Giải thoát tri kiến

23/02/2015 12:47
Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật dạy: “Tánh giác tức minh vọng vi minh giác”. Tức là cái giác ở trong tự tánh của mình tự nó vốn là sáng suốt nhưng người mê không rõ, lại vọng sanh ra một cái sáng khác để soi sáng trở lại cái giác đó, lập thêm một cái sáng ở trên cái giác, biến cái giác sẵn có đó thành cái giác thứ hai để mình soi sáng.

Thí dụ khi nghe nói mỗi người đều có Phật tánh, Phật tánh vốn sáng suốt không có mê, liền cố suy tìm, quán sát để soi sáng trở lại nó. Chúng ta nghĩ hiện giờ Phật tánh còn mê, nên phải soi cho nó sáng lên. Mà soi sáng để cho nó sáng lên tức là hiện nó còn đang tối, mà nếu nó tối thì đâu phải Phật tánh. Như vậy là biến Phật tánh thành đối tượng thứ hai để soi sáng, tức là nó thành cái bóng rồi. Chúng ta soi nó để cho nó sáng lên, gọi là thêm một cái sáng để mà soi sáng lại cái Phật tánh. Như vậy thành ra Phật tánh lu mờ, chứ đúng là Phật tánh vốn tự sáng suốt, nhưng do chúng ta mê nên không nhận ra.

Tu là bỏ bớt những cái mê, những cái thêm vào đó. Thí dụ, như cái gương, thường cái gương bị bụi đóng thì chúng ta phải chùi, mà chùi cái đó là chùi cái gì? Người ta hay nói là chùi gương, lau gương. Là do lâu ngày dùng danh từ như vậy thành ra quen, nói đúng là lau bụi chứ đâu phải lau gương. Nếu cái gương lau được thì bị tối trở lại. Cho nên bản chất của cái gương là sáng, bụi chỉ đóng ở lớp bên ngoài. Chúng ta lau đó là lau bụi, hết lớp bụi này thì gương nó tự sáng, chứ không phải do lau mà nó thành sáng.

Nhận định cho kỹ lại thì thấy rõ chúng ta dùng danh từ chưa chính xác. Thì đây cũng vậy, Phật tánh là tánh giác, tánh giác là tự nó sáng rồi. Nhưng do chúng ta mê, mê tức là những thứ vọng tưởng phiền não nhiều nên che. Nó che cho nên không nhận ra được Phật tánh, giờ tu để bỏ bớt những cái này chỉ còn lại Phật tánh sáng suốt. Đừng hiểu lầm, tưởng đâu là nó không sáng rồi cố soi sáng thì đã biến nó thành đối tượng thứ hai cho chúng ta soi nó, vậy thì thêm cái gì để soi lại nó nữa, thành ra có hai cái Phật tánh, một cái Phật tánh thì bị soi sáng, một cái Phật tánh thì hay soi sáng lại nó, vậy thì cái nào là thật? Ở đây, khi hiểu rồi thì biết tu là loại ra những cái không phải nó, những cái thêm vào nó, thì tự nó sáng mà không lầm lẫn.

Có một câu chuyện của Phật giáo Tây Tạng: Một vị tu sĩ tu bằng cách là thường đi nhiễu vòng quanh tu viện Linh Thiêng. Tu viện này được truyền rất là linh thiêng, nếu ai đi vòng quanh tu viện được bao nhiêu số vòng thì sẽ phát triển được tri kiến của bậc Thánh. Vị tu sĩ này tu tập như vậy.

Một hôm, đang đi quanh thì vị tăng bỗng gặp Thầy Viện chủ tu viện. Thấy vậy, Ngài mới vỗ lưng tu sĩ này bảo: “Thật ra, đi vòng quanh một thánh địa như vậy thì cũng tốt đó! Nhưng nếu muốn tốt hơn nữa thì thầy nên tu học về yếu tính của Phật pháp (những điều trọng yếu trong Phật pháp)”. Vị tăng nghe xong liền chuyển qua đọc, tụng thuộc lòng kinh điển. Không lâu lại gặp Thầy Viện chủ nữa, Ngài lại vỗ lưng vị tu sĩ nói: “Đọc tụng kinh điển như vậy cũng hay quá đó nhưng nếu hay hơn nữa thì nên tu học Phật pháp bao trùm rộng khắp”. Vị tăng nghe vậy mới suy nghĩ, tu học Phật pháp mà bao trùm rộng khắp thì tu sao đây? Thầy chuyển qua tu thiền định, luôn chuyên tâm thiền định ngồi không nhúc nhích.

Một hôm, đang ngồi thiền định trong một góc của tu viện, im lìm cố giữ tâm không sanh nghĩ ngợi, thì Thầy Viện chủ này bỗng đến, bảo: “Con đang thiền định đấy ư! Cũng rất hay đó! Nhưng tu tập cho đúng Phật pháp đích thực thì tốt hơn”. Vị tăng không hiểu tu làm sao mà gọi là Phật pháp đích thực. Thiền định như vậy mà Ngài còn bảo là phải tu Phật pháp đúng đích thực, thầy không biết làm sao nữa, mà tâm cũng không còn chỗ nào để suy nghĩ bám lấy, nên mới thưa: “Dạ, bạch thầy, con phải làm gì đây?”. Thầy Viện chủ bảo: “À! Thì con hãy buông bỏ hết những gì mà con đang bám giữ, lúc đó con chính là con và cái đơn giản này là bước khởi đầu mà cũng là mục đích cuối cùng”.

Nghĩa là con hãy buông bỏ hết những gì con đang bám giữ, tức buông hết những cái vay mượn. Khi những cái vay mượn đã buông ra hết, còn lại cái không thể buông ra nữa, đó mới chính là con. Vì có đem vào cho nên buông ra được, còn đến lúc không còn gì để buông nữa thì còn lại cái đó mới là chân thật chính mình. Và cái đơn giản này là bước khởi đầu cũng là mục đích cuối cùng chứ không gì khác.

Vậy là yếu chỉ để trở về nguồn chân hay là trở về tri kiến chân thật rất là đơn giản, không thêm vào nhiều tri kiến, hay cái hiểu biết cao siêu gì khác mà chỉ là bớt ra để không nhận những thứ đem vào đó là ta, không lầm những cái đó, còn lại cái gì đó thì mới gọi là tri kiến chân thật của chính mình. Chỉ cần một điểm này thôi, thì đủ cho tất cả mọi người thành tựu được tri kiến giải thoát, không có vướng mắt, không kẹt vào những tri kiến vay mượn. Nó không có vướng mắc cái gì thì đó gọi là tri kiến giải thoát.

Vậy, vẫn thấy nghe biết hiểu nhưng đừng có dán nhãn hiệu cái “tôi” vào thì nó sáng suốt không bóp méo sự thật. Mong tất cả luôn có tri kiến giải thoát để có cái nhìn các pháp tự tại sáng suốt, gỡ hết những cặp kiếng màu đi để nhìn đúng sự thật. Tức là hãy buông bỏ những gì đang bám giữ, ngay cả những lời đang nói đây cũng buông, còn lại chính mình mới chân thật.

Trích bài viết cùng tên - TT.Thích Thông Phương

Các tin tức khác

Back to top