Nói và làm

5/04/2015 4:01
Ngài Bạch Vân nói với ông Vô Vi Tử (Tức là ông Dương Kiệt, tự là Sơ Công, hiệu là Vô Vi cư sĩ. Ông này làm quan Lễ Bộ, là học trò của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài):

“Nói mà không làm được chẳng bằng đừng nói, làm mà không hiểu lời nói chẳng bằng đừng làm. Nói ra phải nghĩ tới chỗ chung cuộc của nó, và định làm phải xét đến chỗ ngăn trở của nó. Vì vậy bậc tiên triết cẩn trọng lời nói và lựa chọn việc làm. Nói ra không phải để cầu cho lý được hiển lộ mà hầu mong mở tỏ chỗ chưa ngộ cho học giả. Làm việc là không phải muốn hay riêng cho mình, mà hầu mong dạy chỗ chưa thành cho học giả. Cho nên nói ra có pháp độ, làm việc có lễ tiết mới có thể nói không bị mang hoạ và làm không bị mang nhục. Nói phải làm mực thước và làm phải là khuôn phép. Kinh Dịch nói: “Nói và làm là then chốt của người quân tử, là căn bản của việc sửa mình”. Nói và làm làm động đến trời đất, cảm đến quỷ thần, thực đáng kính vậy”.

Ở đây dạy về việc “Nói” và “Làm” phải tương ưng. Nếu chúng ta bàn đạo lý cao siêu, những bộ kinh cao đẳng Đại thừa trong nhà Phật thì bàn hoài không bao giờ hết. Tại sao? Vì các vị hồi xưa chứng ngộ viên mãn, từ trí tuệ chân thật nói ra như thế. Bây giờ chúng ta trí tuệ chưa viên mãn, do đó càng nói càng không đúng đâu vào đâu, làm sao nói hết nổi. Các bậc tiên đức e ngại chúng ta rơi vào cái thế nói mà làm không được, nên dạy nói và làm phải tương hợp, vừa vặn khít khao, nói có chân nghĩa, chứ đừng nói suông. Nói suông sẽ mang hoạ, mang nhục. Điều nói ra phải nằm trong kinh nghiệm của mình, bản thân làm được, mới có thể hướng dẫn mọi người làm theo.

Nếu người không dừng được loạn tưởng, những suy nghĩ tạp nhạp sẽ bị bệnh nói nhiều, nói hoài, nói đủ thứ chuyện mà không có chuyện nào đúng chuyện nào. Người biết giữ gìn khẩu nghiệp, biết trăm biết ngàn, nhưng chỉ nói một hai thôi. Cái một hai làm được mới nói, còn những gì chưa làm được thì không nói.

Sử kể rằng, nghe danh thiền sư Ô Sào là bậc thầy lỗi lạc, một hôm Bạch Lạc Thiên tìm đến tham vấn ngài, hỏi chỗ tột của đạo. Thiền sư đáp bằng một bài kệ rất quen:

Chớ làm các điều ác, 

Vâng làm các việc lành,

Tự thanh tịnh ý mình,

Là lời chư Phật dạy.

Bạch Lạc Thiên nghe qua thất vọng, bảo rằng: “Bài kệ này đứa con nít tám tuổi cũng biết”. Ngài Ô Sào nói: “Đứa con nít tám tuổi cũng biết, nhưng ông già tám mươi vẫn chưa làm được”. Ngay câu nói này, Bạch Lạc Thiên có tỉnh, bèn lễ tạ thiền sư Ô Sào.

Một đoạn nhân duyên này dạy cho chúng ta kinh nghiệm về nói và làm đi đôi với nhau. Điều mình nói gói trọn trong từng bước thực hành. Đừng nói quá, nói khoát có ngày sẽ mang hoạ vì lời nói của mình. Các vị tu chứng đạo, một lời nói của các ngài cảm đến chúng quỷ thần, những loài quỷ thần hạng thượng, có thể tác oai tác phúc đến cuộc đời. Cho nên cần phải xét nét cẩn ngôn, nói và làm tương ưng.

 

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Bạch Vân - HT. Thích Nhật Quang

Các tin tức khác

Back to top