng đầu trăm quan, sinh mệnh của mọi người nằm trong tay con. Một lời nói của con, một nét bút của con ảnh hưởng đến sinh mạng của mọi người. Cho nên mẹ nhắc lại chuyện của cha con hồi xưa, truyền thống gia đình mình làm việc thanh liêm như vậy. Bây giờ con muốn xứng đáng là một người con hiếu thảo, làm rạng rỡ gia phong, giữ gìn mô phạm cho dòng họ thì phải nhớ noi theo hạnh đức của cha”. Đó là lần Âu Dương Tu học được bài học vô cùng quí báu của mẹ. Ông đã ghi lại công đức và phẩm chất cao đẹp của cha trên văn bia để con cháu muôn đời sau ghi nhớ và noi theo.

Chúng ta tu hành cốt phải thanh tịnh giải thoát. Đó là điều cao cả quí báu, không phải việc tầm thường. Dù muốn dù không, người Phật tử cũng hướng về chúng ta, nương tựa tu hành. Họ thương kính chúng ta, nên mới tôn sùng, lo lắng từng chút. Do đó ta không thể nào xem thường và có những sơ suất trong công việc của mình. Cho nên lúc nào mình cũng sáng suốt, gan dạ, thường xuyên trui luyện trí tuệ đạo đức, làm thế nào để xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, là người chịu trách nhiệm duy trì ngọn đèn Phật giữa cuộc đời này. Chúng ta cần phải thành khẩn, học hỏi gương xưa, xét nét lại chính mình để từng bước khắc phục những xấu dở, từng bước cố gắng thực hiện di huấn của các bậc cổ đức. Đó là nói về mô phạm.

Ngài Hoàng Long lại nói: “Khí ấm áp của mùa xuân, mùa hạ là đem lại sự sinh dục cho vạn vật. Giọt sương tuyết của mùa thu, mùa đông là đem lại sự thành thục cho vạn vật”. Các điều kiện thuận lợi tốt đẹp thường giúp cho chúng ta dễ thành công. Tuy nhiên, các nghịch duyên bất như ý giống như mùa thu mùa đông cũng rất cần thiết để thành thục cho chúng ta. Cổ nhân nói: “Người sở dĩ thành công không phải ở trong sự vi diệu dễ dàng, mà ở từ khó khăn, rắn rỏi, cực nhọc. Và cái thành công có giá trị nhất là thành công từ sự khó khăn”. Cây sống trên gò cao, chỗ đất xấu cằn cõi thì gỗ của nó cứng chắc, rất có giá trị. Cây mọc ở những chỗ đất mùn tốt, đầy đủ điều kiện phát triển nhanh, thì gỗ của nó bộp, không phải gỗ quí. Giá trị của sự thành công từ chỗ khó khăn. Càng khó khăn chừng nào sự thành công càng có giá trị cao chừng nấy. Những thành công dễ dàng quá, e rằng đó là những cái bẫy. Chúng ta hớ một chút, sự thành công ấy sẽ đẩy sụp xuống hầm xuống hố, khó lường được. Cho nên sự thành công có được từ những điều kiện thuận lợi dễ dàng đáng cho chúng ta lo sợ, không biết nó sẽ đổ vỡ lúc nào. Người tu cần phải có cái nhìn thấu tột, vững vàng như vậy.

Lời dạy của thiền sư Hoàng Long Huệ Nam - HT. Thích Nhật Quang

Các tin tức khác

Back to top