Đây là khúc sông cạn mà chú đã dọ dẫm kỹ lắm. Đáy sông lại không có những đá nhọn lởm chởm có thể làm chân trâu bị thương. Bên kia sông, qua khu rừng có những cội bồ đề râm mát là tới đồng cỏ rộng. Mùa này, sau những cơn mưa, cỏ non vươn lên xanh mướt, đàn trâu gồm bảy con mà chú có bổn phận chăm sóc tha hồ ăn uống no nê sau những giờ cực nhọc cày bừa ngoài đồng lúa.
Chú rất may mắn được có công việc chăn đàn trâu này cho ông trưởng giả trong làng để có bột mì, bắp khô và muối mè nuôi các em khi cha mẹ đều mất sớm. Mà chú nào đã lớn mạnh gì cho cam, mới mười tuổi đầu đã phải vừa làm cha, vừa làm mẹ! Chính tình cảnh này mới được ông trưởng giả thương tình, cho chăn trâu thử. Chú biết, công việc này rất quan trọng cho sự sống còn của mấy anh chị em nên chú hết sức cẩn trọng. Không chỉ chăm sóc trâu kỹ lưỡng ngoài đồng mà trước khi lùa trâu về, chú còn hái đầy hai sọt cỏ non để ban đêm trâu nhẩn nha ăn tiếp. Chỉ sau tuần lễ đầu, ông trưởng giả đã hài lòng, giao cho chú trọn công việc.
Cũng nơi đồng cỏ thuộc khu làng Uruvela, tây nam Ấn Độ, chú mục đồng đã nhìn thấy một vị sa-môn ngồi thiền dưới cội bồ đề bên kia sông. Qua dòng sông cạn, đàn trâu quen lối đã thong thả đi về cánh đồng cỏ mà chú còn đứng sững nhìn vị sa môn ngồi tĩnh lặng, khép mắt. Chú đã từng thấy nhiều vị sa môn đi qua làng, tu tập hay ngủ đêm trong rừng nhưng chưa thấy ai ngồi thiền đẹp và trang nghiêm, thanh thoát như thế.
Phút giây đó đã thành thiên thu
Vì vị sa-môn ngồi thiền đẹp như tượng vẽ đó sẽ chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Và chú mục đồng nghèo khó sẽ chính là Đại Đức Cát Tường trong tăng đoàn đầu tiên của Đức Thế Tôn.
Mười năm, sau khi đạt đạo, Đức Phật đã trở lại ngôi làng xưa, thực hiện lời hứa với chú bé chăn trâu, người bạn trẻ mỗi ngày đều cúng dường cỏ non để Ngài trải làm tọa cụ trong suốt thời gian thiền định ở rừng bồ đề. Thời gian mười năm là để đứa em trai kế của chú đủ sức thay anh chăn trâu, nuôi hai đứa em gái nhỏ.
Năm đó, Cát Tường vừa hai mươi tuổi, được nhập tăng đoàn, cùng lên đường hướng về thành Vương Xá.
Trong một buổi thuyết giảng ở tu viện Trúc Lâm, Đức Phật đã yên lặng, nhìn khắp đại chúng, rồi ánh mắt Ngài dừng lại nơi vị khất sĩ trẻ. Cát Tường cảm nhận nơi ánh mắt đó bao nhiêu là kỷ niệm thân thương của mười năm trước nơi cánh rừng bồ đề. Và rồi, Đức Phật cất giọng trầm hùng:
“Này các vị tỳ-kheo, hôm nay tôi muốn nói với quý vị về nghệ thuật chăn trâu. Một em bé chăn trâu giỏi có thể là một tu sĩ giỏi. Tại sao thế? Này, các vị hãy nghe đây: Em bé chăn trâu giỏi biết nhận ra trâu của mình, cũng như người tu sĩ giỏi nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân. Em bé chăn trâu giỏi biết được hình tướng mỗi con trâu trong đàn, cũng như người tu sĩ giỏi thấy được những hành động nào của thân, miệng, ý là đáng làm hay không đáng làm. Em bé chăn trâu giỏi biết cách cọ xát, tắm rửa cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết buông xả, gột rửa thân tâm khỏi tham dục si mê. Em bé chăn trâu giỏi biết chăm sóc các vết thương cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết hộ trì sáu căn để sáu trần không lung lạc được. Em bé chăn trâu giỏi biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt, cũng như người tu sĩ giỏi biết đem giáo lý giải thoát trao truyền cho người xung quanh để họ khỏi khổ đau dằn vặt. Em bé chăn trâu giỏi biết tìm đường đi an toàn cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết tránh những lối đi dẫn tới danh lợi, sắc dục, sân hận. Em bé chăn trâu giỏi biết thương yêu trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết quý trọng niềm vui thiền tập. Em bé chăn trâu giỏi biết tìm bến tốt cho trâu qua sông, cũng như người tu sĩ giỏi biết nương vào Tứ Diệu Đế. Em bé chăn trâu giỏi biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết Bốn Lãnh Vực là mảnh đất tốt để phát sinh giải thoát. Em bé chăn trâu giỏi biết bảo trì những vùng thả trâu, cũng như người tu sĩ giỏi biết cẩn thận khi tiếp xúc với quần chúng và nhận sự cúng dường. Em bé chăn trâu giỏi biết dùng con trâu lớn làm gương cho những trâu con, cũng như người tu sĩ giỏi biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của những vị thầy đi trước.
Này các vị tỳ-kheo, một tu sĩ thực hành được mười một điều trên, có thể đạt quả vị A La Hán”.
Buổi pháp thoại này, sau đó, được đại đức Ananda trùng tuyên và cùng các trưởng lão trong tăng đoàn soạn thành bổn “Phật thuyết về nghệ thuật chăn trâu”.
