Thiệp thế

27/03/2015 5:18
Ngài Hối Đường nói: “Sự việc đã bỏ lâu không thể mong chóng thành, điều xấu chồng chất nhiều không thể từ bỏ ngay, sự ưu du không thể lưu luyến mãi, nhân tình không thể tốt mãi và hoạ hoạn không thể cẩu thả mà mong tránh khỏi được. Là bậc thiện tri thức, hiểu suốt được năm việc ấy thì trong sự thiệp thế sẽ không bị buồn phiền”.

Trong đây có năm việc. Việc thứ nhất là sự việc đã bỏ lâu, không thể mong chóng thành. Việc gì mình bỏ dở lâu ngày, bây giờ muốn nó thành tựu mau chóng, không thể được. Tu hành cũng thế, không siêng năng hành trì liên tục, công phu một nắng mười mưa thì không sao có thể đi tới giác ngộ giải thoát.

Thứ hai là điều xấu chồng chất nhiều không thể bỏ ngay được. Huân tập chủng tử xấu đã nhiều, đã lâu, nó thành nếp, thành tập quán rồi, bây giờ muốn gột rửa, xoá đi vết hằng ấy, không thể nhanh được.

Thứ ba là sự ưu du không thể lưu luyến mãi. Ưu du nghĩa là nhàn nhã vui chơi, đối với việc này không thể buông tuồng mãi.

Thứ tư là nhân tình không thể tốt mãi, Phật dạy các pháp vô thường, không gì có thể đứng yên một chỗ, mà nó luôn thay đổi. Hôm nay người ta tốt với mình thì ghi nhận như thế. Ngày mai có thể họ sẽ không còn tốt nữa, cũng là chuyện thường thôi, bởi lẽ cuộc đời vốn như vậy. Biết rõ thế rồi, chúng ta vui vẻ bình an, không buồn phiền hệ lụy, không lo lắng hay ỷ lại vào các duyên bên ngoài.

Thứ năm là hoạ hoạn không thể cẩu thả mà mong tránh khỏi được. Sống mà muốn đừng kẹt vướng hoạ hoạn thì chớ có chủ quan, luôn cân nhắc cẩn thận các việc làm, lời nói hay từng suy nghĩ. Người xưa đâu không từng dạy “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ kỹ đến hậu quả của nó”. Đó chính là không cẩu thả để tránh các họa hoạn về sau.

Muốn thành tựu được năm điều này phải có đầy đủ sự sáng suốt và vững tâm tu tập một cách liên tục. Chúng ta tu mấy chục năm rồi mà không thấy thành Phật, cũng không cảm thấy buồn chi hết. Bởi vì Tổ đã nói từ lâu rồi mình không làm Phật, nên bây giờ tập làm Phật cũng phải từ từ. Tập đi, tập đứng, tập ăn, tập nói, mỗi mỗi đều phải tập. Cho đến khi nào thuần như Phật, tự nhiên sẽ thành Phật. Chúng ta cứ vui vẻ tu, biết rõ con đường như vậy, không thể nhanh được, thì đừng nôn nóng.

Nhà thiền nói thấy tánh rất nhanh, nghĩa là nhận ra lẽ thực rất nhanh, nhưng quá trình đi từ phàm phu đến thánh nhân, không có cách gì khác hơn là phải sống trải trong đạo, giải quyết hết các nghiệp quá khứ, tu tạo mọi công đức lành cho đến viên mãn, mới thành Phật được. Tuy nhiên chúng ta cũng nghe từ “Tức tâm tức Phật”, nghĩa là ngay tâm mình là Phật. Đó là nói trên Phật nhân, còn Phật quả phải tu mới thành tựu. Không nên hiểu lầm rồi khinh suất, không nỗ lực công phu thì tự mình chịu thiệt thòi vậy. Nhân Phật mình có sẵn, nhưng tệ hại là nhiều đời kiếp mình lỡ trôi giạt trong luân hồi sanh tử, bây giờ muốn gột rửa để trở về bản vị ban đầu cũng phải có thời gian, có công phu, không thể bỗng dưng mà được.

Trích NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM - Lời dạy của Hòa thượng Hối Đường - HT. Thích Nhật Quang

Các tin tức khác

Back to top