Nhất ý là làm chủ được ý nghĩ, tập trung vào một việc. Tổ dạy người học đạo chí cần hướng về một chỗ, lâu không thoái chuyển, tất nhiên ngày kia diệu đạo sẽ đến. Điều này qua kinh nghiệm ngồi thiền chúng tôi thấy thế này, thường thường buổi ngồi thiền đầu đêm, từ bảy giờ rưởi đến chín giờ nhọc nhằn lắm, trong khi buổi khuya ngồi hai tiếng thấy khoẻ hơn. Đó là do buổi khuya trời mát, sau một giấc ngủ đầy, tâm ý chúng ta chuyên nhất, còn buổi tối sau một ngày làm việc mệt nhọc, lại thêm khí hậu nóng nực, khiến cho tâm ý không chuyên nhất, vì vậy ngồi thiền thấy nhọc. Ngồi thiền mà ý không chuyên nhất, để cho vọng tưởng kéo đi lung tung đầu này đầu kia, thì khoảng chừng mười lăm phút sau là bắt đầu gục. Từ những sợi tơ nhẹ nhàng của vọng tưởng dẫn mình tới chỗ u ám, không làm chủ được, trước sau gì cũng ngủ gục. Gục được một cái rồi thì bắt đầu gục liên miên không gượng nổi. Mở mắt lớn lên cũng không gượng được, nhìn tới nhìn lui, lắc đầu qua lại, nhướn thẳng người lên… đều không gượng được. Cho đến khi nào mình bật ngửa ra nó mới chịu tỉnh. Chừng đó thì quê quá rồi!
Đó là một kinh nghiệm trong đời tu hành của chúng ta. Nếu mình chưa chuyên nhất, không siêng năng trong công phu, sống lơ mơ lang mang giống như người không có chủ định, ngồi thiền dễ dẫn đến ngủ gục. Người xưa nói “Việc lớn chưa sáng, không có lòng nào nằm đó ngủ”. Việc lớn chưa sáng giống như người tử tội sắp bị hành hình, không còn lòng dạ nào mà vui vẻ, thích thú đi đây đi đó. Nếu chúng ta có đi đây đi đó là vì công việc bất đắc dĩ phải làm, chứ thật sự trong lòng lúc nào cũng áy náy, đắn đo, lo sợ. Mỗi lần đi như vậy là mỗi lần tan loãng ý chí, công phu, đạo lực. Rõ ràng công việc nhiều thì công phu loãng, nên ai rủ làm gì cũng làm, kêu đi đâu cũng đi.
Trong kinh có câu “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là người trụ tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Câu này na ná như câu tục ngữ trong dân gian “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Muốn một nghề tinh thông thì phải chuyên một nghề đó thôi, chứ bá nghệ lấp vô thì không có cơm ăn. Việc tu hành của chúng ta cũng thế. Phật nói vô lượng pháp môn tuỳ theo căn cơ của chúng sanh. Chúng ta xét kỹ thấy pháp môn nào thích hợp với mình thì tu theo pháp môn đó. Như vậy mới chuyên tâm nhất ý tu hành, không bị vọng tưởng dẫn đi lơ mơ lan man. Người làm chủ được mình thì ngày và đêm đều làm chủ. Người không làm chủ được mình, ban ngày có thể dấu kín những vọng tưởng lăng xăng, nhưng đến tối nằm ngủ nói mớ, tự động khai ra hết.
Hồi đó tôi có một người huynh đệ, ban ngày làm gì nghĩ gì tối ổng nói ra hết. Sáng ra tôi kể lại, ông chối phắt. Cho nên tối tôi để máy thâu, sáng phát ra cho ông nghe mới chịu im. Lần đó đang học, mấy người bạn rủ đi Cần Thơ chơi, trong đoàn có Phật tử nữ nữa. Anh đi không xin phép nhà trường, huynh đệ không ai hay biết gì, đi như vậy cả tuần lễ. Tới hồi về hỏi không nói. Bữa đó ngủ, ông khui chuyện Cần Thơ, tôi mở máy thâu. Ông kể vô vườn ăn trái cây vui quá, đi chơi đầu này đầu nọ, thăm viếng những chỗ hồi nào tới giờ chưa từng đến, thích thú biết bao nhiêu. Nói xong tôi kêu dậy, mở băng ra. Hết chối rồi nghe!
Đó là gì? Do ý thức đưa các hình ảnh bên ngoài vào dự trữ trong tàng thức. Tối đến trong kho nó tuôn ra, tuôn không có trật tự gì hết. Do đó có những điều đương sự không muốn nó ra mà nó vẫn ra. Thực sự trong đời sống riêng tư, có những điều mình không dám nói với ai, kể cả mẹ mình. Mẹ là người gần gũi, tin cậy nhất, là nơi nương tựa vững vàng của mình, nhưng cũng có những việc mình không dám nói cho mẹ biết. Ấy thế nhưng trong lúc ngủ mê nói mớ, mình khui hết ráo, không giấu diếm điều gì. Đó là vì chúng ta chưa làm chủ được vọng tưởng, chưa chuyên nhất trong việc tu hành.