Hình ảnh đàn trâu nương nhau, vững tin, thanh thản và an lạc vượt sông để qua bờ bên kia, nơi có cỏ non, nước mát là một hình ảnh cảm động và tuyệt đẹp. Nhưng để có niềm tin, thanh thản và an lạc đó, chúng ta phải được sự hướng dẫn phát xuất từ lòng thương yêu rộng lớn, sự tận tụy bền bỉ, tâm vị tha bình đẳng. Đức Phật là tiêu biểu tuyệt hảo về Từ, Bi, Hỷ Xả. Đó là Tứ Vô Lượng Tâm toàn bích, không một tỳ vết, thể hiện qua suốt cuộc đời thị hiện ta-bà của Ngài.
Suốt hơn bốn thập niên hoằng truyền đạo pháp, Đức Phật đã đến với mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua quan, trưởng giả, cung tần mỹ nữ, tướng sĩ, thương buôn, tới nghèo hèn, nô lệ, kẻ ác người hiền, từ người lớn tới trẻ nhỏ, từ gia đình đông đúc tới kẻ hiu quạnh cô đơn …
Tại sao Đức Phật phải mở trái tim từ bi rộng lớn đến thế? Vì sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, phá tan ma quân, tìm ra con đường thoát khổ, Ngài đã rõ cánh cửa ngục vô minh kiên cố từng giam hãm mọi loài đã không trừ một ai. Mọi hạng người trong xã hội đều có những khổ đau riêng, những khổ đau thường rất sâu kín vì họ phải che dấu để sống trong sự bình an giả tưởng. Cái gì giả tưởng, trước sau rồi sẽ tan vỡ; và che dấu càng lâu, sự tan vỡ càng khốn đốn, nhưng không biết lối thoát nên nhân loại vẫn tiếp nối nhau lăn trôi trong trầm luân.
Sau khi nhìn rõ mặt mũi tên cai ngục Vô Minh, Đức Phật đã thiền hành quanh một hồ sen và quán chiếu. Có những bông sen còn hàm tiếu, có bông đã nở rộ, có lá vươn cao, có lá còn nằm trên mặt nước. Đức Phật biết, căn cơ thế gian cũng như thế. Muốn giáo hóa họ, Ngài phải tùy duyên mà độ. Đến với vua, phải hiểu cương vị và tâm trạng nhà vua; đến với dân, phải hiểu hoàn cảnh và nỗi lòng thứ dân; đến với người già phải thấu niềm đau người già; đến với trẻ nhỏ phải hòa đồng sự thơ ngây của trẻ nhỏ …
Khó khăn như thế nên Ma Vương đã tới, yêu cầu Đức Phật nhập Niết Bàn.
Vì thương tưởng chúng sanh, Ngài đã thẳng thắn từ chối.
Và Đức Phật cất bước.
Nhập thế.
Mang đạo vào đời.
Tới bất cứ nơi khổ đau nào có thể tới.
Độ bất cứ hạng người nào có thể độ.
Bố thí tất cả những gì có thể cho.
Nói lên tất cả sự thật cần phải nói.
Con đường Trung Đạo cứu khổ đã vạch ra.
Chỉ có bước tới mà không lùi.
Chỉ có dũng mãnh mà không sợ hãi.
Trong sáng, an nhiên trước thị phi dối trá.
Bình thản, vững tin trước âm mưu lọc lừa.
Từ bi hỷ xả trước gian manh độc ác.
Bởi vì:
Kẻ thù là sự vô minh.
Con người là nạn nhân của sự vô minh.
Nạn nhân nào cũng đáng thương như nhau.
Nạn nhân nào cũng đáng được độ dưới cái nhìn từ bi của Đạo Phật.
Những Tăng Đoàn liễu nghĩa lời Phật dạy, Đã và Đang theo dấu chân Đức Thế Tôn, NHẬP THẾ ĐỘ ĐỜI chứ không chỉ làm Thanh Văn, Duyên Giác. Nhập thế bằng Trí Tuệ. Lặng thinh trước thị phi. Dũng mãnh đi trên đường Phật đi, mới thật sự là đền ơn chư Phật.
Những Tăng Đoàn đó, mang tinh thần vị tha bình đẳng, đã và đang mở rộng trái tim, bước những bước chân chánh niệm từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, độ hết những ai cầu được độ.
Những Tăng Đoàn đó, đã và đang noi gương chư Phật, chỉ dùng thì giờ để độ đời, không gì đáng làm, đáng nói hơn nữa. Vì làm gì mà không hướng mục đích độ đời cũng chỉ là tham vọng vị kỷ ảo tưởng, là lâu đài trên cát; nói gì mà không là lời chỉ dẫn người thoát khổ cũng chỉ là vọng ngôn.
May thay, giữa bao lâu đài trên cát, giữa bao kẻ mê cuồng vọng ngôn vẫn còn những Tăng Đoàn, lặng-thinh-Bát-Nhã, bi-tráng-tâm-hương để HÀNH THEO HẠNH PHẬT.
(Phật Giáo Đại Chúng)
Các tin tức khác
- Tu nhà (25/01/2013 11:59)
- Kinh nghiệm - Trãi nghiệm (24/01/2013 6:33)
- Mẫu số chung của khổ đau (22/01/2013 11:35)
- Những điều có lợi cho sức khỏe (21/01/2013 9:07)
- Bát chánh đạo của Phật tử Lê Phước Vũ (20/01/2013 6:14)
- Vô ngã (17/01/2013 9:01)
- Nơi tình yêu thương đong đầy (17/01/2013 1:24)
- Thân là khổ (16/01/2013 2:37)
- Niệm Phật tiêu nghiệp chướng (14/01/2013 5:32)
- Nhìn thấu là trí tuệ chân thật (14/01/2013 5:26)