Tôi thấy tiên sư Hoàng Long bốn mươi năm ra đời làm việc lợi sinh, khi nói khi nín, khi động khi tĩnh, chưa bao giờ ngài dùng nhan sắc để làm vui, dùng lễ mạo cho thích hợp và dùng văn tài để lao lung các tăng sĩ đương thời. Trong chúng quả như có ai là người có kiến thức, muốn noi theo đạo lý chân thực thì ngài uốn nắn cho thành thục. Sự thận trọng của ngài thực được như thể cách của cổ nhân, các nơi ít có vị nào sánh kịp. Ngày nay tôi đối với chúng, sự gì cũng đều theo như pháp ấy.
Ở đây ngài Chân Tịnh nhắc lại thể cách của sư phụ là ngài Hoàng Long Huệ Nam. Sư phụ ngài là người chân chính, thương chúng, dùng đạo đức chân thực để uốn nắn người, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà tác thành cho họ. Biết rõ ưu khuyết từng người, vì thương họ mà dùng phương tiện đạo lý sáng suốt để hướng dẫn họ trở thành người hữu dụng. Đó là một vị thầy gương mẫu đương thời. Vì vậy ngài Chân Tịnh khi ra làm Phật sự dù lớn dù nhỏ, cũng đều hướng theo thể cách của sư phụ.
Ngài Chân Tịnh khi ở chùa Bảo Ninh, ông Thư Vương làm lễ trai tăng và cúng ngài một tấm lụa noãn. Ngài hỏi vị tăng thị giả: “Đó là vật gì?”. Vị tăng đáp: “Đây là thứ lụa tốt”. Ngài Chân Tịnh lại hỏi: “Dùng làm gì?”. Vị tăng đáp: “Có thể may ca sa”. Ngài Chân Tịnh chỉ vào tấm y vải tăng già lê và nói: “Bình thường tôi vẫn mặc tấm y này, người ta trông thấy cũng chẳng ai hiềm ghét gì”. Ngài liền sai đem giao cho vị coi kho bán đi, lấy tiền cúng dường chúng tăng. Ngài không may mặc những phục sức như thế.
Ngài Chân Tịnh được một vị Thư Vương tức Vương An Thạch, từng làm tể tướng đời Tống Huy Tông, cúng dường một tấm lụa đặc biệt. Thị giả nói vải này nếu may y đắp thì mát lắm. Ngài lắc đầu chỉ vào cái y cũ bảo: “Bình thường tôi đắp y này, mọi người thấy cũng không chê hiềm gì, cần chi phải đắp y lụa”. Sau đó ngài giao tấm vải trên cho tri sự bán, lấy tiền cúng dường đại chúng.
Qua việc này, chúng ta học được một kinh nghiệm trong đời sống tu hành. Thật ra những vùng nóng bức như chúng ta mà được mặc loại vải nhẹ mát thì thích lắm. Nhưng đối với ngài thì không được. Người tu, nhất là sống chung trong tập thể, không vì sở thích riêng của mình mà thọ hưởng nhiều hơn hoặc sống biệt lập với đại chúng. Nhiều người nghĩ người ta cúng cho mình thì mình xài, đâu có gì. Nhưng trên phương diện đạo đức, cần tự xét nét chỉnh đốn tâm ý của mình, không nên hướng theo vật chất, mong cầu thụ hưởng, chỉ gánh thêm nợ nần, chớ không có lợi ích gì cả.
Đức Phật dạy Tỳ-kheo chỉ giữ ba y, mình nên vâng theo như vậy hoặc có chừng hai y cũng đủ rồi. Nhiều hơn nữa thì chia sớt cho thiên hạ, đặt nó vào trong chỗ dùng tập thể, có ích lợi chung, đừng nghĩ đến chuyện riêng tư. Như vậy chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp tăng, độ chúng. Nếu ông thầy ưa thích riêng tư cho đẹp, thỏa ý thích của mình cũng không ai nói gì, nhưng sau này đệ tử nó bắt chước, không thể dạy dỗ được. Nếu ông thầy khắc kỷ nghiêm thân, sau này đệ tử muốn dùng những thứ tốt đẹp, nó nhớ lại hồi đó thầy mình không dùng như vậy, nên bây giờ cũng không nên dùng. Thành thử không những đạo hạnh của chúng ta trong sáng mà luôn cả thể cách, những sinh hoạt chung quanh đời sống lúc nào cũng sáng, cũng gạn đục khơi trong.
Tại sao phải như vậy? Bởi vì người tu là vị đại diện cho đạo đức, cho đời sống thanh tịnh giải thoát, nên những gì làm tổn thương đạo đức, mất phẩm hạnh thì đừng bao giờ chúng ta để nó di hại, phạm đến đời sống thanh tịnh giải thoát của mình. Đó là điều người xưa răn nhắc chúng ta bằng cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.
Ngài Chân Tịnh nói với ông Thư Vương: “Hằng ngày những việc phải thì ra sức làm, những việc trái thì cố ngăn tránh, chứ không nên lấy sự khó dễ mà thay đổi tâm chí. Nếu ngày nay cho là khó, lắc đầu ngoảnh đi biết đâu ngày kia lại có việc chẳng khó hơn ngày nay ư ?”
Đây là những lời dạy bình thường mà vô cùng quan trọng, có giá trị quyết định công phu tu hành của chúng ta. Thư Vương là quan tể tướng, nhưng ngài không nói những đạo lý cao siêu thế này thế kia, chỉ nói những điều rất bình thường trong đời sống. Việc nào nên làm thì gia sức làm, việc nào trái thì ngăn tránh đừng làm, không nên lấy sự khó dễ mà thay đổi tâm chí. Nếu ngày nay cho là khó, lắc đầu không làm, thì biết đâu ngày mai lại có những việc khó hơn! Cho nên phải tranh thủ ngay bây giờ, những gì có thể làm được, có ích lợi cho chúng nhân, cho mọi người thì hết sức làm. Những gì không có lợi ích cho tập thể, chỉ cung cấp cho lợi ích cá nhân thì bớt đi, để khỏi mất thì giờ vì chuyện vật chất tầm thường. Đời sống người tu cần phải giản dị. Được như vậy mới đúng với tinh thần Phật dạy.\
NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Chân Tịnh Văn - HT. Thích Nhật Quang
Các tin tức khác
- Vị sa môn nhàn tịnh (15/03/2015 5:15)
- Hãy buông xả tự nhiên (14/03/2015 1:00)
- Có thể bao dung được (14/03/2015 12:55)
- Chuyên cần (13/03/2015 5:09)
- Vua Càn Long và Kỷ Hiểu Lan (13/03/2015 1:28)
- Lẽ đương nhiên (13/03/2015 1:24)
- Con vật nào mạnh hơn (11/03/2015 5:22)
- Kinh rùa mù tìm bộng cây (11/03/2015 5:17)
- Mây mưa (11/03/2015 5:06)
- Con đường xử thế (10/03/2015 7:42)