Chúng ta thả trôi một thời gian dài bởi những việc làm không cần thiết. Có ý mà không có chí, chỉ làm theo cảm hứng, theo tập nghiệp nên công phu tu hành chẳng đi đến đâu. Người từng bước khắc phục khó khăn, có đời sống tâm linh vững vàng là người có chí. Có chí cộng thêm ý nữa tức là sự sáng suốt. Hai điều này hợp lại thì sự thành công rất có giá trị. Cho nên người tu cần phải có ý chí. Làm chủ được cái ý, kết hợp được cái chí, từ đó trui luyện ý chí. Ý chí bổ sung cho trí tuệ chúng ta phát triển sáng suốt, như vậy không có việc làm nào không thành công. Cho nên người tu đòi hỏi ý chí phải mạnh, nếu ý chí yếu một chút là dễ bỏ đạo lắm.
Có những trường hợp rất giản dị, nhưng nếu không có ý chí thì khắc phục không được. Ví dụ hôm đó mình làm việc cả ngày, khuya lại phải ngồi thiền từ ba giờ tới năm giờ. Thời khoá này không thể bỏ được. Mọi người nghe kiểng hô thiền, ngồi ngay ngắn, vị giám thiền xách thiền trượng đi, ông nào gục là đánh thức liền. Biết như vậy nhưng bữa đó mình mệt, mắt nhắm mắt mở, ngồi lừng xừng một hồi không thắng được, nó gục. Ma ngủ tới rồi mình có trăm ngàn lý do để nghe theo nó. Hôm nay mình mệt quá, ở riêng một mình, chắc ngủ cũng không ai biết. Mấy ông trạng sư bảo vệ một hồi, mình nằm xuống ngáy pho pho. Buổi khuya nằm xuống ngáy nó nhanh ơi là nhanh, sao mới ngủ đó mà nghe kiểng xả thiền rồi. Nhưng nếu ngồi gật gù thì nó lâu lắc, nghe từng tiếng tích tắc của đồng hồ. Thành ra một khi mình dễ duôi, không có ý chí thì việc tu tập không tiến được.
Chẳng những hàng xuất gia phải nuôi dưỡng ý chí mà luôn cả hàng Phật tử tại gia cũng như thế. Các Phật tử lại càng khó khăn hơn hàng xuất gia, họ lo trăm ngàn thứ việc, đôi khi ngay giờ tu lại có việc nữa. Cho nên họ luôn đứng giữa ngã ba đường, không biết đi hướng nào, giải quyết ra sao. Như tới giờ ngồi thiền có chương trình đá banh chung kết thì chết rồi. Cả tháng nay theo dõi, bây giờ chung kết làm sao bỏ được. Chuyện tu hành cũng không thể bỏ, bây giờ phải làm sao? Thôi mở tivi ra ngồi thiền. Quí vị thấy tu như vậy được không? Cũng được, nhưng mà cái đó chưa gọi là nhất ý. Tu như vậy không thành công. Đồng ý điều kiện tiên quyết của người tu là phải có trí tuệ sáng suốt, nhưng cũng không thể thiếu ý chí. Trui luyện ý chí lúc nào cũng sáng rực, như vậy chúng ta mới vượt qua mọi khó khăn một cách vững vàng.
Tâm của chúng ta yên rồi, ý chí vững mạnh rồi, sự sáng suốt hoàn bị viên mãn, thì không có việc làm nào không thành công, vô sự bất biện. Nên nhớ mình tu để được thanh tịnh, tròn đầy trí tuệ, làm tất cả Phật sự “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”. Nếu không đầy đủ ý chí, đầy đủ trí tuệ thì làm sao thực hiện nổi.
NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM - Lời dạy của thiền sư Hoàng Long Huệ Nam - HT Thích Nhật Quang
Các tin tức khác
- Lật thuyền sanh tử (20/03/2015 1:14)
- Đừng đem cho người điều mình không muốn (20/03/2015 12:45)
- Khiêm cung (19/03/2015 4:28)
- Sự nguy hiểm của các dục (19/03/2015 1:19)
- Thiền không phải vấn đáp (18/03/2015 4:57)
- Rửa mặt đổi tâm (18/03/2015 4:54)
- Cái mê truyền kiếp (18/03/2015 4:36)
- Xả bỏ thân tâm (17/03/2015 4:23)
- Lời dạy thiền sư Hư Vân (17/03/2015 4:14)
- Rosen (16/03/2015 5:17)